Rùng rợn với chiếc bẫy như thời Trung cổ của loài kiến nhỏ, xẻ thịt con mồi to gấp 50 lần
- Thứ hai - 30/04/2018 19:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có những nhánh cây tưởng chừng vô hại nhưng một khi ong bướm, châu chấu... đã đậu vào thì không còn đường lui. Vì chính ngay đó là chiếc bẫy chết chóc của đàn kiến.
Trong tự nhiên, con lớn nuốt con bé dường như là 1 quy luật tất yếu. Thế nhưng điều đó không đúng với loài kiến Azteca brevis (viết tắt: A.brevis) cư ngụ tại Costa Rica - một đất nước Trung Mỹ.
Loài này có thể ăn thịt con mồi to gấp 50 lần cơ thể nó như châu chấu, ong bắp cày... Và tất cả những gì cần thiết là 1 chiếc bẫy tinh vi cùng sự phối hợp tài tình của đàn.
Ảnh phóng to một con kiến A.brevis.
Chiếc bẫy được tạo ra như sau. Đầu tiên, kiến chọn những nhánh cây đã bị nấm ăn mòn, khiến vỏ cây mỏng manh hơn.
Kế tiếp, đàn kiến đào những chiếc lỗ nhỏ san sát nhau, chỉ vừa đủ để nó ló đầu ra. Kiến mai phục trong chiếc lỗ, hàm dưới căng ra đợi con mồi.
Nếu một con vật bất hạnh như châu chấu đi ngang qua nhánh cây, chân và râu của nó sẽ chạm vào 1 trong những chiếc lỗ tử thần. Con kiến trong lỗ liền cắn phập vào chân châu chấu, kiên quyết không nhả ra.
Bị đau, theo phản xạ châu chấu liền vùng vẫy tìm cách thoát. Nhưng khi đó, râu và những cẳng chân mảnh khảnh của nó lại chạm vào những chiếc lỗ khác.
Cả đàn kiến từ khắp các lỗ sẽ dùng hàm cắn chặt và kéo căng cơ thể của con mồi ra các hướng khác nhau.
Hãy nhìn kĩ vào những chiếc lỗ này: đàn kiến đang đợi mồi!
Những con mồi bất hạnh đã sa bẫy.
Nếu mồi có kích thước lớn, đàn kiến nhẫn nại cố định con vật trong hàng giờ, khiến nó chết vì đau đớn và kiệt sức. Nếu con mồi bé hơn, một số kiến trong lỗ sẽ bò ra ngoài "xử gọn".
Tùy tình hình mà cuộc săn có thể kéo dài từ 20 phút đến nhiều giờ. Càng bỏ nhiều thời gian, chiến lợi phẩm thu về lại càng hậu hĩnh.
Phương pháp kết hợp vừa "phanh thây" vừa "tùng xẻo" có điểm chung với các hình thức tra tấn dã man của con người vào thời Trung cổ. Tuy vậy, các nhà khoa học nhìn nhận đây là hiện tượng "kiểu hình mở rộng" (extended phenotype) của loài kiến.
Bẫy của kiến A.brevis đơn giản mà hiệu quả.
Theo đó, các bất lợi về nội tại (kích thước quá bé, chân, miệng, hàm yếu ớt) nhưng lại có ưu điểm về ngoại cảnh (sinh sống trên thân cây, hợp thành đàn...) đã dẫn đến sự tiến hóa của kiến. Cuối cùng, chúng có thể "nghĩ ra" chiếc bẫy tinh vi để làm đầy cái bụng đói của mình.
Kiến A.brevis đã cho chúng ta thêm một ví dụ về cách tổ chức xã hội rất hiệu quả của loài vật nhỏ bé này trong cuộc chiến sinh tồn.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Biological Journal of the Linnean Society.