"Rồng non" trong hang động Slovenia bước sang tuổi thành niên
- Thứ hai - 03/10/2016 08:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Manh giông là động vật quý hiếm ở Slovenia. Ảnh: New Scientist. |
Những con manh giông màu hồng nở trong hang động Postojna phía tây nam Slovenia cách đây 4 tháng sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời và bước vào thời kỳ thành niên, New Scientist hôm 30/9 đưa tin.
"Đây là lần đầu tiên công chúng có cơ hội quan sát và theo dõi quá trình phát triển của một sinh vật sống cuộc đời giấu kín trong bóng tối", Sašo Weldt, một thành viên nhóm nghiên cứu ở hang Postojna, cho biết.
Loài manh giông (Proteus anguinus), còn có tên là rồng non, có thể sống tới 100 tuổi và chỉ đẻ trứng một hoặc hai lần trong suốt một thập kỷ. Các nhà khoa học biết rất ít về quá trình phát triển của chúng. Manh giông nằm trong nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng do số lượng ít cùng với môi trường ô nhiễm dưới lòng đất.
Trứng manh giông khi mới đẻ. Ảnh: New Scientist. |
Con manh giông mẹ trong hang Postojna đẻ 64 quả trứng hồi đầu năm nay. Tất cả trứng được xếp vào một bể thủy cung đặt bên trong hang nhưng chỉ có 22 quả nở và phát triển. "Đây là những con rồng non duy nhất trên thế giới mà con người từng biết đến", Weldt nói.
Ban đầu, các nhà khoa học không dám chắc những quả trứng sẽ nở và manh giông con có thể sống sót qua giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. "Sau nhiều tháng bối rối, lo lắng và nghi ngờ, giai đoạn phát triển khó dự đoán nhất đối với manh giông mới nở đã trôi qua. Những con manh giông 18 tuần tuổi đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới", nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu từng lo ngại manh giông con không phát triển hệ tiêu hóa và không thể ăn sâu bọ sau khi vỏ trứng tiêu biến. Hiện nay, chúng dài khoảng 4 - 4,5 cm và vẫn tiếp tục lớn dần. Sau 18 tuần tuổi, tất cả chúng đều ăn sâu bọ, bao gồm cả con phát triển chậm nhất, theo nhóm nghiên cứu.
Manh giông non thoạt nhìn rất giống con trưởng thành, nhưng sau 2 - 3 năm, lớp da của chúng mới bao phủ mắt. Sau khoảng 1,5 năm, sắc tố sẫm màu biến mất, khiến da chuyển thành màu hồng. Tiếp đó, chân chúng phát triển đầy đủ, cho phép chúng di chuyển quanh thủy cung. Chúng có thể săn mồi, bảo vệ lãnh thổ và đôi khi giành thức ăn với đồng loại.
Giai đoạn thành niên kéo dài khoảng 15 năm với con cái và 11 năm với con đực, tùy theo nhiệt độ nước. Sau đó, manh giông non trưởng thành và sẵn sàng giao phối. Loài bò sát mù này còn được gọi là "cá người" do lớp da màu hồng nhạt và tập quán ăn, ngủ và sinh sản hoàn toàn dưới nước.
Xem thêm: Nông dân Trung Quốc phát hiện dấu vết giống rồng đen trên đá
Phương Hoa