Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Những nhà máy điện hạt nhân xây sát biên giới gây tranh cãi

Nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân sát biên giới các nước láng giềng bất chấp những lo ngại về vấn đề an toàn.

Nhà máy Fessenheim, Pháp

Nhà máy Fessenheim nằm ở tỉnh Haut-Rhin phía đông bắc nước Pháp, cách biên giới Đức chỉ 1,5 km và biên giới Thụy Sĩ 40 km. Công trình được xây vào năm 1970 và đi vào hoạt động từ năm 1977 với hai lò phản ứng công suất 900 megawatt. Đây là nhà máy hạt nhân lâu đời nhất còn vận hành ở Pháp, theo Yahoo.

Đức và Thụy Sĩ đang kêu gọi đóng cửa Fessenheim, nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất ở Pháp. Ảnh: Wort.

Chính phủ hai nước Đức và Thụy Sĩ đang kêu gọi Pháp đóng cửa nhà máy lâu đời này do những lo ngại về vấn đề an toàn. Nhà máy được thiết kế để trụ vững trong động đất mạnh 6,7 độ richter, nhưng đánh giá mới về nguy cơ địa chấn chỉ ra khu vực này có thể hứng chịu động đất lên tới 7,2 độ richter.

Ngày 9/4/2014, một sự cố về nước khiến hệ thống an toàn của một trong hai lò phản ứng song song bị vô hiệu hóa. Theo truyền thông Đức, những người vận hành nhà máy mất kiểm soát hoàn toàn đối với lò phản ứng  số 1 và buộc phải đổ boron vào hệ thống làm mát của lò. "Sự cố một lần nữa chỉ ra chúng tôi có lý do để yêu cầu Pháp dừng hoạt động sản xuất điện của nhà máy Fessenheim", Barbara Hendricks, Bộ trưởng Môi trường Đức, tuyên bố.

Nhà máy điện hạt nhân ở Igneada, Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy hạt nhân cách ngoại ô phía tây Istanbul khoảng 100 km và cách biên giới Bulgaria 10 km hồi tháng 10 năm ngoái, theo Novinite.com.

Nhà máy điện hạt nhân Igneada chỉ cách biên giới Bulgaria chưa đầy 10 km. Đồ họa: Anadolu

Bộ trưởng Bộ năng lượng Ali Rıza Alaboyun cho biết chính phủ chọn quận Igneada thuộc tỉnh Kırklareli phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ ba của quốc gia này. Đây là nơi tọa lạc Vườn quốc gia rừng bãi sông Igneada, bao phủ 3.155 ha đầm lầy, hồ và đụn cát ven biển. Lựa chọn này làm dấy lên nhiều lo ngại về tác động đối với môi trường của nhà máy hạt nhân.

Tổ chức Đại diện Tự nhiên Igneada cho rằng nhà máy điện hạt nhân này không chỉ đe dọa đời sống tự nhiên, mà có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa đối với con người. Họ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được nước láng giềng Bulgaria cho phép trước khi tiến hành dự án.

Nhiều nghị sĩ Bulgaria cũng đã yêu cầu chính phủ gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ về ý định xây dựng nhà máy điện hạt nhân này cũng như các tác động tiềm ẩn của nó. Người dân làng Rezovo ở biên giới phía đông nam Bulgaria cũng đã tổ chức một cuộc tuần hành đốt đuốc vào năm 2012 để phản đối kế hoạch này.

Nhà máy Astraviec, Belarus

Nhà máy điện hạt nhân Astraviec đang trong quả trình xây dựng ở tỉnh Grodno phía tây bắc Belarus chỉ cách thủ đô Vilnius của nước láng giềng Litva 50 km. Nhà máy có thể gây nguy hiểm trực tiếp cho người dân Litva nếu sự cố xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp phản đối của chính phủ Litva và những lo ngại về an toàn, lãnh đạo Belarus vẫn quyết định tiếp tục dự án.

Nhà máy điện hạt nhân Astraviec đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Belta News.

Ngày 10/7/2016, một tai nạn xảy ra tại công trường xây dựng nhà máy Astraviec. Theo Mikalai Ulasevich, một cư dân địa phương, xe cần cẩu làm rơi lò phản ứng 330 tấn từ độ cao 2 - 4 mét trong quá trình nâng thử nghiệm. Tuy nhiên, mãi tới hôm 26/7, các nhà chức trách mới lên tiếng xác nhận sự cố, theo Belarus Digest.

"Sự cố ở nhà máy điện Astraviec, một cơ sở hạt nhân Belarus đang xây sát biên giới Litva, chỉ ra chúng tôi có lý do để lo ngại về vấn đề an toàn của dự án", tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė phát biểu. Chính phủ Litva cũng tuyên bố sẽ không mua điện sản xuất từ nhà máy Astraviec.

Trước phản ứng của quốc gia láng giềng, các nhà lãnh đạo Belarus vẫn tiếp tục kế hoạch xây dựng. Theo kế hoạch, tổ máy sản xuất điện đầu tiên sẽ hoàn thiện vào năm 2018 và tổ máy thứ hai sẽ được xây xong vào năm 2020.

Xem thêm:  Nga xây nhà máy điện hạt nhân nổi 500 triệu USD

Phương Hoa

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây