Nghe thử những bài hát làm mê hoặc lòng người của cá voi từ sâu thẳm đại dương
- Thứ bảy - 21/04/2018 23:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bạn có tin rằng cá voi biết hát? Thậm chí, chúng còn hát hay nữa là đằng khác.
Cá voi được biết đến là những loài động vật thông minh và to lớn bậc nhất sinh sống dưới đại dương. Thế nhưng, bạn đã bao giờ nghĩ đến việc chúng... biết hát chưa?
Trên thực tế, việc cá voi biết hát vẫn luôn là đề tài nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Và nếu chưa thì nghe thử ngay nhé.
Hai loài cá voi có tiếng hát đặc biệt nhất
Trong số hàng chục loại cá voi phân bố ở khắp các châu lục trên thế giới, hai loài được coi là có tiếng hát đặc biệt nhất là cá voi lưng gù và cá voi đầu cong (hay còn gọi là cá voi Bắc Cực).
Cá voi lưng gù là một trong những loài cá voi có kích thước lớn nhất, và cũng thuộc số ít những loài có khả năng tạo ra những bài hát phức tạp. Mục đích tiếng hát của cá voi lưng gù cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, mặc dù có nhiều giả thiết cho rằng đó là cách chúng thu hút bạn tình trong mùa giao phối.
Cá voi lưng gù.
Cá voi Bắc Cực cũng là những nhạc công tài ba không kém. Tuy nhiên, do sinh sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt phương Bắc, và tình trạng suy giảm số lượng do con người săn đuổi, hiểu biết của khoa học về loài vật này không có nhiều.
Chỉ biết rằng, chúng có những tiếng hát đầy mê hoặc
Cùng là "âm nhạc", nhưng thứ nhạc do mỗi loài tạo ra lại có đôi chút khác biệt.
Người ta thường so sánh những bài hát của cá voi lưng gù với thể loại nhạc cổ điển - mang tính kỷ luật và có thời gian rất dài, từ 20 đến 30 phút. Nhạc của cá voi Bắc Cực lại khác. Chúng giống nhạc Jazz, đầy tính ngẫu hứng và liên tục.
Đặc biệt, đừng nghĩ rằng chúng hát bài nào cũng giống bài nào, mà có thay đổi cả đấy. Với cá voi đầu cong, chúng thay đổi bài hát liên tục chỉ sau một vài giờ. Âm thanh của loài vật này được đánh giá là đa dạng như tiếng hót của chim chóc vậy.
Trong khi đó, người anh em cá voi lưng gù thì chỉ biết hát một vài bài "tủ" trong suốt cả một mùa mà thôi.
Cá voi đầu cong.
Nhờ đặc điểm này mà cá voi đầu cong trở nên khác biệt so với phần còn lại. Trên thực tế các loài thú (cá voi thuộc lớp thú) có xu hướng lặp đi lặp lại những hành động quen thuộc, ít khi thay đổi như loài cá voi này. Ngoài ra, dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng dường như cá đực chịu khó hát hò nhiều hơn trong mùa sinh sản.
Hiện nay, việc theo dõi và nghiên cứu tiếng hát của các loài cá voi, đặc biệt là cá voi Bắc Cực đang ngày càng trở nên khó khăn bởi nhiều lý do như môi trường sống khó tiếp cận và sự cản trở từ hoạt động đánh bắt thương mại.
Giáo sư Kate Stafford từ Đại học Washington cho rằng, để hiểu sâu hơn về tập tính cũng như tiếng hát của chúng, việc đặt máy thu âm dưới biển là không đủ. Vì vậy, bà cho rằng cách tốt nhất là gắn thiết bị theo dõi để thu thập thông tin chính xác về âm thanh của từng cá thể độc lập.
Việc này có thể sẽ khó khăn, tuy nhiên nó hứa hẹn mở ra nhiều điều thú vị đáng được khám phá.