Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bộ não không biết sợ của người tay không leo vách núi 760 m

Bộ não không biết sợ của người tay không leo vách núi 760 m
Bộ não với khả năng chế ngự nỗi sợ khi đu mình trên những vách đá dựng đứng của vận động viên leo núi Alex Honnold là đề tài thu hút các nhà nghiên cứu.

Lòng can đảm của nhà leo núi Alex Honnold khiến nhiều người kinh ngạc. Ảnh: Flickr.

Trong khi hầu hết mọi người bị nỗi sợ đánh bại ngay trước khi bắt đầu, vận động viên Alex Honnold vẫn giữ được tâm lý vững vàng để chinh phục vách đá Luminoso cao hơn 760 m tại Mexico mà không cần dùng bất cứ công cụ bảo hộ nào vào năm 2014. Lòng can đảm kỳ lạ khiến anh có biệt danh Alex "Không biết sợ", theo Business Insider.

Theo Honnold, bản thân anh vẫn cảm nhận được nỗi sợ, bởi nếu có bất kỳ sơ suất nào, anh phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Để tìm hiểu về nỗi sợ của vận động viên leo núi tự do nổi tiếng này, giới khoa học quyết tâm truy tìm câu trả lời từ trong cấu tạo não bộ của anh.

Honnold đồng ý để nhà khoa học thần kinh nhận thức Jane Joseph và nhóm nghiên cứu ở Đại học Y South Carolina, Mỹ thực hiện chụp cắt lớp não của anh để kiểm tra.

Nhóm nghiên cứu hướng đến tìm lời giải cho hai vấn đề chủ chốt. Vấn đề đầu tiên là có bất thường nào trong vùng hạch hạnh nhân (amygdala), phần não đáp ứng các tác nhân mang tính đe dọa hoặc gây sợ hãi và xử lý cảm xúc, hay không. Tiếp đó, họ muốn tìm hiểu động cơ nào khiến Honnold thực hiện hành động mà nhiều người xem là điên rồ và liệu anh có theo đuổi cảm giác thỏa mãn (rewarding feeling) xảy ra khi hormone dopamine tăng cao.

Bí quyết của Honnold là quá trình tập luyện tâm lý, hình dung tường tận từng tình huống và nỗi sợ hãi đi kèm. Ảnh: Youtube.

Sau khi xem xét kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI), Joseph và các đồng nghiệp nhận thấy cấu tạo não của Honnold không có gì bất thường. Vùng hạch hạnh nhân nằm đúng chỗ và không bị tổn thương.

Tuy nhiên, bộ não của Honnold dường như không phản ứng lại trước nỗi sợ hãi như những người khác. Hạch hạnh nhân của anh không hoạt động khi Honnold xem một loạt hình ảnh gây lo sợ được thiết kế để kích thích vùng não này.

Nghiên cứu về cảm giác thỏa mãn cũng cho kết quả thú vị. Chuyên gia Joseph cho hay, về cơ bản, Honnold là một người tìm kiếm cảm giác cực mạnh. Những cảm giác thỏa mãn của người bình thường với Honnold là không đủ. Thay vào đó, anh hướng tới những việc mà mọi người xem là điên rồ hoặc cực kỳ nguy hiểm để đạt được sự thỏa mãn, và trong trường hợp này là leo núi tự do.

Tập luyện cho nỗi sợ hãi

Lý giải cho phản ứng khác thường ở não bộ của Honnold, các nhà khoa học quay lại bí quyết mà anh tiết lộ. Nhà leo núi dường như hiểu thấu những tình huống đáng sợ mình sẽ đối mặt nhưng lại có khả năng giữ vững tinh thần để vượt qua.

"Khi chuẩn bị cho một kế hoạch mạo hiểm, tôi thường dành thời gian để hình dung tường tận những điều sắp trải nghiệm và cảm giác của mình khi đó", Honnold chia sẻ trong một chương trình truyền hình.

Vận động viên can đảm cho hay, khi leo núi tự do, anh phải trèo lên các vách núi mà không có dây bảo hộ. "Do đó, cần phải tưởng tưởng một cách chi tiết nhất từng trường hợp và cảm giác ngay lúc ấy. Sẽ có những động tác, những cú đu người nguy hiểm và đáng sợ, nên điều quan trọng là hình dung trước trải nghiệm lúc đứng trên vách núi cao. Nhờ vậy, khi gặp phải tình huống nguy hiểm, tôi sẽ sẵn sàng đối mặt thay vì run sợ", Honnold lý giải.

Xem Alex Honnold chinh phục vách núi cao 760 m

Quá trình chuẩn bị tinh thần của Honnold tương tự kỹ thuật được các nhà khoa học đặt tên là "diễn tập tâm lý", liệu pháp giúp mọi người sẵn sàng đương đầu với các khó khăn.

Các nghiên cứu cho thấy diễn tập tâm lý giúp các bác sĩ phẫu thuật tốt hơn. Phi hành gia Chris Hadfield cũng khẳng định đây là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho một chuyến bay vào vũ trụ. Khi đã hiểu rõ nỗi sợ và luyện tập cảm giác cho mọi tình huống, mọi người sẽ không thấy bất ngờ mà có thể lấy lại tâm lý để tiếp tục hành động.

Nguyên nhân chính xác cho việc mất đi các đáp ứng thông thường của vùng hạch hạnh nhân ở Honnold vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên nhiều khả năng điều này được hình thành tự nhiên trong thời gian Honnald diễn tập tâm lý mỗi ngày.  

Cùng với sức khỏe, kỹ năng leo núi, tập luyện giúp tinh thần vững vàng là bí quyết giúp Hannold trở thành nhà leo núi tự do nổi tiếng, đủ can đảm để tay không đối diện với những vách đá cheo leo cao hàng trăm mét. Kỹ năng này cũng có thể giúp một người bình thường chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn, một cuộc trao đổi căng thẳng hay chạy đua nước rút.

Xem thêm:  Những nhân tố biến Everest thành tử huyệt của các nhà leo núi

Thu Hiền

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây