Xúc động lễ 20/11 của các cô giáo ở ngôi trường chuyên biệt
- Chủ nhật - 20/11/2016 08:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ra đời năm 1988, Trường Chuyên Biệt Tương Lai Quận 5 là một trong những trường đầu tiên ở TPHCM giáo dục văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật khiếm thính (điếc câm), chậm phát triển trí tuệ. Thời gian đầu, trường chỉ đơn thuần phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ với số học sinh ban đầu là 45 em và đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường chỉ có có 16 người. Đến nay, ngôi trường này có tới 120 học sinh khuyết tật như khiếm thính, chậm phát triển, tự kỷ với đội ngũ cán bộ, giáo viên lên đến 30 người trong đó hầu hết là nữ.
Công việc của các cô giáo ở ngôi trường Chuyên biệt Tương Lai không chỉ là dạy mà còn là chăm sóc, dỗ dành các học sinh đặc biệt.
Hơn 28 năm trôi qua thì cũng là ngần ấy năm nhiều cô giáo có thâm niên trong nghề, như cô Trần Thị Mỹ Duyên với 28 năm, cô Nguyễn Thị Hạnh 27 năm, cô Bành Thị Hằng hay cô Nguyễn Lệ Thủy cũng tầm 25-26 năm gắn bó với ngôi trường. Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường nhiều học sinh khuyết tật đã phục hồi chức năng theo dạng tật, đồng thời các em được học văn hóa, được rèn luyện kỹ năng có khả năng tự phục vụ bản thân mình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Cô giáo nhưng phải làm tròn nhiều vai trò như một người cô, người mẹ, bảo mẫu. Phải là người có tâm và sự nhẫn nại mới có thể gắn bó lâu dài với công việc.
Nghề giáo viên ở các trường học bình thường vốn đã vất vả nhưng ở ngôi trường đặc biệt này khó khăn gấp bội lần. Phải thật sự có tâm, lòng yêu nghề và yêu trẻ mới có thể gắn bó với các em được.
Các cô không chỉ dạy cho các trẻ thiểu năng, chậm phát triển mà còn tìm ra những phương pháp hay để đến gần với trẻ tự kỷ hơn. Mỗi ngày các cô phải thật sớm để có mặt ở trường lúc 6 giờ 30, bắt đầu công việc từ thời điểm đó cho đến tận 6 giờ tối. Không chỉ dạy các em học chữ, làm toán… mà các cô còn kiêm luôn cả việc cho ăn, vệ sinh, tắm táp và trực luôn cả giấc ngủ trưa của các em.
Đúng là phải thật yêu nghề các giáo viên ở đây mới đứng vững được ngần ấy năm trời. Lúc nào cũng phải dõi mắt theo các em nên những buổi ăn trưa của các cô ở đây cũng rất vội vã. Còn giấc ngủ trưa cũng thật “xa xỉ” với các cô. Trong các em ở đây một số em còn bị kèm cả chứng động kinh, đó còn chưa kể mặc dù các em chậm về trí não nhưng vẫn phát triển về mặt sinh lý nên các cô ở đây kiêm luôn “vệ sĩ” gần như suốt 24/24”.
Những chuyện buồn, tai nạn đến với người làm nghề này là chuyện thường. Các em học ở đây nhỏ nhất là 4 tuổi và nhiều em cũng đã 18 tuổi, nhưng đều hành động như con nít. Đặc biệt, các em đều gặp khó khăn về giao tiếp, giới hạn về ngôn ngữ. Nhiều lúc không biểu lộ được ý muốn nên các em có những hành động bức xúc quá mức như tự cào cấu, làm tổn thương mình hoặc tấn công cả cô giáo. Nhưng tất cả đã không làm chùn bước chân các cô.
Quanh năm quần quật với công việc nên đối với các cô lễ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày lễ rất đặc biệt. Đó chỉ là một buổi lễ diễn ra ấm cúng, đơn giản chỉ là những màn biểu diễn “cây nhà lá vườn” của cô và trò. Đặc biệt để có những màn múa, hát của các em học sinh thời gian luyện tập cũng dài hơn bình thường. Có tiết mục đã được tập cách đó cả năm trước, tiết mục thời gian chuẩn bị ít nhất cũng phải cả 1 tháng trời. Dù thời gian tập luyện ấy các cô phải vất vả hơn nhưng ai cũng cảm thấy động lực để thực hiện.
Trong lễ 20/11, các cô say mê hát lên những lời hát như “Cô nuôi dạy trẻ” hay “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu” … và dường như đó chính là tâm sự yêu nghề, nhiệt huyết với nghề từ chính bản thân các cô gửi gấm vào đó. Trong hội trường nhỏ, bên dưới những đứa học trò với gương mặt ngô ghê như hiểu được tấm lòng của cô giáo mình, nhiều em giọng còn ngọng nghịu nhưng đã bày tỏ “cô hát hay quá à”.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, một giáo viên dạy ở trường hơn 20 năm cho biết: “Với chúng tôi, lễ mừng ngày 20/11 chỉ đơn giản là một hoạt động vui chơi trong đó để chủ yếu các học sinh được vui hơn”.
Nhìn học trò vui, bản thân các cô cũng tìm thấy niềm vui, hào hứng và tự hào về công việc của mình.Cô Nguyễn Lệ Thủy - Phó hiệu trưởng trường chia sẻ: “Là giáo viên nhưng các cô ở trường không được đứng trên bục giảng. Công việc hàng ngày của chúng tôi đôi lúc chúng tôi quên hẳn mình là cô giáo bởi đôi khi phải đóng vai trò của một bảo mẫu, là mẹ, là cô và nhiều vai trò khác. Trong buổi lễ này, chúng tôi được khoác lên mình chiếc áo dài, chiếc áo vốn dĩ luôn gắn bó với các cô giáo đi dạy bình thường. Những lúc này chúng tôi cảm thấy được tôn trọng và tự hào hơn về công việc của mình”.
Niềm vui của cô, trò trường Chuyên biệt Tương Lai trong ngày lễ đặc biệt của chính các cô giáo.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn vì điều kiện cơ sở vật chất trường đã xuống cấp trầm trọng, thiếu sân chơi, lớp học thì đông học sinh và không phù hợp với từng dạng tật của học sinh, không có các phòng chức năng nên công tác phục hồi chức năng, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật.... Dù vậy, những cô giáo của trường chuyên biệt Tương Lai này vẫn sẽ miệt mài, chăm bẵm cho đàn học trò ngây thơ có thể hòa nhập tốt nhất với cộng đồng, xã hội.
Lê Phương
( lephuong@dantri.com.vn )