"Xã hội hoá và quốc tế hoá là xu hướng phát triển lớn của giáo dục VN"
- Chủ nhật - 11/09/2016 16:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại lễ tri ân "Mùa thu năm ấy" nhân kỷ niệm 10 năm thành lập ĐH FPT, hai sáng lập viên thời kỳ đầu là TS. Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên và TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã tái hiện lại bối cảnh giáo dục đại học của Việt Nam 10 năm khi đó.
Ông Trương Gia Bình nói: “Khi đó, chúng ta rất cần những con người Việt Nam, thanh niên Việt Nam có khát vọng về khoa học, công nghệ và có năng lực học tập để tự học và phát triển năng lực của mình. Nhưng chúng tôi cảm thấy còn thiếu một môi trường học tập như vậy. Chúng tôi đặt câu hỏi rằng tại sao lại phải ra nước ngoài học tập trong khi người nước ngoài đang đến Việt Nam học tập?”.
Với mong muốn tìm ra hướng phát triển mới sang lĩnh vực giáo dục, ông Bình cùng với các đồng sự đã có ý tưởng thành lập trường đại học từ năm 2003. Nhưng vào thời điểm đó, luật Giáo dục của Việt Nam chưa có cơ chế cho phép thành lập trường đại học tư, lại càng chưa có cơ chế để một trường đại học do doanh nghiệp thành lập được ra đời. Tuy nhiên, FPT tin rằng việc Chính phủ cho phép thành lập đại học tư và cấp phép để doanh nghiệp được bước chân vào lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc đại học là xu thế nên vẫn trình lên các cơ quan chức năng.
Năm 2005 - 2006, giáo dục đại học đón thay đổi lớn với sự ra đời của luật Giáo dục sửa đổi 2005, nghị quyết 14/2005 về Đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học và Quy chế Đại học tư thục 2005, lần đầu tiên hợp thức hóa loại hình đại học tư thục.
Luật đã có, các văn bản dưới luật được ban hành trước cả khi luật đến thời hạn thực hiện. Nhờ đó, tới đầu năm 2006, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định đồng ý về chủ trương thành lập Đại học FPT tại Hà Nội.
Tiếp theo đó, khi tiến hành thí điểm tự chủ, trường đại học tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập mở họp báo công bố phương thức tuyển sinh nhưng cũng đồng thời nhận được công văn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp thuận đề nghị thử nghiệm tự chủ của trường.
Hàng loạt báo chí thời đó đã vào cuộc bám sát quá trình xin tự chủ của trường ĐH FPT. Đặc biệt, câu chuyện xin tự chủ của trường đã trở thành chủ điểm nóng trong suốt 3 tháng của tất cả các báo chí uy tín trên toàn quốc, đồng thời được nhiều tổ chức bình chọn là sự kiện tiêu biểu của năm 2006. Nhìn lại giai đoạn này, có thể thấy tới thời điểm hiện tại, không chỉ trường ĐH FPT mà bức tranh chung của giáo dục đại học Việt Nam đã đi được những bước tiến dài để đổi mới.
Để nhà trường phát triển tới ngày hôm nay, TS. Lê Trường Tùng thể hiện niềm tin vào việc Chính phủ ngày càng nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng của giáo dục đại học thế giới, đồng thời cũng hết sức nỗ lực để mảng giáo dục đào tạo các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học bắt kịp với top đầu các trường trên toàn cầu.
Ông Tùng nhận xét: “Xã hội hoá và quốc tế hoá là hai xu hướng phát triển lớn của giáo dục Việt Nam. Với xã hội hoá giáo dục, Bộ GD& ĐT đã có những chính sách dần thu hẹp khoảng cách giữa trường công và tư tại Việt Nam.
Còn quốc tế hoá giáo dục có thể nhìn thấy từ số lượng tăng lên của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam, cũng như thứ hạng tăng dần của nhiều trường Việt trên bảng xếp hạng thế giới.
Có thể nói, 10 năm tới, thách thức cho các trường đại học sẽ không nằm ở trong nước mà còn vươn ra bản đồ giáo dục của khu vực và toàn cầu. Các trường đại học của Việt Nam cũng sẽ đi cùng dòng chảy và gặp cùng những thách thức này, chỉ là nhanh hay chậm thôi”.
Mai Châm