Trồng người từ cái tâm, cái đức của người thầy
- Thứ sáu - 21/10/2016 14:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhắc tới Trường Nguyễn Siêu – một trong ba trường dân lập đầu tiên của Hà Nội, người ta nhớ ngay tới ông và người bạn đời- nhà giáo Dương Thị Thịnh đã đặt những viên gạch đầu tiên, 62 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ông được nhân dân, Đảng bộ Hà Nội tin tưởng, vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú.
Một ngày thu tháng 10, Hà Nội tràn ngập nắng vàng, tôi hẹn gặp Đại tá, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh ngay tại ngôi trường nổi tiếng Nguyễn Siêu. Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt phúc hậu, phong thái nho nhã, dù bước qua tuổi 80 nhưng cử chỉ của ông vẫn vô cùng nhanh nhẹn.
Ở tuổi “xưa nay hiếm” mà ông vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai, phong độ hiếm có của một Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng ủy nhà trường quả là điều khiến tôi vô cùng khâm phục.
Ôn lại chặng đường đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô, ông nở nụ cười đôn hậu nói: “Dù có thời gian thăng trầm, gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu khi vợ chồng tôi sáng lập ra Trường Nguyễn Siêu, nhưng đến thời điểm này, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến thành quả của biết bao nỗ lực để có một Nguyễn Siêu như hiện nay”.
Với NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú không chỉ là niềm tự hào, niềm vui của riêng ông mà vinh dự này ông dành tặng cho các thế hệ giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và những người có công giúp đỡ xây dựng nên trường Nguyễn Siêu như ngày nay.
“Vì có Nguyễn Siêu thì mới có một nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh được vinh dự là Công dân Thủ đô ưu tú” - ông dí dỏm.
Đại tá, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh sinh ra ở Hải Phòng, mẹ mất năm 1954, cha bị giặc Pháp bắn chết khi ông còn nhỏ. Cách mạng nuôi ông từ năm 13 tuổi và đào tạo ông trở thành nhà giáo. Năm 1954 ông về tiếp quản Thủ đô và trở thành công dân Thủ đô.
Tròn 20 tuổi ông đã là Hiệu trưởng Trường Đông Ngạc, rồi tham gia giảng dạy chính trị tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất ông được Thành ủy Hà Nội cử tham gia quân đội.
Trải qua nhiều nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Công binh, năm 1972 ông bị thương tại chiến dịch Quảng Trị và được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Trước lúc nghỉ hưu, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Công binh với quân hàm Đại tá.
Trò chuyện với ông, trí tuệ và sự minh mẫn của ông khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở ông, tôi còn cảm nhận được chất người lính và người thầy, vừa có tâm, vừa có đức, lại có tính chuyên nghiệp. Ông bảo, lý do ông sáng lập ra trường Nguyễn Siêu ngay sau khi về nghỉ hưu là bởi lòng “yêu nghề mến trẻ”.
Năm 1991, trường ngoài công lập ở Hà Nội còn là cái gì đó vô cùng mới mẻ, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông chấp nhận đi vay tiền để đầu tư cho trường trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như thế là quá mạo hiểm. Người thân lo lắng cho ông, nhưng cách nghĩ của ông lại khác.
Ông luôn ấp ủ mong muốn xây dựng được một ngôi trường theo định hướng phát triển toàn diện, lấy giáo dục đạo đức làm hàng đầu, xây dựng “nếp văn hóa” Nguyễn Siêu mang 7 phong cách để học sinh Thủ đô có một môi trường học tập đổi mới, sáng tạo. Và quyết tâm của ông đã thành công như mong ước.
Ông cùng vợ - người bạn đời cũng là một nhà giáo tâm huyết đi vay vốn xây Trường Nguyễn Siêu. Thời gian đầu khó khăn lắm, ông phải đi “mời” từng học sinh về trường. Ông phải chuyển cả con và các cháu đang học ở lớp chuyên, trường điểm về trường của ông học tập. Ông bảo, làm thế phụ huynh mới tin tưởng cho con em về trường mình học.
Thời gian vật lộn với thị trường quả không hề dễ dàng gì, đôi lúc tưởng chùn bước, nhưng chỉ có thể chứng minh thực lực, chất lượng giáo dục bằng những hiệu quả, thành tích của chính mình tạo nên thì mới xây dựng được uy tín và nền tảng niềm tin trong PHHS.
Từ một trường dân lập bình thường, giờ đây Nguyễn Siêu đã trở thành trường mang tầm quốc tế với cả 3 cấp từ tiểu học đến THPT. Tôi hỏi ông “điều gì làm nên thương hiệu của Nguyễn Siêu trong một rừng trường dân lập hiện nay?”.
Ông nhẹ nhàng: “Nguyễn Siêu đặc biệt quan tâm tới vấn đề dạy người. Có làm người được thì mới học tốt. Chúng tôi coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, đó là “7 nếp văn hóa” Nguyễn Siêu là: văn hóa chào, văn hóa đọc, văn hóa bảo vệ môi trường, văn hóa xếp hàng, văn hóa sử dụng thiết bị thông minh, văn hóa tiết kiệm, văn hóa lắng nghe. Chúng tôi giáo dục cho học sinh trên nền tảng 7 nếp văn hóa này và đã thực sự thành công”.
Ông bảo, thành quả lớn nhất mà ông cùng người bạn đời mình làm được sau 25 năm xây dựng nhà trường chính là đưa trường THPT Nguyễn Siêu trở thành trường đạt 5 tiêu chí trường chất lượng cao (đầu tiên) của Hà Nội. Trường Tiểu học và Trường THPT được Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge Vương quốc Anh công nhận là Trường Phổ thông Quốc tế Cambridge (CIE) và là Trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge.
Dù tuổi đã cao, nhưng với lòng yêu nghề, ông không ngừng lao động học tập và nghiên cứu, luôn trăn trở về sự nghiệp giáo dục của Thủ đô với cái tâm, cái đức của người làm thầy.
Học sinh của Nguyễn Siêu hàng năm đều tốt nghiệp THPT đạt 100%; 80-100% thi đỗ vào các trường đại học, nhiều học sinh đạt giải cấp thành phố, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trường Nguyễn Siêu còn thực hiện tốt việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương nên được Bộ GD&ĐT chọn làm thí điểm xây dựng mô hình trường học mới.
Khát vọng của ông chính là đưa ngôi trường Nguyễn Siêu mang đậm bản sắc Việt chính thức bước vào hệ thống hơn 10.000 trường thực hiện chương trình quốc tế Cambridge hội nhập một cách vững vàng cho các học sinh có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được vinh danh là "Trí thức tiêu biểu của Thủ đô” và "Công dân Thủ đô ưu tú”.
Theo Trần Hằng
CAND