Niềm vui của thầy và trò nơi điểm trường biên giới
- Thứ hai - 21/11/2016 14:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điểm trường bản Ón, thuộc trường Tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có 98 học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Đây là điểm trường khó khăn nhất của trường Tiểu học Tam Chung, điều kiện đi lại vất vả, cách trung tâm xã hơn 20km đường rừng, đất đá và dốc núi.
Lâu nay, các em học sinh nơi đây phải học tập trong ngôi nhà mái lá, vách gỗ, nền đất. Mỗi khi trời mưa, nền đất ngập nước, mùa đông về thì gió lùa vào lạnh buốt. Tháng 8 vừa qua, cơn bão số 3 cũng gây sạt lở tại khu lẻ này, chính quyền địa phương đã phải vận động phụ huynh và Đoàn thanh niên huyện Mường Lát dựng tạm một lớp học khác ở khu đất bên cạnh nhà văn hóa của bản để các em học sinh kịp khai giảng năm học mới.
Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của thầy và trò tại điểm trường bản Ón, dự án VTEVC đã tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ để sớm khởi công xây dựng lớp học cho các em như: bán măng, bán sầu riêng, bán hoa 20/10, chụp hình cùng nhân vật hoạt hình… Đây là một dự án “Vì trẻ em vùng cao”, được bảo trợ pháp lý bởi Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Thanh Hóa, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của dự án là xây dựng 4 phòng học kiên cố với tổng kinh phí dự kiến hơn 400 triệu đồng. Ngày 20/11, tổ chức thiện nguyện “Vì trẻ em vùng cao” đã khởi công xây dựng 4 phòng học kiên cố cho các em học sinh tại khu lẻ bản Ón, thuộc trường Tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Điểm trường dự kiến sẽ khánh thành sau một tháng xây.
Tại buổi lễ khởi công xây dựng điểm trường bản Ón, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Thanh Hóa đã trao tặng nhà trường 3 bảng từ, 3 bộ bàn ghế giáo viên, 54 bộ bàn ghế học sinh tiểu học, 7 giường sắt, 6 tủ sắt, gần 1.000 quyển vở... cho học sinh với tổng giá trị 100 triệu đồng.
Ông Hà Văn Thiếu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung, chia sẻ: “Đời sống kinh tế của người dân nơi đây khá khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào H’Mông, tỉ lệ mù chữ còn cao, chỉ có 90% học sinh đi học. Để có một ngôi trường khang trang, kiên cố là điều cần thiết, đáp ứng việc học tập cho người dân”.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa cho biết: “Đây là một chương trình rất ý nghĩa, cần nhân rộng. Đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, rất mong được sự quan tâm của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm để đời sống người dân bớt đi những khó khăn”.
Sông Lô