Chiếc bánh mì trong mơ và ngày 20/11 không quà cáp
- Chủ nhật - 20/11/2016 17:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thầy Lê Xuân Quyết, giáo viên tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa: Kỉ niệm 20/11 từ cuốn vở học sinh
Được biết, thầy Quyết sinh ra và lớn lên trong gia đình rất nghèo. “Biết được tin tình nguyện ra Trường Sa, mẹ tôi đã rất phản đối và khóc rất nhiều vì sợ tôi không chịu nổi. Tuy nhiên, tôi đã động viên mẹ, đây là công việc cao quý và biển đảo quê hương đâu cũng là một phần máu thịt của đất nước, miễn sao con cố gắng hết sức, đó là món quà lớn nhất tặng mẹ”.
Thầy Quyết tâm sự, lần đầu tiên nhìn thấy lớp học mình dạy, tôi ngỡ ngàng bởi đó là một lớp học nhỏ xíu, lợp tôn. Thầy trò trong lớp học mà mồ hôi bê bết đầu tóc vì nắng nóng. Nhiều đêm đảo mất điện, tôi phải ôm cả tập vở học sinh chấm bài dưới cột đèn đường bởi cũng như nhiều thứ khác, điện ở đây rất hiếm.
Thầy đã kể câu chuyện về học sinh Nguyễn Hà Bảo Châu (Trường tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa) khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Trong mơ, cô bé nhìn thấy mình được cầm một ổ bánh mì nhưng chưa kịp ăn thì đã bị mẹ đánh thức. Câu chuyện có thật của thầy Quyết đã khiến nhiều người trăn trở bởi trong những lần tàu thuyền ra đảo, có khi do sóng to, gió lớn nên những chiếc bánh mì từ đất liền đưa ra đã trở thành xa xỉ với các em học trò huyện đảo.
Chia sẻ về nỗi niềm giáo viên bám đảo trong ngày 20/11, thầy kể, quà tặng của mình trong ngày này đơn giản chỉ là những lời chúc của học sinh qua trang giấy vở. Trong năm học vừa qua, lớp của thầy chỉ có 3 học sinh tiểu học và biết viết chữ, còn lại là học sinh mầm non. Do đó, thầy nhận được 3 tấm thiệp với lời chúc giản dị do các em viết lên tờ giấy được xé ra từ cuốn vở học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1967, Trường Tiểu học Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang):“Tôi đã từng khóc vì lạc đường”.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo hiếu học tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, năm 1987 sau khi tốt nghiệp THPT, cô Bích Thủy xuống Kiên Giang học khóa sư phạm cấp tốc, rồi ra trường công tác tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho đến nay.
Hồi đó, ở các xã đảo của tỉnh Kiên Giang thiếu giáo viên trầm trọng nên hàng ngày cô Thủy và các đồng nghiệp khác được phân công dạy tăng cường 3 ca/ngày, không có thời gian nghỉ trưa nên giáo viên chỉ tranh thủ ăn cơm trong lúc học sinh ra chơi. Đến tối, cô giáo trẻ lại đi dạy xóa mù chữ cho các em và ngư dân chưa biết chữ trên địa bàn xã đảo Lại Sơn.
Ngoài công tác giảng dạy, cô còn được lãnh đạo trường phân công làm công tác Đoàn Thanh niên và công tác Tổng phụ trách Đội nên cứ hai tuần, cô đi sinh hoạt ở điểm lẻ một lần.
Với gần 30 năm công tác tại vùng đảo, cô giáo Thủy cho hay những ngày đầu tiên trên xã Đảo Lại Sơn (Kiên Giang) cách đất liền 60km, điện thắp sáng không có, nước sử dụng cũng rất hạn chế. Mỗi lần đi công tác ở điểm lẻ, cô thường trèo qua núi trong thời gian 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi, có những lần, cô đã khóc vì lạc đường trong mịt mùng đêm tối.
Học sinh ở đây thường hay bỏ học, bám biển nhưng với cái tâm của người thầy, tình cảm với các học trò, với biển đảo quê hương trong cô cũng lớn dần theo năm tháng, cứ thế gắn bó với các em học sinh để đến nay, cô trở thành một phần không thể thiếu với bao lớp học sinh nơi đây.
Thầy giáo Đoàn Văn Kiều (SN 1979, Trường Phổ thông Cơ sở Sơn Hải, Kiên Lương, Kiên Giang): Người thầy của nhiều giải thưởng
Trong buổi tri ân các giáo viên vùng huyện đảo, xã đảo tại Hà Nội vừa qua, thầy Đoàn Văn Kiều xúc động kể lại: “Việc duy trì sĩ số các lớp học trên đảo gặp khá nhiều khó khăn. Có những trường hợp gia đình quá nghèo các em không thể đi học được. Có những trường hợp trẻ em bỏ học nhưng tôi đã dùng tiền lương của mình để trang trải cho các em đó tiếp tục việc học. Sau này em học trò này đã học đại học và ra trường có việc làm, cuộc sống tốt hơn rất nhiều... Đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng hơn trong quá trình công tác”.
Được biết, thầy Kiều sinh ra trong một gia đình có 4 người trong đó chỉ duy nhất bản thân làm nghề dạy học. Tính đến thời điểm này, thầy đã công tác tại xã đảo Sơn Hải được hơn 17 năm.
Do đặc thù là xã đảo nên những khó khăn nơi đây là rất nhiều. Điều kiện đi lại phụ thuộc chủ yếu vào tàu thuyền, đặc biệt là những ngày bão gió việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng những khó khăn đó đã không làm nản lòng những người giáo viên yêu nghề, mến trẻ nơi đảo xa, mà trái lại những khó khăn, thiếu thốn đó càng tiếp thêm nghị lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn, yêu nghề, quyết tâm gắn bó với học trò xã đảo.
Thương các em học sinh còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nên trong quá trình giảng dạy, thầy đã không ngừng cố gắng làm thêm nhiều thiết bị đồ dùng dạy học tự làm. Không dừng lại ở việc làm thiết bị đồ dùng dạy học tự làm, ngoài công việc giảng dạy bản thân còn hướng các em tham gia tập thể thao nâng cao sức khỏe cũng như tham dự các kỳ hội khỏe Phù Đổng hàng năm, đã gặt hái được những thành công.
Thầy đã trực tiếp giảng dạy một học sinh đạt giải nhì cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục phát động. Tất cả những điều đó đã tạo nên niềm vui, tinh thần phấn khởi, giúp thầy nhiệt tình hơn trong công tác và đặc biệt hơn nó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của xã đảo Sơn Hải nói riêng và của ngành giáo dục nói chung.
Mỹ Hà