Cảm động tấm lòng cô giáo xương thủy tinh, “không phấn, không bục giảng...”
- Thứ hai - 14/11/2016 13:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số phận éo le
Hơn 10 năm nay, trong ngôi nhà chị Tâm luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ con. Bởi nơi đây, có một lớp học rất đặc biệt do một cô gái tật nguyền mở ra để dạy miễn phí cho học sinh.
Nhìn vào lớp học đặc biệt, không phấn, không bảng, không bục giảng, trước mắt tôi là một người phụ nữ nhỏ bé đang say sưa giảng bài cho các em học sinh. Chị luôn nở nụ cười trên môi cùng đôi mắt sáng với các em học sinh thân yêu của mình.
Tâm sinh ra trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều làm nông. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình Tâm chuyển hẳn về bên ngoại sinh sống. Trong gia đình, Tâm là người duy nhất mắc căn bệnh ác quái này. 9 tháng mang bầu không ngừng lo lắng, ngày sinh đã cận kề, niềm vui như vỡ òa với bà Sự (mẹ chị Tâm).
Nhưng rồi, niềm vui chẳng tày ngang khi Tâm mới lọt lòng đã mắc căn bệnh ác quái, một chân của Tâm bị ngoặt lên trên bụng không thể duỗi thẳng. Trước căn bệnh của Tâm, gia đình chạy vạy đi vay tiền anh em, hàng xóm để đưa Tâm lên Bệnh viện Nhi Thụy Điển phẫu thuật lại chân. Sau lần phẫu thuật đó, chân Tâm đã đuổi thẳng nhưng vẫn không đi lại được.
Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, Tâm thấy “thèm” được đi học. Tâm xin bố mẹ, ông bà cho đi học. “Có lẽ, do hiểu được nguyện vọng và khát khao của con gái, nên gia đình đều ủng hộ việc học của chị. Ngày nào cũng vậy, ngày mưa cũng cũng như ngày nắng, ông ngoại và mẹ thay nhau chở Tâm đến trường đều đặn”.
Chị Tâm kể, hồi đó, chị được gia đình cho lên học luôn lớp 1 để theo đuổi kịp các bạn cùng trang lứa. Những ngày đầu đến lớp, chị chỉ biết ngồi im vì chưa biết đọc, biết viết bảng chữ cái. Bố chị xin nghỉ làm, ở nhà dạy chị cách đọc và cách viết. Sau 2 ngày chị thuộc lòng bảng chữ cái.
Việc đi lại đến trường cũng như mọi sinh hoạt, Tâm phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và gia đình. Năm 2007, học hết THCS, sức khỏe Tâm giảm sút nên phải nghỉ học. Trong 9 năm đi học, Tâm đã được 20 tấm giấy khen.
“Cô giáo” tại nhà
Sau khi nghỉ học tại trường vì lý do sức khỏe, Tâm tiếp tục ở nhà dạy học miễn phí cho các em học sinh trong làng. “Trong lúc đang theo học cấp II, mình có kèm cặp thêm mấy em học sinh trong làng để củng cố kiến thức cho các em. Một phần để giết thời gian, một phần để thỏa mãn ước mơ được làm cô giáo. Sau này, phụ huynh thấy con em mình học có tiến bộ nên nhờ chị kèm cặp cho đến khi các em học hết lớp 9”, chị Tâm bộc bạch.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến nhà chị Tâm mong muốn gửi con em của mình cho chị Tâm kèm cặp. Không chỉ học sinh trong địa bàn huyện Ý Yên, còn có nhiều học sinh của huyện khác cũng tìm đến nhà “cô giáo” Tâm để học.
Theo chị Tâm, các em chủ yếu học thêm vào 2 ngày cuối tuần, để việc học của các em cũng như việc dạy không bị xáo trộn, chị thường xuyên lên lịch phân chia thời gian cho hợp lý.
“Buổi sang mình dạy cho học sinh cấp I và buổi chiều là dành thời gian cho các em học sinh cấp II. Vào thời gian các em được nghỉ hè, số lượng học sinh đến học thêm rất đông, nhiều hôm có gần 40 học sinh”, chị Tâm phân trần.
Trong số học sinh theo học tại lớp “cô giáo” Tâm đã có nhiều học sinh được vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh và sau này đã đỗ các trường đại học, cao đẳng danh tiếng trong nước. Đó là nguồn động lực, giúp chị Tâm phấn đấu hơn nữa trong việc dạy học.
Lớp học đặc biệt của chị được chị ví vỏn vẹn trong bài thơ có tựa đề: “Lớp học của tôi” do chị sáng tác.
“Không phấn, không bảng, không bục giảng
Giáo án không, chỉ có một tấm lòng
Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy
Bước ngoặt đầu đời nhớ công sức thầy cô.
Em bé tật nguyền mơ làm cô giáo,
Gian khó cũng nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua
Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc
Cô với trò tíu tít bên nhau…”
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ
Những lúc rảnh rỗi, Tâm thường lấy sách vở và cây bút ra bàn học để sáng tác thơ. Những vần thơ sâu lắng và cảm động khi Tâm viết về chính số phận của mình:
“Tuổi thơ em không được vẹn tròn
Khi em ra đời, đôi chân không duỗi thẳng
Di chứng chiến tranh, nỗi đau dai dẳng
Ngấm vào thịt xương, dân tộc, giống nòi
Tuổi thơ em, cay đắng thiệt thòi
Không được nhảy dây, hái hoa, bắt bướm…”
Lấy cảm hứng từ chính cảm xúc thật của mình, Tâm bắt đầu viết về những con người có cùng số phận giống Tâm: “Tôi và bạn cùng chung số phận/ Cùng sinh ra, cùng chịu những thiệt thòi/ Dù chúng ta mỗi đứa một phương trời/ Những bạn hỡi! Hãy cùng nhau cố gắng”.
Ngoài sáng tác thơ, Tâm còn viết truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn mang tiêu đề: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ - Hạt giống tâm hồn” đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Tôi có một ước mơ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2001.
Mỗi lần có giải thưởng hay nhuận bút, Tâm đều trích số tiền đó để mua sách vở cho các em có hoành cảnh khó khăn hay mua một ít bánh kẹo liên hoan cùng các bạn học sinh. Đến nay, Tâm đã sáng tác được gần 30 bài thơ, truyện ngắn.
Tôi hỏi, mong ước của chị là gì? Tâm nói, mong ước mang những vần thơ do chính mình sáng tác, đi đến thật nhiều nơi để được đọc và truyền niềm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp cho các bạn có hoàn cảnh giống mình ở mọi nơi.
“Họ làm được, tôi và bạn cũng có thể làm được, dù có gặp muôn vàn khó khăn, đau đớn, thậm chí thất bại nhưng nhất định không được gục ngã, đầu hàng. Chỉ cần chúng ta có ý chí, nghị lực, đam mê và nỗ lực hết mình từng ngày, từng giờ, cố gắng thực hiện ước mơ và không được từ bỏ ước mơ thì tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện được ước mơ đó”, chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm.
Theo Mai Chiến
Nông nghiệp Việt Nam