Áp dụng học kết hợp nhóm trong giáo dục y khoa
- Thứ sáu - 23/09/2016 18:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công ty Điện tử Samsung vừa phối hợp với trường ĐH Y Dược Thái Nguyên giới thiệu mô hình “Giảng đường thông minh”. Đây là mô hình thứ hai nối tiếp sau sự xuất hiện của “Giảng đường thông minh” tại trường Đai học Y Dược TP.HCM do Samsung tài trợ.
Mô hình “Giảng đường thông minh” bao gồm 2 phần chính. Phần cứng là giảng đường tương tác với bảng điện tử và hệ thống máy tính bảng Samsung. Phần mềm là giải pháp giáo dục điện tử dựa trên mô hình "Học kết hợp nhóm" (Team-Based Learning - TBL).
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cách hiệu quả nhất để một người học khái niệm hoặc kỹ năng mới là đọc và thảo luận, sau đó ngay lập tức áp dụng kiến thức mới học này để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều này đặc biệt đúng với những kiến thức và kỹ năng cần ứng dụng ngay trên người bệnh như y học.
Một trong những phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được ứng dụng để cải thiện tình trạng này là "Học kết hợp nhóm" (TBL). Trong những năm gần đây, phương pháp này được ứng dụng mạnh trong các trường Đại học Y khoa hàng đầu ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác, như Đại học Harvard.
TBL là một hình thức học nhóm, nhưng không phải tất cả các kiểu học nhóm đều là TBL. TBL là một chiến lược giảng dạy cụ thể để tăng cường khả năng học tập trong các lớp học nhỏ hay thậm chí lớn tới 200 sinh viên. Trong TBL, cá nhân mỗi sinh viên phải chuẩn bị trước mỗi buổi học bằng cách đọc các bài đọc hoặc mô-đun trực tuyến, và sau đó trả lời câu hỏi để kiểm tra mức độ sẵn sàng của họ, xem mức độ họ hiểu những vấn đề cơ bản của bài giảng ấy tới đâu.
Sau đó sinh viên làm việc theo nhóm để giải quyết các khái niệm cơ bản trên lớp. Từng nhóm sau đó sẽ áp dụng những khái niệm cơ bản này vào các vấn đề phức tạp và khó khăn mà họ bắt gặp trong thế giới thực, và chia sẻ lý do của họ với cả lớp. Cả sự thể hiện của từng cá nhân và nhóm đều được tính vào điểm của mỗi sinh viên, do đó, là động lực mạnh mẽ để sinh viên làm việc cùng nhau.
TBL tận dụng những chiến lược cả lý thuyết lẫn thực tiễn để đảm bảo rằng các nhóm nhỏ làm việc hiệu quả và độc lập trong các lớp học có tỷ lệ sinh viên-giảng viên cao. Kết quả là, phương pháp này hiệu quả hơn và thực tế hơn so với các phương pháp nhóm nhỏ khác đòi hỏi phải có nhiều giảng viên hướng dẫn.
TBL ưu việt bởi loại hình này bắt nguồn từ lý thuyết kiến tạo xã hội, trong đó thừa nhận rằng mọi người học tốt hơn khi họ làm việc với những người khác để xây dựng kiến thức. Trong lĩnh vực y khoa, việc tất cả mọi người cùng nhau xây dựng những kiến thức chung dựa trên kinh nghiệm cá nhân là rất quan trọng.
Hơn nữa, một năng lực chuyên môn rất cần thiết đối với bác sĩ là họ phải làm việc hiệu quả trong nhóm, ví dụ phải cùng nhau thực hiện một ca phẫu thuật. TBL kích thích năng lực làm việc nhóm này, buộc sinh viên phải trao đổi và thoả thuận với nhau về cách thức giải quyết một vấn đề. Đội thực hiện các bài kiểm tra TBL thường có hiệu suất tốt hơn so với những sinh viên làm việc riêng lẻ.
TBL là một thách thức và thay đổi văn hóa cho cả sinh viên và giảng viên, đòi hỏi một sự đầu tư lớn về thời gian của sinh viên, trái ngược với việc tham dự thụ động trong các bài giảng truyền thống. Đối với giảng viên, TBL đòi hỏi phải nắm vững nhiều khả năng như kỹ năng soạn các bài kiểm tra có chất lượng, kỹ năng thúc đẩy thảo luận nhóm, sự linh hoạt để dạy những gì các sinh viên muốn thảo luận và tránh khuynh hướng giảng dạy áp đặt.
“TBL đòi hỏi một sự đầu tư về thời gian, sự hợp tác và làm chủ kỹ năng. Phần thưởng sẽ là những bác sĩ có kiến thức nhiều hơn và được đào tạo tốt hơn, có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao lấy bệnh nhân làm trung tâm. Đây chính là mục tiêu của Trường Đại học Y Thái Nguyên.” Giáo viên ĐH Y Dược Thái Nguyên chia sẻ.