Vụ án oan Trần Văn Thêm: Vì sao lại đình chỉ bị can?
- Thứ bảy - 13/08/2016 13:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Trần Văn Thêm cùng luật sư đến buổi công khai xin lỗi
Sau khi Liên ngành Tư pháp Trung ương tổ chức công bố quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi với ông Trần Văn Thêm tại Yên Phong (Bắc Ninh) nhiều câu hỏi được đặt ra. Vì sao lại có án oan kéo dài lâu như vậy? Làm thế nào để giảm đi những án oan thế này? Và tại sao đến nay lại không phải là hủy bản án, tuyên vô tội mà lại là đình chỉ bị can?
Để góp tiếng nói dưới góc nhìn luật pháp, PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.
Hiện nay, ông Trần Văn Thêm đã được giải sau hơn 40 năm. Theo luật sư câu chuyện này có thể rút ra những lưu ý gì trong giải quyết án oan sai?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin được biết sáng 11/8, tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong, Bắc Ninh diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1936, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Đây là kết quả chính thức xác định một vụ án oan "thế kỷ", điển hình tương tự vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Thêm sau hơn 40 năm lặn lội kêu oan đến nay mới được các cấp có thẩm quyền xem xét minh oan và công khai xin lỗi.
Có thể nói, trong bất cứ nền tố tụng nào cũng có thể xảy ra sai sót. Đất nước nào cũng có án oan, có một tỉ lệ án oan sai nhất định. Nhưng nếu để xảy ra nhiều án oan thì chứng tỏ nền tư pháp đang có vấn đề. Khi mà quyền con người, quyền công dân chưa được đề cao và tôn trọng thì câu chuyện oan sai sẽ trở nên phổ biến hơn. Những khi mà các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự không được tôn trọng (như nguyên tắc tranh tụng; nguyên tắc xác định sự thật vụ án; nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa; đánh giá chứng cứ...), còn để xảy ra tình trạng bức cung, ép cung thì tình trạng oan sai còn diễn ra phổ biến.
Theo tôi, trong thời gian tới cần tăng cường thực hiện nguyên tắc tranh tụng - nguyên tắc lần đầu tiên được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015 để tăng cường phản biện, giám sát, bào chữa của bị can, bị cáo và thực hiện nhiệm vụ, vai trò của người bào chữa. Với những vụ án mà bị can, bị cáo kêu oan thì cần phải hết sức thận trọng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, phải đảm bảo tính khách quan và thu thập hợp pháp, phải đảm bảo được quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Trong các vụ án kêu oan thì phải có những quy định pháp luật và cơ chế để mọi buổi làm việc của cán bộ điều tra, người tiến hành tố tụng phải có sự tham gia của người bào chữa và đại diện viện kiểm sát.
Phải sửa đổi các quy định tố tụng hình sự để đảm bảo tòa án là trọng tâm, hoạt động xét xử là then chốt, đảm bảo tính độc lập trong xét xử của tòa án. Cần đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền im lặng, quyền con người và các quyền tự do khác của công dân. Nếu không đủ căn cứ kết tội bị cáo thì tòa án phải tuyên vô tội....
Cần phải có những quy định và chế tài nghiêm khắc để tránh tình trạng bức cung, ép cung, dùng nhục hình buộc người bị tạm giam tạm giữ phải nhận tội một cách oan ức.
Có thực hiện tốt các yêu cầu như vậy thì mới có thể giảm bớt những án oan đau lòng như những vụ mà báo chí nêu trong thời gian gần đây, trong đó có vụ ông Chấn, ông Nén, ông Thêm...
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội)
Luật sư có thể lý giải vì sao không phải là hủy bản án cũ, tuyên vô tội mà lại là “Đình chỉ bị can” ?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy trình về tố tụng hình sự của nước ta thì khi khởi tố vụ án và tiến hành các hoạt động điều tra thì phải khởi tố bị can và quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Hoạt động điều tra kết thúc nếu vụ án bị đình chỉ hoặc chuyển cho Viện kiểm sát truy tố bị cáo. Việc truy tố bị cáo chỉ kết thúc khi có bản án giải quyết vụ án hình sự đó. Tóm lại, quy trình tố tụng là Khởi tố - Điều tra - Truy tố - Xét xử - Thi hành án. Nếu một bị cáo có tội thì phải trải qua các giai đoạn này. Nếu bị cáo không có tội thì sẽ bị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can hoặc bản án (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) tuyên bị cáo không phạm tội.
Về nguyên tắc trong tố tụng Việt Nam thì tòa án xét xử hai cấp; là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Chỉ ở hai cấp này thì tòa án mới có quyền quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Giám đốc thẩm, tái thẩm… không phải là cấp xét xử nên không có quyền tuyên bị cáo là có tội hay không. Các giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật để giữ nguyên hoặc hủy bỏ bản án đó. Nếu bản án giám đốc thẩm hủy bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật thì bản án giám đốc thẩm đó sẽ quyết định trả hồ sơ về để điều tra lại hoặc xét xử lại. Sau đó cần phải có quyết định đình chỉ hoặc bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội thì vụ án mới kết thúc. Vụ án của ông Trần Văn Thêm cũng phải tuân theo thủ tục như vậy.
Trước đây khi bắt được hung thủ thực sự của vụ án đó, đáng lẽ ra tòa án tối cao phải tuyên hủy bản án của ông Thêm để giao hồ sơ cho cơ quan điều tra đình chỉ nhưng không hiểu lý do gì mà các cơ quan tố tụng không thực hiện thủ tục này. Họ cho rằng "tạm tha" ông Thêm vì vấn đề sức khỏe, sau đó không thực hiện lại các thủ tục tố tụng để kết thúc vụ án là việc làm tắc trách, vô trách nhiệm của người có thẩm quyền trong vụ án này. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan kéo dài của ông Thêm khi đã đủ điều kiện minh oan. Có lẽ ông Thêm cũng không có sự tư vấn chính xác, không kêu cứu hiệu quả sau khi được thả ra nên sự việc mới để kéo dài đáng báo động đến thế.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì một trong những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự là căn cứ không có sự việc phạm tội. Cũng theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi không có sự việc phạm tội, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra.
Về bồi thường trách nhiệm Nhà nước, vụ án này có khác gì vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Điều 47, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: Mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường).
Mức lương tối thiểu hiện nay là 1.210.000 đồng. Còn thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, khi bị bắt cụ Thêm đang là lao động tự do.
Theo Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì việc bồi thường thu nhập sẽ dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương.
Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Ngoài ra, sau khi được minh oan, ông Thêm có thể yêu cầu bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan, những khoản chi phí đi lại cũng như thuê luật sư trong quá trình kêu oan...
Cảm ơn luật sư!