Vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Ly kỳ phiên tòa muộn 16 năm
- Thứ năm - 25/08/2016 22:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyễn Thọ, ảnh chụp trước tháng 4/1998.
Hơn 17 năm lẩn trốn
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thọ sinh năm 1976 tại thôn 2, xã Tân Minh, nay là thôn 5, xã Tân Đức (Hàm Tân, Bình Thuận), trình độ học vấn lớp 5. Khoảng 22h30 ngày 23/4/1998, sau khi cùng hai người nữa nhậu hết 2 lít rượu, Nguyễn Thọ và bạn cùng thôn là Hồ Thanh Việt (sinh năm 1982) nảy sinh ý định cướp sợi dây chuyền vàng của chị Phạm Thị Hồng (con gái bà Lê Thị Bông, sống với bà Bông ở thôn 2, Tân Minh). Thông thường vào giờ đó, mẹ con bà Bông còn bán quán ăn ở chợ Tân Minh, nên Thọ và Việt đến nhà bà Bông phục sẵn. Sau đó, Thọ bàn không cướp dây chuyền chị Hồng nữa, mà vào nhà bà Bông trộm đồ. Khi vào nhà, Thọ và Việt bị bà Bông (đã về nhà từ trước) phát hiện.
Với sự trợ giúp của Việt, Thọ dùng sợi dây dù xiết cổ bà Bông đến chết. Thọ và Việt lấy chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24k trên ngón tay áp út của bàn tay trái bà Bông rồi bỏ chạy… Sáng hôm sau, họ tới nhà anh Nguyễn Phúc Thành ở gần nhà Việt, khoe chỉ vàng lấy được. Họ đang nói chuyện thì ông Trần Văn Sáng, Phó trưởng Công an xã Tân Minh chạy xe vào sân nhà Thành, nói với ý nghi ngờ Thọ là thủ phạm giết bà Bông, khiến Thọ lo sợ.
Khi ông Sáng đi khỏi, Thọ và Việt kể với Thành việc giết và cướp của bà Bông, Thọ nhờ Thành gọi anh Huỳnh Long Nghĩa ở thôn 3, xã Tân Minh, làm nghề chạy xe ôm. Anh Nghĩa chở anh Thành và Thọ vào huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để Thọ bán chiếc nhẫn vàng và mua bẫy thú rừng làm phương tiện kiếm sống khi đi trốn. Sau đó, Thọ trốn tới huyện Lộc Ninh (Bình Phước), rồi vượt biên giới qua Campuchia.
Sinh sống tại Campuchia được hơn một năm, Thọ bị sốt rét nên quay về thành phố Cần Thơ, lấy tên là Phạm Văn Khanh, sinh năm 1968. Thọ xin làm thuê cho cơ sở sản xuất kem Tân Phát tại số 01, đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Cần Thơ được khoảng 1 tháng thì bỏ ra Vũng Tàu, làm thuê cho tiệm kem Sài Gòn tại số 127 đường Lê Lai. Làm tại đây được khoảng 7 tháng, Thọ và chị Trà Thị S. (sinh năm 1972) về ấp Tân Lập, xã Long Phú (Long Phú, Sóc Trăng) sống với nhau như vợ chồng. Năm 2002, họ có con trai chung là Phạm Minh Th.
Năm 2010, Thọ bỏ chị S., sang huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) sống với chị Sơn Thị H. như vợ chồng. Sáng 8/7/2012, sau khi đã uống hết 2 xị rượu gạo, Thọ dùng kéo đâm vào hông anh Nguyễn Văn Hùng (bạn trai cũ của chị H.), gây thương tích 21% nên bị TAND huyện Cù Lao Dung tuyên phạt (với tên giả Phạm Văn Khanh) 2 năm tù, thụ án tại Trại giam Cái Tàu, tỉnh Cà Mau.
Ra tù ngày 9/4/2014, Thọ đến nuôi tôm thuê cho ông Nguyễn Văn Đông ở xã Bình Trị (Kiên Lương, Kiên Giang). Khi làm cho ông Đông, Thọ làm quen qua điện thoại với chị Nguyễn Thị Ph. (sinh năm 1970, trú tại xã Phú Thuận A, Hồng Ngự, Đồng Tháp). Đầu năm 2015, Thọ đến huyện Hồng Ngự sống với chị Ph. như vợ chồng. Ngày 10/10/2015, sau khi bị lực lượng tuần tra của Công an huyện Hồng Ngự mời về trụ sở làm việc vì không xuất trình được giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân, Thọ khai nhận tên tuổi thật cùng hành vi phạm tội với bà Bông.
Hơn 17 năm bị giam oan
Hơn 17 năm Nguyễn Thọ lẩn trốn cũng là hơn 17 năm ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam oan. Ngày 17/5/1998, ông Nén bị bắt vì bị coi là thủ phạm giết bà Bông. Ngày 26/8/2000, khi đang thụ án tù tại Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) về tội “Gây rối trật tự công cộng”, anh Nguyễn Phúc Thành được mẹ vào thăm và báo tin ông Nén sắp phải ra tòa, có thể phải chịu án tử hình.
Nghe vậy, anh Thành vội viết đơn tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt mới là thủ phạm giết bà Bông, Giám thị Trại giam Sông Cái gửi ngay đơn tố giác của anh Thành lên cấp trên. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn mở phiên tòa xét xử ông Nén vào ngày 31/8/2000, tuyên phạt ông Nén án tù chung thân về tội “Giết người”. Đến ngày 28/11/2015, ông Nén mới được trả tự do và ngày 2/12/2015 được các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai do việc bắt giam và kết án oan đối với ông.
Anh Nguyễn Phúc Thành lo bị những người làm oan cho ông Huỳnh Văn Nén trả thù.
Theo báo cáo xác minh của Công an xã Tân Minh và báo cáo ngày 29/9/2000 của ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, sau khi bà Lê Thị Bông bị giết, Nguyễn Thọ mới đi khỏi Tân Minh. Báo cáo của ông Nguyễn Thận còn cung cấp thông tin, năm 2000 Nguyễn Thọ đang ở Cần Thơ, làm nghề sản xuất kem ký với cậu ruột (cáo trạng vụ Nguyễn Thọ đã cho thấy thông tin này là đúng).
Cuối năm 2000, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX, X chuyển đơn của anh Thành tố giác Nguyễn Thọ và các văn bản nêu trên đến VKSND Tối cao. Ngày 8/6/2001, VKSND Tối cao trả lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo nội dung xác minh của Cơ quan điều tra, Nguyễn Thọ đi khỏi địa phương trước khi bà Lê Thị Bông bị giết, bản án sơ thẩm kết tội Huỳnh Văn Nén là có căn cứ, đúng pháp luật.
Những người thực hiện việc xác minh không đúng sự thật này là ông Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên và ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận, chính là những người có vai trò quan trọng trong việc bắt giam, kết án oan ông Nén trước đó.
* Hồ Thanh Việt đã chết ngày 26/7/2011, nên cơ quan tố tụng chưa có đủ cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm của Việt trong vụ án như Thọ khai. * Theo quyết định ngày 9/8 của TAND tỉnh Bình Thuận về việc đưa vụ án ra xét xử, chị Phạm Thị Hồng là người đại diện hợp pháp của bị hại, ông Trần Văn Sáng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Nguyễn Phúc Thành và bà Trần Thị Minh Hoàng ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh là nhân chứng. Nhưng đến 16h ngày 25/8, chị Hồng mới nhận được giấy triệu tập đề ngày 9/8 của TAND tỉnh Bình Thuận, những người khác chưa nhận được giấy này. Anh Nguyễn Phúc Thành cho biết, nếu nhận được giấy triệu tập và được cơ quan chức năng bảo vệ, anh mới tới phiên tòa. “Tôi lo mấy người làm sai trong vụ án này trả thù, làm ẩu với tôi”, anh Thành nói. |
“Tôi rất áy náy về việc xảy ra với anh Nén”, ông Cao Văn Hùng nói với PV Tiền Phong. - Ông có định xin lỗi ông Nén và gia đình ông ấy? - Xảy ra án oan cho anh Nén là do nhiều người, không phải riêng tôi. Tôi chỉ là điều tra viên, còn cả ban chuyên án, Viện Kiểm sát, Tòa án. Việc xin lỗi anh Nén, cơ quan nhà nước đã đứng ra làm. - Nhưng ông có thấy rằng, cá nhân ông cần xin lỗi ông Nén và gia đình ông ấy? - Tôi đã qua một số kênh, để họ thấy rằng, tôi biết lỗi. - Sao ông không trực tiếp xin lỗi? - Tôi đến nhà anh Nén, nhỡ có ai bức xúc, có hành động gì đó với tôi thì sao? |