Nỗi đau từ phía ấm êm
- Thứ hai - 19/02/2018 15:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/Cây đổ về nơi không có vết rìu", mỗi lần tham dự những phiên Tòa mà bị cáo với bị hại có chung huyết thống tôi đều nhớ đến hai câu thơ này của nhà thơ Hữu Thỉnh. Gia đình vốn dĩ là nơi ấm êm, gia đình vốn dĩ là nơi để tìm về sau những rách bươm, tơi tả. Về như là ủi an, về như là tìm lại sự bảo bọc. Nhưng mỗi gia đình cũng như mỗi cá nhân đều có những số phận, may rủi kề nhau, vui buồn kề nhau, được mất cũng là chớp mắt.
Cha mẹ chia tay nhau từ khi Hiệp còn nhỏ, mỗi người đều có hạnh phúc riêng nên không có nhiều thời gian chăm lo cho con. Không những thế, Hiệp còn thường xuyên bị chồng mới của mẹ bạo hành, xúc phạm. Những uất ức cứ tích tụ trong người Hiệp, để rồi một ngày, anh ta đã gây ra thảm án.
1. Nguyễn Văn Hiệp (33 tuổi) trong một gia đình nghèo ở xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Cuộc đời của Hiệp sớm chịu nhiều bất hạnh khi cha mẹ chia tay nhau từ lúc anh ta còn nhỏ. Người cha bỏ về quê Hải Phòng lấy vợ mới, còn mẹ Hiệp là bà Bùi Thị Yên (55 tuổi) ít lâu sau cũng đi bước nữa với ông Nguyễn Văn Hà (51 tuổi).
Người cha dượng vốn dĩ chẳng ưa gì đứa con riêng của vợ, ông ta thường xuyên bạo hành, chửi bới Hiệp vô cớ. Năm 1991, bà Yên sinh thêm đứa con trai với ông Hà, đặt tên là Nguyễn Văn Được. Từ đó, người cha dượng càng cay nghiệt với Hiệp hơn trước. Bà Hà thương con, nhưng vì sợ chồng nên cũng ít khi lên tiếng. Cha, mẹ ai cũng có hạnh phúc riêng, nên không có nhiều thời gian chăm lo cho Hiệp.
Sống trong cảnh suốt ngày bị đánh đập, hắt hủi, nhục mạ nên học hết lớp 11, Hiệp quyết định bỏ nhà ra đi. Năm đó 17 tuổi, Hiệp bước chân ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ và ít tiền lẻ mà anh ta dành dụm được. Để tồn tại, Hiệp phải lang bạt khắp nơi, làm lụng nhiều nghề, ai thuê gì làm nấy. Thi thoảng, Hiệp có quay về nhà thăm mẹ, nhưng vì mối quan hệ không tốt với cha dượng, anh ta xảy ra cãi vã, xô xát với ông Hà và anh Được, rồi lại bỏ đi sau vài ngày.
Tuổi thơ gắn liền với những chuỗi ngày u tối nên sau này khi lớn lên, nhân cách của Hiệp bị ảnh hưởng rất nặng nề. Sau này, khi bị công an bắt giữ, Hiệp khai rằng đã nung nấu ý định trả thù ông Hà bằng cách chém nạn nhân từ rất lâu.
Nguyễn Văn Hiệp bị dẫn giải sau phiên Tòa Cấp cao.
2. Chị Võ Thị Hồng Thủy (30 tuổi, quê Tây Ninh) vốn cũng tình duyên dang dở. Người phụ nữ này từng trải qua một đời chồng và sinh được đứa con trai, năm nay lên 8 tuổi. Nhưng do cuộc sống xảy ra nhiều mâu thuẫn nên vợ chồng họ đã đường ai nấy đi. Sau khi chia tay, chị Thủy để con cho chồng nuôi, còn mình lang thang nhiều nơi, hành nghề bán dâm để kiếm sống.
Đầu năm 2013, sau cuộc nhậu, Hiệp chạy lang thang đi tìm "thú vui" và tình cờ gặp Thủy. Sau cuộc "bóc bánh trả tiền" tại nhà nghỉ ở huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), đôi nam nữ nằm tỉ tê tâm sự về hoàn cảnh của cuộc đời mình. Vốn dĩ, cả 2 đều là những người chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, nên họ nhanh chóng ập vào nhau.
"Trai tứ chiếng gặp gái giang hồ", sau cái đêm định mệnh đó, Hiệp và Thủy dọn về chung sống với nhau như vợ chồng. Hiệp khuyên Thủy bỏ nghề bán dâm và 2 người bỏ hết số tiền dành dụm được bấy lâu, thuê mặt bằng tại mặt tiền quốc lộ 13, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng, Bình Dương) để mở quán cà phê.
Tuy nhiên, việc kinh doanh ế ẩm, khách ít không đủ bù lỗ, khiến Thủy quay lại bán dâm để kiếm tiền. Biết chuyện, Hiệp lên cơn ghen và ngăn cản vợ hờ không làm nghề cũ nữa. Thủy ậm ờ đồng ý, nhưng sau lưng vẫn lén giấu Hiệp đi bán dâm, bởi lẽ không làm thì lấy gì đổ vào miệng.
Sau nhiều lần khuyên can nhưng chị Thủy vẫn chứng nào tật nấy, Hiệp và vợ hờ bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau. Chiều 15-8-2013, sau khi cãi nhau với vợ hờ, Hiệp bực tức rủ bạn đến xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) uống rượu. Trên đường đi, anh ta vi phạm luật giao thông và bị Công an xã Minh Hưng giam xe máy.
Trong hơi men chếnh choáng, Hiệp nghĩ lại việc mâu thuẫn với chị Thủy nên rất tức tối và nảy sinh ý định giết người tình. Sau chầu nhậu bí tỉ với bạn bè, anh ta vào chợ mua 2 con dao nhọn để gây án.
Rạng sáng hôm sau, Hiệp thuê taxi chở mình về quán cà phê. Anh ta trèo tường, đột nhập vào trong và nhìn thấy chị Thủy đang ngủ say. Gã đàn ông liền cầm 2 dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người tình khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Gây án xong, sợ bị người khác phát hiện, hung thủ kéo thi thể từ giường xuống nền nhà, dựng nệm che kín khe cửa trong nhà rồi lấy xe máy của nạn nhân bỏ đi.
Trong cơn "say máu", Hiệp nhớ lại những ngày tháng đầy tủi nhục trước đây, khi bị cha dượng và đứa em trai cùng mẹ khác cha hắt hủi, bạo hành. Với tâm thế của kẻ không còn gì để mất, Hiệp đút 2 con dao vào túi, chạy xe máy hướng về nhà mình ở huyện Hớn Quản, Bình Phước để "tính sổ" luôn một thể.
3h sáng hôm đó, Hiệp về đến nhà và nhanh chóng dùng dao tấn công khiến cha con ông Hà gục tại chỗ. Chưa dừng lại, hung thủ xuống bếp lấy búa bổ củi đánh nhiều nhát vào đầu ông Hà.
Nhớ lại trước đó, hàng xóm là anh Hoàng Đình Nam (41 tuổi) lừa bán đất của mẹ mình để trục lợi, Hiệp tiếp tục xách búa đi tìm người này "tính sổ". Gã sát thủ trèo qua tường nhà anh Nam và dùng búa tấn công đến khi nạn nhân gục tại chỗ.
Sau khi thực hiện một loạt hành vi tội ác, hung thủ nghĩ đến việc bị Công an xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành) bắt xe nên tiếp tục xách búa đến trụ sở của đơn vị này để "trả thù". Tuy nhiên, tại đây, Hiệp nhanh chóng bị lực lượng chức năng tước vũ khí và bắt giữ. Tại trụ sở công an, hung thủ đã khai hết những gì đã gây ra vào ngày hôm đó. Trong số các nạn nhân, chị Thủy đã tử vong, còn 3 người khác may mắn thoát chết nhưng bị thương tật nặng nề.
3. Do Hiệp gây án ở 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước nên quá trình điều tra khá phức tạp và kéo dài. Sau đó, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã bàn giao Hiệp cho Công an tỉnh Bình Dương điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Sau quá trình điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Dương ra quyết định truy tố Hiệp về 3 tội Giết người, Cố ý gây thương tích và Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Trong quá trình bị giam giữ tại Trại giam Công an tỉnh Bình Dương, Hiệp mâu thuẫn với bạn tù là Phạm Văn Thi và đã hành hung khiến người này bị thương tích 30%. Đồng thời, trong quá trình bị tạm giam, mặc dù thành khẩn khai báo, nhưng Hiệp vẫn có biểu lộ nhiều dấu hiệu không bình thường.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho Hiệp, VKSND tỉnh Bình Dương tiến hành giám định tâm thần với anh ta. Kết quả thể hiện, trước, trong và sau khi phạm tội, Hiệp có biểu hiện rối loạn nhân cách thực tổn, nguyên nhân xuất phát từ việc anh ta bị ức chế tâm lý trong suốt thời gian dài.
Tuy vậy, tại phiên xử sơ thẩm, VKSND tỉnh Bình Dương vẫn đề nghị tuyên Hiệp án tử hình về cả 3 tội danh. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt anh ta tù chung thân. Sau phiên tòa, VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng mức án chưa thỏa đáng nên có kháng nghị xử phúc thẩm theo hướng tuyên tử hình với Hiệp, bị hại là anh Nam cũng có đơn xin tăng mức bồi thường.
Đầu tháng 6, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trước vành móng ngựa, Hiệp khai rằng, lúc đầu chỉ nảy sinh ý định giết chị Thủy xuất phát từ lý do "không nghe lời" chứ không có ý định làm hại người khác. Tuy nhiên, sau khi gây án xong, không hiểu sao anh ta lại xách hung khí đi trả thù những người có ân oán với mình.
Dù gây ra hàng loạt tội ác, nhưng chút tình người trong Hiệp vẫn trỗi dậy khi nhắc đến mẹ. Tại tòa, Hiệp vừa khai vừa khóc, thi thoảng lại ngoái nhìn về phía bà Yên và hỏi "Con khai thế đúng không mẹ, con không giết người đúng không mẹ".
Được nói lời sau cùng, hung thủ rưng rưng: "Bị cáo đã gây ra tội và sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt. Tuy nhiên, bị cáo còn mẹ già, mong Hội đồng Xét xử (HĐXX) khoan hồng, cho bị cáo một cơ hội được trở về nhà chăm sóc cho mẹ".
Đáp lại lời con, bà Yên chỉ lí nhí động viên Hiệp cố gắng. Người phụ nữ khốn khổ cho biết, sau khi đứa con trai gây ra nhiều tội ác, dù nhà nghèo nhưng bà vẫn cố gắng vay mượn để khắc phục một phần hậu quả mà Hiệp đã gây ra. "Đời tôi đã khổ lắm rồi, giờ khổ thêm chút cũng chẳng sao. Tôi chỉ mong Hiệp tu tỉnh, cố gắng cải tạo để còn có cơ hội quay về làm lại cuộc đời", bà Yên nói.
Sau khi nghị án, TAND Cấp cao cho biết, hành vi phạm tội của bị cáo là vô cùng nguy hiểm khi xâm phạm cùng lúc nhiều khách thể. Đặc biệt là tội Giết người, trong đó cố ý giết nhiều người, đây là hành vi rất côn đồ. Tội ác của bị cáo gây ra mất hết nhân tính, xem thường pháp luật , gây nỗi đau thương mất mát cho các nạn nhân và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Hành vi này, đáng lẽ phải tuyên mức hình phạt cao nhất để trừng phạt thích đáng và răn đe chung trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, xét cho bị cáo có dấu hiệu tâm thần trước, trong và sau khi gây án. Gia đình cũng đã tự nguyện bồi thường một phần hậu quả. Do đó, TAND Cấp cao đã tuyên bác toàn bộ kháng cáo, kháng nghị, tuyên y án sơ thẩm.
Khi mà công nghệ đã ở thời 4.0 thì ở nhiều vùng rừng núi hẻo lánh, sóng điện thoại vẫn chưa thể với tới. Bởi thế...