Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lật lại vụ công an đánh chết học sinh

Lật lại vụ công an đánh chết học sinh
VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ công an viên đánh chết học sinh, trong đó nhận định Lê Minh Phát có dấu hiệu giết người chứ không phải cố ý gây thương tích.

Ngày 3-3, một nguồn tin xác nhận VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án sơ thẩm ngày 23-3-2016 của TAND huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đó là bản án sơ thẩm xử vụ công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết em học sinh Tu Ngọc Thạch từng gây bức xúc dư luận năm 2013.

Đề nghị kháng nghị phần tội danh đã có hiệu lực

Theo VKSND tỉnh Khánh Hòa, hành vi của Lê Minh Phát (27 tuổi) và Lê Ngọc Tâm (34 tuổi, đều là cựu công an viên xã Vạn Long) có dấu hiệu cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật định khung ở điểm b (lợi dụng chức vụ, quyền hạn) khoản 2 Điều 123 BLHS. Nhưng cấp sơ thẩm chỉ mới truy tố, xét xử các bị cáo tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS. Theo VKS, điều này thể hiện việc điều tra, xử lý ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của BLHS, còn bỏ lọt hành vi phạm tội.

Công văn trên của VKSND tỉnh Khánh Hòa dẫn lại nội dung vụ án xác định: Chiều 29-12-2013, xuất phát từ mâu thuẫn trước đó, Lê Tấn Khỏe (sinh ngày 10-4-1999, ngụ xã Vạn Long) dùng vỏ chai thủy tinh ném trúng đầu em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Sau đó, hai nhóm thiếu niên trên đã giải hòa với nhau.

Mặc dù không có thẩm quyền, không được phân công nhưng hai công an viên xã Vạn Long là Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm đã vô cớ đuổi bắt em Thạch, còng tay đưa về trụ sở công an xã. Trong quá trình bắt giữ, trên đường đi và tại trụ sở công an xã, Phát nhiều lần đánh em Thạch, làm chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) diễn ra từ ngày 21 đến 23-3-2016, TAND huyện Vạn Ninh phạt Phát bảy năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích, một năm tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt chung là tám năm sáu tháng tù. Tâm bị phạt một năm tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật. Khỏe bị phạt ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Xử phúc thẩm từ ngày 21 đến 26-7-2016, TAND tỉnh quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Vạn Ninh đối với các bị cáo Phát, Khỏe về tội cố ý gây thương tích, chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Vạn Ninh để giải quyết theo thủ tục chung.

Đối với tội bắt người trái pháp luật đã được tòa cấp sơ thẩm tuyên án, HĐXX phúc thẩm không xem xét do không có kháng cáo, kháng nghị. Do đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm phần tội danh mà bản án sơ thẩm nói trên đã có hiệu lực.

Lê Tấn Khỏe (trái) và cựu công an viên Lê Minh Phát tại phiên tòa phúc thẩm lần 1. Ảnh: TẤN LỘC

Chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo thiếu niên

Cũng tại văn bản trên, VKSND tỉnh nêu lại quan điểm của viện về giải quyết vụ án. Theo đó, VKS khẳng định chưa thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm và chưa đủ căn cứ xử Lê Tấn Khỏe tội cố ý gây thương tích.

VKS cho rằng ngoài việc ném vỏ chai trúng sau đầu em Thạch, Khỏe không còn hành vi nào khác tác động vào thân thể nạn nhân. Trong khi đó, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chưa xác định rõ nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của em Thạch là gì. Việc HĐXX sơ thẩm xác định tổn thương do Khỏe gây ra là không có căn cứ.

Theo VKS, cố ý gây thương tích là tội có cấu thành vật chất. Tội phạm chỉ cấu thành khi có hậu quả xảy ra. Nói cách khác, hành vi trái pháp luật phải gây ra hậu quả và phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Trong vụ án này, cấp sơ thẩm truy tố, xét xử Khỏe tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS, yếu tố định khung là hậu quả chết người. Thế nhưng cấp sơ thẩm chưa chứng minh một cách có căn cứ pháp lý, khoa học hậu quả thương tích do Khỏe gây ra là gì, có mối quan hệ như thế nào đến nguyên nhân tử vong của em Thạch.

Lê Tấn Khỏe bị Công an huyện Vạn Ninh bắt tạm giam từ ngày 1-1-2014 và được thay đổi biện pháp ngăn chặn (cho tại ngoại) ngày 8-9-2016.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Khỏe luôn kêu oan, cho rằng mình không ra gây thương tích đối với em Thạch. Tuy nhiên, tại hai phiên tòa sơ thẩm lần 1 hồi tháng 11-2014 và lần 2 vào tháng 3-2016, Khỏe đều bị TAND huyện Vạn Ninh phạt ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới.

Lê Minh Phát có dấu hiệu giết người

Về Lê Minh Phát, VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng hành vi của bị cáo này có dấu hiệu của tội giết người. Với hành vi mang tính côn đồ, Phát đã đánh mạnh nhiều cái vào những vị trí xung yếu mà bị cáo nhận thức được có thể nguy hiểm đến tính mạng trong lúc em Thạch đã bị khống chế. Hành vi của Phát bất chấp hậu quả xảy ra thế nào và hậu quả là nạn nhân chết. Do đó, cần phải điều tra làm rõ để đảm bảo việc xử lý vụ án khách quan, phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội của Phát.

Nhận định này của VKSND tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn trùng khớp với phân tích của các chuyên gia trên báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải trước đây, trong đó có ý kiến của nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế. Tiếc rằng lúc ấy các cơ quan tố tụng đã không xem xét thấu đáo vụ án, dẫn đến truy tố, xét xử chưa chính xác, gây dư luận bất bình cho không chỉ người dân Khánh Hòa. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây