Hoảng với “sàn giao dịch” pháo lậu ngay trên Facebook
- Chủ nhật - 04/02/2018 14:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cảnh kiểm tra pháo ở cánh đồng hoang vắng trước khi giao dịch. Ảnh: PV
Buôn lậu pháo cũng “chạy chức”
Sau khi vượt qua nhiều thử thách ngặt nghèo của ban quản trị, cuối cùng chúng tôi cũng thâm nhập được vào “sàn giao dịch” pháo lậu trên mạng xã hội. Tuy vậy, qua nhiều tuần theo dõi chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được các “ông trùm” bởi tất cả đều dùng tên ảo, địa chỉ ảo. Những giao dịch pháo lậu thường diễn ra chớp nhoáng ở bãi tha ma, khu nhà hoang, đường ray tàu hỏa lúc rạng sáng… Đặc biệt, những “con buôn” vô cùng cảnh giác và giấu mình để người mua không biết họ là ai và kho hàng pháo cất giấu ở đâu.
Qua những cuộc trò chuyện bằng những thuật ngữ chuyên môn, H.K – Người tự nhận là “trùm” buôn pháo lậu ở Sóc Sơn, Hà Nội đồng ý gặp chúng tôi để thực hiện giao dịch với số lượng lớn. Nơi H.K hẹn chúng tôi là là một khu đất vắng gần chợ Trung Dã, huyện Sóc Sơn. Đúng hẹn, H.K – Một thiếu niên với vẻ ngoài loắt choắt xuất hiện.
“Càng gần Tết Nguyên Đán, công an càng làm chặt nên bọn em phải cảnh giác. Hôm trước, một thằng bạn em bị tóm rồi”, gã trai 17 tuổi này nói và cho biết mình chỉ giấu một số lượng pháo nhỏ trong nhà và khi cần sẽ chạy xe lên “kho tổng” ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) cách đó 20km lấy hàng (?).
H.K tiếp tục giảng giải cho chúng tôi về kinh nghiệm buôn lậu pháo trên sàn. Đầu tiên để buôn bán pháo trên mạng ảo phải tìm cách tạo được sự tín nhiệm của “anh em” trong giới và các mối hàng. Thậm chí còn phải “chạy chức chạy quyền” để leo lên “danh phận” cao hơn trong giới, từ đó tạo được sự tin tưởng với các mối hàng. Cậu kể: “Em mới mất 10 mét tép pháo đút lót cho quản lý sàn để được vào ban quản trị của nhóm đấy”. Sau đó, H.K cho chúng tôi xem những hình ảnh, video với những kiện hàng pháo đủ loại chất đống đầy kho: Pháo ông sư, pháo thăng thiên, pháo bi, pháo hoa…
Một “cộng sự” đi cùng H.K tiết lộ: Nguồn hàng pháo lấy chủ yếu từ Trung Quốc và từ Lào sang. “Pháo Tàu thì rẻ và nhiều, dễ lấy. Bọn em nhập về chỉ 8.000 đồng/quả pháo trứng, về đến Thái Nguyên đã đội giá lên 25.000 đồng/quả. Bán ra cho anh 35.000 đồng/quả. Còn pháo bên Lào, Campuchia sang chỉ 25.000 đồng/quả thôi. Nhưng pháo bên Lào đốt sướng hơn, to và chắc nịch thuốc pháo vì họ làm để họ đốt chứ không phải làm để bán lậu như pháo Trung Quốc”, nam thanh niên nói.
“Ma trận”
Pháo lậu được rao công khai trên mạng xã hội.
Trong quá trình tìm hiểu về đường đi của pháo lậu, chúng tôi được biết: Hầu hết pháo lậu đã được vận chuyển từ Trung Quốc về trong nước từ trong năm. Bởi những ngày cuối năm lực lượng chức năng sẽ tiến hành các chiến dịch chống buôn bán pháo lậu vô cùng gắt gao. Để gây khó khăn cho lực lượng chức năng, các kho sẽ đổi địa điểm mỗi tháng một lần, thường ở những nơi bỏ hoang hay các công trình, tòa nhà không người sinh sống. Pháo lậu được chủ kho bán cho các mối với phương thức vô cùng chặt chẽ và kín đáo.
Cụ thể, chủ hàng hẹn các đầu mối đến các địa điểm nhận hàng do họ chọn trước thường là thuộc địa bàn, quê quán của mình. Những nơi vắng người như bãi tha ma, nhà cũ bỏ hoang hay trong nhà nghỉ... thường là những nơi được chọn.
Qua sự giới thiệu của H.K, chúng tôi tiếp tục gặp N.T. Đang học lớp 10 nhưng N.T đã có “kinh nghiệm” vài năm buôn pháo. T tự đặt ra 3 nguyên tắc: Thứ nhất không được biết danh tính thật, thứ 2 không được hỏi địa chỉ, quê quán, thứ 3 không được hỏi số điện thoại chính và Facebook thật. “Chỉ cần vi phạm 1 trong 3 điều trên dù khách có lấy cả trăm triệu tiền pháo em cũng không tiếp”, T. nói với chúng tôi.
Trước những thông tin trên, lần theo số điện thoại của T, chúng tôi tìm ra Facebook và Zalo của cậu bé này. Tất cả thông tin trên mạng xã hội đều trùng khít với những gì mà H.K miêu tả về T trước đó: Sinh năm 2002, đang học lớp 10 ở một trường PTTH trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
au khi tìm địa chỉ, phóng viên về xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang), quê quán của T. “Thằng T bán pháo nổi tiếng ở đất này rồi”, một cậu bé 16 tuổi, tự nhận là đã học cùng T lên tiếng. Người bạn này còn kể cho chúng tôi về “giai thoại” T đạp xe đạp đi bán 37 kg pháo thì bị “tóm” hồi năm ngoái.
Chúng tôi tìm đến trường cấp 3 nơi T đang học, Hiệu trưởng của trường xác nhận T là học sinh đang học tại trường. Trường vừa mới tuyên truyền và yêu cầu học sinh cam kết không đốt pháo, có không ít học sinh đã bị xử lý. Nhưng ông rất bất ngờ khi chúng tôi trao đổi các thông tin tìm hiểu được về T.
Liên hệ với bố T qua số điện thoại được nhà trường cung cấp. Ông này thừa nhận cậu con trai của mình khá nghịch ngợm, nhiều lần đốt pháo, giấu pháo trong nhà và đã bị gia đình xử lý rất nghiêm khắc. Tuy vậy, khi chúng tôi nhắc đến việc T bị bắt quả tang khi đang bán pháo, người đàn ông này chỉ im lặng, tâm trạng không giấu nổi nỗi buồn...
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng công an xã Đức Thắng khẳng định: “Chúng tôi đang theo dõi một số đối tượng trẻ tuổi buôn bán pháo. Địa bàn xã cũng có vài điểm nghi tàng trữ và buôn bán pháo lậu... Gần đây, địa phương còn thu được súng tự chế và mã tấu. Dân buôn lậu pháo thích phân phối hàng cho trẻ con hơn, vì vậy nhiều đứa trẻ dễ bị lôi kéo vào đường dây này”.
Mong Báo phối hợp để xử lý Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Tống Ngọc Long - Trưởng công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: “Từ đầu tháng 12, CA huyện đã phát động chiến dịch phòng chống tàng trữ, buôn lậu pháo, chất nổ trên địa bàn toàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tiến hành phát hiện và xử lý một số đối tượng tàng trữ pháo lậu". Liên quan đến trường hợp của N.T nêu trên, vị Trưởng công an huyện cho hay: “Những hành vi phạm pháp của thanh thiếu niên rất nguy hiểm, đặc biệt khi tuổi đời còn quá trẻ. Chúng tôi đề nghị Báo Gia đình & Xã hội phối hợp, cung cấp thông tin cùng cán bộ công an huyện để theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời”. |
Tạo “ma trận” khi trao hàng Trong một lần nhập vai đi “đánh hàng”, các đối tượng đã hẹn chúng tôi đến 1 khu nhà bỏ hoang gần bãi tha ma, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy vậy, khi chúng tôi đến chỉ có một người tự nhận là xe ôm nhận tiền và dẫn đi lấy hàng. Người này dẫn nhóm PV đi vòng vèo qua nhiều đường mòn, cánh đồng, lắt léo như “ma trận”, nhận hàng rồi chở về địa điểm cũ. Lái xe này khẳng định: “Có trí nhớ siêu phàm hay camera ghi lại hành trình cũng khó mà có thể trở lại vị trí kho hàng lần 2. Chưa kể, có trở lại lần sau kho cũng đã chuyển sang địa điểm khác”. Với cách làm như vậy, các đầu mối không thể biết được mặt các chủ hàng. Sau vài lần giao dịch trực tiếp, đầu mối sẽ được cấp quyền lấy hàng qua xe khách và trả tiền qua tài khoản ngân hàng (ATM). Chỉ cần báo số lượng và loại pháo, đơn hàng và chuyển tiền, chủ hàng sẽ chuyển pháo lên xe khách đến địa chỉ đầu mối ở các tỉnh. |
Mua pháo trên mạng, đôi nam nữ vận chuyển về Cần Thơ bán lại thì bị công an bắt.