Chuyện những đứa con của tử tù
- Thứ năm - 15/03/2018 09:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế nhưng, đẩy chính những đứa con của mình vào chốn bơ vơ, không nơi nương tựa có lẽ là bản án day dứt và nặng nề nhất mà những tử tù phải ngày đêm đối diện.
1. Tôi đến Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An ngày đầu năm mới. Tết cổ truyền đã ở lại sau lưng, song với mỗi phạm nhân đang bị kết án, giam giữ và cải tạo tại đây, hiệu ứng của một mùa xuân mà Ban giám thị mang đến là rất tích cực.
Thiếu tá Nguyễn Công Dung, Phó giám thị Trại tạm giam cho biết: Trong dịp tết, mặc dù công việc tăng lên gấp bội song đơn vị vẫn chuẩn bị chu đáo cho phạm nhân đón tết trong vui tươi, lành mạnh với bữa tất niên có chế độ ăn gấp 5 lần ngày thường. Cùng với đó, các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ như cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền, hái hoa dân chủ, vừa tạo không khí sôi nổi đầu xuân, vừa có tác động rất lớn đến tâm lý, góp phần ổn định tư tưởng cho các phạm nhân, nhất là số đối tượng đang bị kết án tử hình.
Trong số những phạm nhân bị kết án tử hình đang giam giữ tại đây, tử tù đã nằm xiềng hơn một thập niên là Trần Đình Phi (SN 1976, trú bản Na Tọc, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong). Phi là ông trùm cầm đầu đường dây ma túy từ Lào về, 8 lần tổ chức mua bán 59 bánh heroin. Bị kết án tử từ năm 2006, đến nay tử tù này nằm ở chốn biệt giam gần 12 năm.
Cán bộ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An về thăm, tặng quà động viên mẹ và 2 con gái của tử tù Phan Văn Tuấn dịp Tết Mậu Tuất.
Có rất nhiều tử tù, từ ngày bị bắt cho đến nay đã hàng nghìn ngày trôi qua song không hề nhận được sự quan tâm, thăm nuôi hay động viên từ gia đình. Những ngày ít ỏi còn lại trên dương thế, bị gia đình ruồng rẫy cũng là điều đáng thương.
Vừa thương cảm, cũng là dịp để động viên, trấn an tinh thần, tư tưởng cho những tử tù này, những ngày cuối năm vừa qua, dù bận rộn với hàng tá công việc nhưng Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cử cán bộ về tận địa phương, nơi có thân nhân của những người bị kết án tử này đang sinh sống để tìm hiểu từng gia cảnh.
Và thật xót xa thay, phần lớn thân nhân của các tử tù đang phải sống cuộc sống khó khăn, vất vả nơi chốn quê nghèo. Có người vợ trẻ, không chịu đựng được sự xa lánh của mọi người, đã biền biệt bỏ làng đi, để lại sau lũy tre làng đứa con thơ khát sữa cho ông bà nội, ngoại nuôi dưỡng. Có trường hợp bi đát hơn khi thân nhân không thể chăm sóc, đành phải làm thủ tục gửi đứa trẻ vào làng trẻ em mồ côi.
“Ám ảnh nhất sau chuyến đi là ánh mắt của những đứa trẻ có bố, mẹ mang thân phận tử tù. Có cái gì đó như là cam chịu, nhưng ẩn sau đó là cả nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh. Thương cảm các em, cán bộ chiến sỹ trong toàn đơn vị đã phát động quyên góp ủng hộ, cùng với tấm lòng của một số bị can, bị án đang giam giữ tại đây, những món quà nhỏ đã kịp thời đến với những đứa con của tử tù. Giá trị về vật chất tuy không lớn, nhưng đó là nguồn động viên cho các cháu, cũng là liệu pháp ổn định tư tưởng cho các tử từ trong chốn biệt giam”, Đại úy Bùi Đình Thiêm, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Bữa cơm tất niên tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
2. Nhắc đến những đứa trẻ, con tử tù, ám ảnh nhất của người viết bài này có lẽ là thân phận côi cút của cháu Nguyễn Thanh Tr. (SN 2002), con của tử tù Nguyễn Khắc Long (SN 1975, quê huyện Nam Đàn, Nghệ An). Năm 2000, Long gặp và kết hôn với chị Lê Thị Ngân, trú huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Sau đó cả hai lập nghiệp, sinh sống tại xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn và cháu Thanh Tr. là kết quả của cuộc hôn nhân ấy. Sau 6 năm chung sống, tình cảm vợ chồng nhạt phai, chị Ngân kiên quyết ly hôn nên nộp đơn ra tòa án, mặc cho Long ra sức níu kéo.
Ngày 5-8-2010, biết vợ được em trai là Lê Văn Mạnh (SN 1983) chở ra tòa án để làm thủ tục li dị, Long thủ sẵn con dao nhọn có khắc chữ “Hận tình”, ngồi chờ bên bến đò Cây Chanh, thuộc xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn và khi đò vừa cập bến, Long lao xuống đâm vợ và em vợ khiến cả hai tử vong tại chỗ. Với tội ác này, Nguyễn Khắc Long bị kết án tử hình.
Cháu Thanh Tr. lúc bấy giờ mới vào lớp 2, bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ. Ông bà nội ngoại cũng không có khả năng nuôi dưỡng nên cháu Nguyễn Thanh Tr. được Làng trẻ em SOS thành phố Vinh làm thủ tục đưa về chăm sóc.
2 năm sau ngày xảy ra thảm án, cháu Tr. đã biên cho người cha tử tội của mình một bức thư, nội dung có đoạn viết: “Lâu nay, con nhớ cha rất nhiều. Cha có khỏe không và cha sống có tốt không ạ? Con xin lỗi cha, tại vì năm ngoái con không gửi được thư cho cha, cha đừng giận con nhé! Con không muốn sẽ mất thêm một người thân yêu như cha nữa đâu. Con mong cha luôn sống khỏe, cha không được buồn mà cha phải luôn mỉm cười trong cuộc sống. Năm ngoái con đã được giấy khen đấy cha ạ, và con xin hứa sẽ luôn cố gắng trong học hành”.
Từ bức thư này, cùng với lá thư xin lỗi Long gửi cho gia đình vợ và cho con gái, Ban giám thị Trại tạm giam đã tổ chức cho hai cha con được gặp nhau sau đó.
Mới đây, chia sẻ với chúng tôi từ Làng trẻ em SOS, cháu Tr. cho hay, cuộc sống của cháu đã cân bằng trở lại, dù vẫn còn rất nhiều chông chênh, hụt hẫng sau biến cố. Trong trí nhớ của Tr., cha mình là người rất thương con và yêu vợ. Những ngày vợ bỏ đi, chính Long đã ôm con gái đi khắp Tây Nguyên tìm kiếm, níu kéo nhưng bất thành và có lẽ, đó là điều khiến cho Tr. vẫn luôn yêu thương người cha tử tù.
Người vợ trẻ ôm con nhỏ đến phiên tòa kết án tử hình Vi Văn Hai.
Cũng tại huyện Anh Sơn, câu chuyện bi đát của gia đình tử tù Phan Văn Tuấn (SN 1982, trú tại xã Hoa Sơn) cũng khiến không ít người thương cảm. Năm 2008, Tuấn kết hôn với chị Đặng Thị Kiều, có 2 đứa con gái là Phan Thị T. (10 tuổi) và Phan Thị P. (7 tuổi) thì phát sinh mâu thuẫn, chị Kiều bị chồng đánh đập nên bỏ vào Tây Nguyên sinh sống, còn Tuấn cũng sang Lào làm ăn.
Đầu tháng 1-2015, Tuấn về nhà bố mẹ vợ hỏi thăm tin tức vợ nhưng bị từ chối cung cấp. Cho rằng gia đình bên vợ bao che, Tuấn nảy sinh tức tối nên về nhà giắt dao quay lại thì gặp chị vợ là Đặng Thị Vân (SN 1981), lúc này đang bồng con nhỏ mới 6 tháng tuổi đứng trước bậu cửa. Tuấn xông vào vung dao khiến chị Vân tử vong trên đường đi cấp cứu. Cháu bé cũng bị thương tích tổn hại 15% sức khỏe.
Với hành vi này, Tuấn đã bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên án tử hình về tội giết người vào tháng 1-2016.
Gần 2 năm vướng vòng lao lý, giống như nhiều tử tù khác, Phan Văn Tuấn không có người thân thăm nuôi, cán bộ quản giáo đã nhiều lần bắt gặp tử tù này khóc rưng rức trong chốn biệt giam. Hỏi ra mới biết, Tuấn ân hận vì những gì mình đã gây ra, và thương 2 đứa con không nơi nương tựa. Sau sự việc xảy ra, hai cháu T. và P. chỉ còn trông cậy vào bà nội.
Trước đây, khi ông nội còn sống, 3 bà cháu còn có chỗ dựa về tinh thần, cũng như vật chất. Nhưng sau khi ông mất đi để lại mình bà tảo tần nuôi 2 đứa trẻ mới lớn, đang tuổi ăn tuổi học, gia cảnh rất khó khăn.
Liên hệ với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết thêm: Cuộc sống của 3 bà cháu khá vất vả và khốn khó, đặc biệt là 2 đứa trẻ mang thân phận con của tử tù, quá trình học tập, giao tiếp xã hội cũng có những mặc cảm nhất định. Chính quyền địa phương đã phối hợp với nhà trường và các tổ chức hội, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các cháu nhưng cũng có giới hạn nhất định vì kinh phí hạn chế. Được cái, các cháu ngoan ngoãn và học giỏi, biết tự mình vượt qua số phận, nghịch cảnh của gia đình.
Tử tù Phan Văn Tuấn.
Không giống những con tử tù khác, cháu Vi Văn M. (SN 2014), con của tử tù Vi Văn Hai, kẻ gây ra vụ “thảm sát” 4 người trong gia đình ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào tháng 7-2015, có lẽ còn quá nhỏ dại để cảm nhận được nỗi đau do tội ác của cha mình gây ra. Người mẹ cũng không chịu đựng nổi cú sốc tâm lý nên đã bỏ bản làng ra đi, để lại cháu M. mới 4 tuổi cho ông bà nội nuôi dưỡng.
Ông Vi Văn Bình, bố đẻ tử tù Vi Văn Hai kể, Hai là trụ cột trong gia đình, từ nhỏ đến lớn không được học hành, không hiểu biết pháp luật , lớn lên như cây cỏ trên rừng, chỉ biết quần quật làm việc để nuôi cha mẹ và vợ con. Cho đến ngày gây ra thảm án, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ mà xuống tay tước đoạt tính mạng 4 con người vô tội.
Năm đó, Hai vừa tròn 20 tuổi, tội lỗi đã phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc nhất của luật pháp, nhưng tự sâu thẳm ruột gan của người cha già, vẫn luôn day dứt, ân hận vì không dạy bảo được con cái. Gần 3 năm qua, mỗi lần nhìn đứa cháu nội côi cút, thui thủi một mình, ông lại nghĩ đến đứa con trai duy nhất đang nằm xiềng chốn biệt giam, thương giận lại dâng trào.
3. Trong số các tử tù đang nằm chốn biệt giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, tử tù Nguyễn Hoài Thu là một ngoại lệ đặc biệt. Từ một cô giáo trẻ rời quê hương Hà Tĩnh lên miền núi Quế Phong (Nghệ An) lập nghiệp, dạy toán tại trường THCS xã Tiền Phong và lập gia đình tại đây, không giữ được mình trước cám dỗ của đồng tiền bất chính, Thu lao vào đường dây mua bán, vận chuyển 225 bánh heroin, trong đó Thu giữ vai trò vận chuyển 70 bánh nên bị kết án tử hình vào năm 2013. Lúc bấy giờ Thu đã li dị chồng nên đứa con trai mới 10 tuổi phải gửi về cho bà ngoại nuôi nấng.
Từ chốn biệt giam, tử tù Nguyễn Hoài Thu đã tiết kiệm, dành dụm từ tiền lưu ký của mình để làm việc thiện nguyện. Trong đợt thăm, tặng quà của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An dịp trước tết Nguyên đán cho 7 trường hợp là con tử tù, có sự đóng góp của phạm nhân Nguyễn Hoài Thu.
“Đặc cách” mà Ban giám thị Trại tạm giam dành cho đóng góp của tử tù này là hằng tháng, Thu được phép gọi điện về cho con trai. Việc làm này tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải những đứa trẻ mang thân phận tử tù nào cũng may mắn nhận được.
Do ghen tuông mù quáng, đối tượng Bùi Văn Vương đã tước đi mạng sống của chính vợ mình rồi tự sát. Điều đau đớn...