Vụ mẹ nhốt con 11 tuổi trong nhà không cho đi học: Người mẹ có xử lý theo pháp luật?
- Thứ năm - 22/12/2016 15:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người mẹ liệu có vi phạm pháp luật
Sau khi sự việc mẹ nhốt con gái 11 tuổi trong nhà nhiều năm được đưa ra công luận, có rất nhiều ý kiến bất bình về hành động của người mẹ, đặc biệt là việc không cho con đi học. Nhiều người cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn hộ nơi chị N. cùng con gái sống biệt lập với những người xung quanh.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một luật sư cho rằng, nói người mẹ vi phạm pháp luật và phải xử lý thì phải dựa trên nhiều cơ sở pháp lý chứ không riêng chuyện không cho con đi học.
Theo Điều 16, Nghị định 91/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu rõ, cha mẹ, người giám hộ nếu có điều kiện mà không bảo đảm điều kiện học tập cho trẻ em làm hạn chế quyền được học tập của trẻ em thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Còn theo khoản 3 Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Trong trường hợp, người mẹ không cho con đi học, không đảm bảo quyền phát triển bình thường của đứa con thì người cha có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo cháu bé được phát triển trong môi trường tốt nhất.
Tuy nhiên, trong trường hợp này cần phải xem xét đến một số yếu tố ví dụ như nếu đứa trẻ muốn đến trường nhưng người mẹ ngăn cấm thì sẽ là vi phạm pháp luật. Nhưng trong trường hợp trẻ tự nguyện không muốn đến trường, muốn ở nhà thì sẽ không có cơ sở để xử phạt.
Chị N. sẵn sàng chửi bới, gây sự với bất kỳ ai.
“Trong trường hợp này, hai vợ chồng đã ly hôn, người mẹ được quyền nuôi cháu bé, nếu người mẹ được xác định bị tâm thần thì rất khó để nói về vấn đề pháp lý. Còn người mẹ không mắc bệnh tâm thần, nhưng ngăn cản việc học tập của con thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoạt xử phạt vi phạm hành chính”, vị luật sư này cho hay.
Cùng quan điểm trên ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, PGĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, trong trường hợp này trách nhiệm phải kể đến đầu tiên đó là chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thế.
“Chính quyền địa phương, hội phụ nữ phải đến vận động gia đình cháu cho cháu bé đi học vì đây là quyền trẻ em được thụ hưởng, nếu vận động một lần, hai lần không được thì phải lên phương án tối ưu chứ không thể nói gia đình không hợp tác”, ông An chia sẻ.
Nếu người mẹ bị tâm thần sẽ rất nguy hiểm
Cũng liên quan đến trường hợp này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần Bệnh Viện 103 (Học viện Quân Y) cho biết, qua những dấu hiệu như nhốt con, không cho con đi học, luôn sợ người khác giết hại con mình và luôn mang theo vũ khí bên mình… PGS Đức cho biết, người mẹ rất có thể đang mắc bệnh tâm thần.
“Người mẹ luôn bị ám ảnh trong đầu có người muốn giết con mình. Tuy nhiên, để biết đang ở mức độ nào thì cần phải đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám”, PGS Đức cho hay.
Hai mẹ con khi ra ngoài luôn đi sát nhau, người mẹ luôn mang vũ khí vì sợ có người giết con.
Theo PGS Đức, người mẹ này có hành động mang theo vũ khí như dao, búa đinh ở trong người là vô cũng nguy hiểm, dễ dẫn đến hành động không kiểm soát được gây nguy hại cho bản thân mình và người xung quanh.
Cùng quan điểm trên, ông Trọng An cho rằng, trong trường hợp này nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, chính cháu bé kia sẽ bị ám ảnh vì ngay từ bé cháu đã bị gieo vào đầu những điều không hay và nó sẽ như một vòng luẩn quẩn, không can thiệp sớm cháu bé cũng sẽ bị bệnh.
Qua trường hợp này, ông An kêu gọi cần phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình chăm sóc người bị tâm thần ở cộng đồng, bởi nếu không có sự giám sát thì nguy cơ xảy ra những sự việc đáng tiếc xảy ra là rất lớn, thậm chí có thể xảy ra án mạng.
Về hướng điều trị, theo PGS Đức, trường hợp này chắc chắn phải điều trị nội trú, không thể điều trị ngoại trú vì qua hành động có thể thấy bệnh đã ở thể nặng.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, tại tòa nhà chung cư No1A, khu đô thị Linh Đàm, chị Trần Thị Hồng N. (SN 1973), đã nhiều năm nhốt cháu Võ Thu H. (SN 2005) ở trong nhà, không cho đi học, không cho tiếp xúc với những người xung quanh. Khi đi ra ngoài, chị N. luôn mang theo vật cứng để bảo vệ con vì cho rằng có ai đó muốn bắt cóc, hãm hại con. Ở khu dân cư, chị N. sẵn sàng gây sự với bất kể ai, kể cả lúc đang đi thang máy.
Điều 16, Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để ép buộc trẻ em phải bỏ học, nghỉ học; b) Từ chối tiếp nhận, cản trở trẻ em bị nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS hoặc trẻ em có cha, mẹ bị nhiễm HIV/AIDS vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định; c) Từ chối tiếp nhận trẻ em bị khuyết tật mà vẫn có đủ điều kiện vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định; d) Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em bỏ học, nghỉ học; đ) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; e) Có điều kiện mà không bảo đảm điều kiện học tập cho trẻ em làm hạn chế quyền được học tập của trẻ em; g) Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không đảm bảo thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Bắt trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật; b) Phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện của cá nhân, tổ chức được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cá nhân, tổ chức khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi của cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy đã bị phá hoại do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. |