Vì sao VNEN chưa “được lòng” phụ huynh?
- Thứ tư - 14/09/2016 08:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phụ huynh băn khoăn
Thông tin một số địa phương như Hà Tĩnh, Hà Giang dừng nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN), một số phụ huynh tại Nghệ An cũng tỏ ra băn khoăn trước mô hình trường học này. Thậm chí, một số phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An) đã tụ tập trước cổng trường, yêu cầu nhà trường dừng dạy theo tài liệu mô hình này mà quay trở về mô hình giáo dục truyền thống.
Nhiều phụ huynh nêu ý kiến, cho rằng mô hình VNEN chưa phù hợp, nhất là học sinh lớp 2 vì khả năng tư duy cũng như kỹ năng, ý thức học của cháu chưa tốt; ngồi học theo nhóm, quay lưng với bục giảng phải ngoái lại để nghe nhìn, dẫn tới ngồi không đúng tư thế, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ; chi phí mua tài liệu cao…
Anh Tuấn (phường Quán Bàu, TP Vinh) có cháu học lớp 7, tức là lứa học sinh đầu tiên học theo mô hình VNEN. “Tôi không biết mô hình này hiệu quả đến đâu nhưng cháu học kém hơn các bạn, chữ cũng xấu hơn. Về nhà bày dạy thêm cho cháu thì cháu cứ cãi, bảo không phải như thế. Năm nay con tôi lên lớp 2, tôi không yên tâm để cháu theo học mô hình này nên đang tính xin chuyển cháu đến trường khác, không học theo mô hình này”, anh Tuấn cho hay.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho rằng, nếu học theo mô hình trường học mới này khi lên cấp 2, các cháu khó mà theo kịp các bạn học theo mô hình truyền thống hoặc sẽ bị "kỳ thị".
Không thể có băn khoăn thì quay lại con đường cũ!
Sau khi dự án triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 73 trường tiểu học kết thúc, trên cơ sở đánh giá những mặt được, chưa được của mô hình này, tỉnh Nghệ An sẽ vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để triển khai trên toàn tỉnh trong năm học 206-2017 chứ không “áp dụng trọn gói” theo đề án.
“Kỹ năng giao tiếp của học sinh còn kém, học theo mô hình VNEN là khó. Khó thật nhưng cũng giống như học bơi. Ngồi trên bờ nghe người ta dạy về bơi thì đến khi nào mới biết bơi? VNEN “đánh” trúng vào năng lực, kỹ năng mà học sinh Việt Nam đang kém nên càng phải đưa vào để phát triển năng lực, kỹ năng giao tiếp” - ông Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An
Với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, phát triển về chuẩn kiến thức và kỹ năng, ngay từ khi triển khai mô hình trường học mới (VNEN), các giáo viên đã được tập huấn, việc tập huấn cũng được duy trì hàng năm, mỗi năm 5 ngày. Nếu như trước đây giáo viên thuộc giáo án là giảng bài cho học sinh thì mới phương pháp mới này, giáo viên phải là người hướng dẫn đồng thời phải xử lý các tình huống cũng như các câu hỏi của học sinh. Điều này, bắt buộc giáo viên phải đổ sức ra nhiều hơn, phải theo sát từng học sinh và tác động thêm đối với những em có năng lực yếu hơn các bạn trong nhóm, trong lớp.
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An.
Bên canh đó, để giải tỏa những băn khoăn của phụ huynh học sinh về phần kiến thức năng cao vốn đã được VNEN đưa vào phần giảm tải, Sở GD-ĐT Nghệ An cho phép giáo viên tự điều nội dung dạy học phù hợp với từng vùng, phân bổ thời gian cho từng tiết học để vừa đáp ứng được chuẩn kiến thức cho học sinh có học lực trung bình, vừa bồi dưỡng và phát huy khả năng, năng lực của học sinh có học lực khá, giỏi.
“Buổi học thứ 2 là để thực hành, luyện tập, có thể đưa thêm các bài tập nâng cao vào để hướng dẫn thêm cho học sinh những bài tập trong SGK hiện hành. Sự điều chỉnh này vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cách dạy cách học, vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng cho học sinh”, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.
Tuy nhiên trên thực tế, do vấn đề “lịch sử để lại” như đầu vào ngành sư phạm thấp, các giáo viên sợ sai dẫn đến không dám điều chỉnh giáo án, nội dung dạy học mà dạy rập khuôn theo giáo án đã được hướng dẫn. Việc triển khai VNEN cũng giúp ngành giáo dục "sàng lọc" những giáo viên còn hạn chế để bố trí sắp xếp công việc phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Sơn thì việc này cũng cần có nhiều thời gian và làm từ từ.
“Trên thực tế, với mô hình VNEN, các em học sinh có học lực kém sẽ được quan tâm nhiều hơn. Các giáo viên phải quán xuyến 100% học trò, em nào chưa nắm được kiến thức thì giáo viên phải tác động thêm. Giáo viên buộc phải theo sát học sinh, phải có trách nhiệm với học sinh nhiều hơn”, nhà giáo Phạm Huy Đức (TP Vinh, Nghệ An) nhận định.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An có 248.832 học sinh bậc tiểu học với 9.611 lớp, bình quân gần 26 học sinh/lớp. Bình quân học sinh ở khu vực TP Vinh cao hơn, gần 39 em/lớp. Bởi vậy, nếu nói sỹ số lớp học đông, không phải điều kiện tốt để áp dụng mô hình trường học VNEN theo ông Sơn là không thỏa đáng.
“Đổi mới giáo dục là một quy luật, là mệnh lệnh phải làm, không thể dừng lại. Không thể nói là có băn khoăn thì quay trở lại đường cũ. Nhà trường - phụ huynh - ngành giáo dục phải xích lại gần nhau để cùng đưa ra một giải pháp tối ưu vì lợi ích của người học. Phải lấy lợi ích của người học để làm mục tiêu hàng đầu. Một số trường học chưa thực sự chú trọng việc tập huấn công nghệ giáo dục cho phụ huynh, vẫn vận hành theo kiểu ban ơn, phụ huynh cần thì hỏi, bởi vậy đã nảy sinh nhiều bất đồng giữa nhà trường. Chúng tôi đang chỉ đạo các trường tổ chức tập huấn để phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh”, ông Trần Thế Sơn nhấn mạnh.
Hoàng Lam