Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Trường THPT tư thục Đông Quan: Nỗ lực xóa bỏ mặc cảm trường “ngoài công lập”

Trường THPT tư thục Đông Quan: Nỗ lực xóa bỏ mặc cảm trường “ngoài công lập”
Lâu nay, cái mặc cảm bị học trường dân lập, trường tư thục, thậm chí trường bán công là nỗi ám ảnh (bởi bị coi là lép vế so với khối trường công lập) của các bậc phụ huynh cũng như với chính học trò khi vào học và cả khi ra khỏi những mái trường này.

Để xóa đi cái mặc cảm cố hữu này, thầy và trò Trường THPT tư thục Đông Quan (Đông Hưng- Thái Bình) đang nỗ lực, chắt chiu bằng chính sức mình. Tuy nhiên, con đường trước mắt vẫn còn ngổn ngang, trăn trở bởi nhà trường cũng còn thiếu nhiều kinh nghiệm quản lý loại hình trường tư thục. Và để tạo được công bằng, xóa đi sự tự ti về cái tên “ngoài công lập” đang rất cần vào cuộc thực sự của chính quyền, ngành giáo dục và sự chung sức từ các nguồn lực xã hội.

Tạo dựng từ mái trường nghèo

Khởi đầu với tên gọi là Trường bán công Đông Hưng vào năm 1998 với “cơ ngơi” chỉ là 2 dãy nhà cấp 4 với 6 phòng học nguyên là của trường tiểu học thị trấn Đông Hưng để lại, xung quang trường còn loang lổ ao hồ, vũng nước tù đọng.

Sau gần 20 năm chắt chiu, vun vén từ công sức của thầy, trò, phụ huynh đến nay trường tư thục THPT Đông Quan đã có một cơ ngơi khá bề thế. Với gần 50 phòng học cao tầng kiên cố, phòng hiệu bộ và phòng chức năng, phòng vi tính với trên 30 máy, nhà trường có thể tiếp nhận hàng năm trên dưới 1.500 học sinh.

Những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ giáo viên trường THPT tư thục Đông Quan trong gần 20 năm qua đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. (ảnh: báo Thanh tra)

Mặc cảm lớn nhất của các trường ngoài công lập có lẽ là chất lượng đầu vào của học sinh. Học sinh phân tán từ khắp các huyện trong tỉnh, học lực chuyên môn, đạo đức, hạnh kiểm nhiều em kém hơn các trường công lập là sự thực hiển nhiên. Bởi vậy, muốn trò từ yếu kém, thậm chí hư hỏng thành trò giỏi, trò ngoan, điều cốt tử là thầy phải ra thầy.

Nhà trường xác định: Quyết định chất lượng giáo dục là ở bộ máy quản lý và đội ngũ giáo viên, vừa là người thầy vững vàng về chuyên môn nhưng cũng phải là người anh, người chị mẫu mực về nhân cách, tâm lý.

Ban đầu trường chỉ vẻn vẹn 11 cán bộ, giáo viên dạy dỗ hơn 300 em học sinh, đến nay đã có hơn 50 cán bộ giáo viên có trình độ đại học, tất cả đạt chuẩn và trên chuẩn là cả một bước tiến dài. Để có được kết quả này nhà trường đã phải trải qua nhiều năm miệt mài, quyết liệt chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, vừa theo tiêu chuẩn chung của Bộ, của Sở giáo dục nhưng cũng phải thích ứng với đặc thù riêng của một trường tư thục.

Nhà trường đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của thầy và trò. Việc làm này đã tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc định lượng, định tính kiến thức, giảm tải chương trình song vẫn đảm bảo chất lượng dạy học.

Các bài giảng phải sát với đối tượng, thầy phải gần gũi chỉ bảo từ dễ đến khó, thương yêu động viên trò. Những hoạt động như “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp nhằm giúp học sinh làm quen tiếp cận với phương pháp giảng dạy giáo dục trong nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên gần gũi, thân thiện với học sinh là cách làm hay.

Đặc biệt nhà trường cũng chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, nắm chắc tình hình nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục ngay. Gần gũi và động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm động viên tối đa các em bám lớp, không bỏ học giữa chừng.

Đổi mới phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được nhà trường khuyến khích. Trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điểm số trên phần mềm, hồ sơ giáo án điện tử, sử dụng phần mềm phân công coi thi. Đặc biệt trường cũng là đơn vị đi đầu trong việc lập website riêng quản lý học sinh theo sổ liên lạc điển tử, quản lý việc giảng dạy học tập trên lớp và cơ sở vật chất bằng hệ thống camera.

Thành công bước đầu

Những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ giáo viên trường THPT tư thục Đông Quan trong gần 20 năm qua đã gặt hái được những thành công mà không phải trường dân lập nào cũng với tới. Tỉ lệ học sinh lên lớp hàng năm đều đạt 99-100%, không có học sinh xếp loại đạo đức yếu, không có học sinh vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Đặc biệt, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm luôn bằng và vượt mức bình quân của ngành giáo dục Thái Bình. Nhiều năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt con số 98- 99% là thành tích không dễ gì ở một trường ngoài công lập. Tỉ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, số học sinh giỏi nhiều năm dẫn đầu khối trường ngoài công lập trong tỉnh.

Riêng năm học 2015- 2016, trường đã đạt 2 giải ba toàn tỉnh, xếp thứ nhì khối THPT tỉnh về giáo dục quốc phòng an ninh, giải nhất toàn tỉnh khối THPT đi dự hội khỏe Phù Đổng toàn quốc môn bóng bàn và cầu lông. 13 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh trong đó có 1 cô giáo đạt giải nhất toàn tỉnh môn giáo dục công dân . Trường luôn tự hào là một trong những đơn vị dẫn đầu khối ngoài công lập.

Không chỉ chú trọng chuyên môn, trong nhiều năm qua chi bộ đảng luôn luôn đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, nhà trường luôn đạt trường tiên tiến cấp tỉnh, nhiều năm được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Thái Bình tặng bằng khen. Cán bộ quản lý nhà trường liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh nhiều năm được Trung Ương đoàn, Tỉnh đoàn tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc .

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Đặng Vương Phiếm đã luôn gương mẫu dẫn dắt nhà trường từ buổi đầu đầy gian khó trở thành một địa chỉ được học sinh và phụ huynh tin yêu gửi gắm niềm tin. Thầy Phiếm đã vinh dự hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen của Bộ, ngành và địa phương về những đóng góp không mệt mỏi trong hơn 40 năm đóng góp cho ngành giáo dục Thái Bình.

Còn ngổn ngang, trăn trở

Trước những khó khăn thách thức của mô hình trường tư thục, đặc biệt là biến Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đi vào cuộc sống, người đứng đầu Trường tư thục THPT Đông Quan- thầy giáo Đặng Vương Phiếm đề xuất nhiều ý kiến thẳng thắn.

Trước hết là xóa bỏ ngay sự phân biệt đối xử con đẻ - con nuôi giữa trường công lập và ngoài công lập. Để làm việc này Nhà nước cần có chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên trường ngoài công lập để xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cán bộ, giáo viên công chức với cán bộ giáo viên hợp đồng. Hàng năm cần tổ chức xét tuyển công chức cho các trường ngoài công lập để tạo sự công bằng với trường công lập.

Một vấn đề không thể xem nhẹ là về cơ sở vật chất các trường ngoài công lập nếu chỉ trông chờ vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh sẽ rất khó khăn bởi đa phần đều là nông dân nghèo, thu nhập rất thấp.

Thêm vào đó, học sinh các trường ngoài công lập lại phải đóng góp nhiều khoản học phí, tiền xây dựng trường cao hơn nhiều trường công lập nên cũng khó đảm bảo chất lượng cũng như duy trì sĩ số suốt 3 năm học. Vì vậy, Nhà nước cần dành một phần nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ngoài công lập, hỗ trợ một phần kinh phí giảm gánh nặng cho học sinh nhất là những học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, cũng rất cần sự chia sẻ cảm thông của các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội cả về tinh thần lẫn vật chất để nhà trường an tâm thực hiện nhiệm vụ “trồng người”.

Nếu được nhà nước quan tâm, cộng với những nỗ lực tự thân của thầy và trò, sự đóng góp chia sẻ của phụ huynh học sinh, sự hảo tâm của các nhà mạnh thường quân- chắc chắn Trường tư thục THPT Đông Quan nói riêng, hệ thống trường ngoài công lập nói chung sẽ có những bước bứt phá để dần xóa đi cảm giác tự ti về cái tên “ngoài công lập” như vẫn thường tồn tại lâu nay.

Quế Lâm

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây