Tiếng Đức, tiếng Hàn được thêm vào chương trình ngoại ngữ: Chuyên gia giáo dục nói gì?
- Chủ nhật - 07/03/2021 11:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ hội tốt khi thêm 2 ngoại ngữ
Mới đây, Bộ GDĐT đã có quyết định ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm có hiệu lực từ ngày 9/2/2021. Theo quyết định, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GD&ĐT xác định là ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng được xác định là Ngoại ngữ 1.
Nhiều phụ huynh đã vô cùng lo lắng trước sự thay đổi này. Nhiều người cho rằng việc học tiếng Hàn, Đức quá khó với cấp tiểu học. Hơn nữa, hai ngôn ngữ này không thể phổ biến như tiếng Anh, Pháp… sẽ không mang lại ý nghĩa.
Tiếng Hàn, Đức trở thành một trong những Ngoại ngữ 1, trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý giáo dục TS Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) cho rằng những phản ứng tức thời của phụ huynh là hết sức bình thường. Nếu bình tĩnh lại sẽ thấy rằng việc thay đổi là tất yếu. Thay đổi có thể trầm trọng hơn hoặc có thể tốt đẹp hơn và trong trường hợp thay đổi về thêm 2 môn ngoại ngữ bắt buộc tiếng Đức và tiếng Hàn là thay đổi tích cực.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia Vũ Việt Anh cho rằng, về tiếng Hàn, Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Đây là thị trường trọng điểm trong xuất khẩu với các mặt hàng có thế mạnh của chúng ta như: nông thủy sản, dệt may, điện tử, giầy dép, thực phẩm chế biến... Về đầu tư, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp. Cùng với hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019 và ước đạt trên 65,1 tỷ USD năm 2020. Trong tương lai khi thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại, việc tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa sẽ ngày càng mở rộng.
Một đặc điểm chung của các doanh nhân Hàn Quốc là không thành thạo tiếng Anh. Do đó mà trong giao thương, họ chủ yếu vẫn cần phải biết tiếng Hàn. Nên trong tương lai, những bạn trẻ biết tiếng Hàn thì cơ hội nghề nghiệp, cơ hội kinh doanh, du học sẽ dễ dàng hơn.
Với tiếng Đức cũng sẽ là một cơ hội tốt. Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây do Viện Nghiên cứu thị trường lao động và việc làm (IAB) của Đức công bố với thực trạng già hóa dân số như hiện nay, ước tính lực lượng lao động ở Đức sẽ giảm khoảng 30% vào năm 2060, tương đương 16 triệu người. Như vậy từ nay đến năm 2060, Đức bắt buộc phải nhập khẩu nguồn nhân lực trẻ từ các nước đang phát triển.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Việt Anh cho rằng thay đổi thêm 2 ngoại ngữ vào chương trình học là thay đổi tích cực
Đức là một nền kinh tế lớn, an sinh xã hội hàng đầu thế giới, mức lương trung bình rất cao. Đặc biệt, hiện chính phủ Đức đang có các chương trình ưu đãi du học nghề cho học sinh, sinh viên Việt Nam được đánh giá là tốt nhất từ năm 1985 tới nay. Về điều kiện xin học bổng hiện tại vào Đức khá dễ dàng, chỉ cần chứng chỉ B1 tiếng Đức đã có thể xin Visa học nghề tại Đức, chứng chỉ B2 có thể xin được học bổng tới 1100 Euro. Nên học sinh học tiếng Đức sẽ có cơ hội dễ dàng vào châu Âu để trở thành công dân toàn cầu bằng tri thức. Như vậy, việc học bắt buộc 2 ngoại ngữ mới là tiếng Hàn và tiếng Đức là thay đổi để tốt đẹp cho thế hệ trẻ trong tương lai.
Lưu ý để học ngoại ngữ mới hiệu quả
Chuyên gia cũng đã đưa ra lời khuyên, để học được ngoại ngữ mới hiệu quả phụ huynh cần lưu ý:
+ Việc đầu tiên cần tạo động lực học tập cho môn học mới này. Muốn yêu thì phải hiểu nên cần tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người, thành tựu .. của quốc gia đó. Tùy theo sở thích, năng khiếu của mỗi học sinh mà tìm ra phương pháp học tập thích hợp, học bằng âm thanh hay học bằng hình ảnh hay học bằng trải nghiệm mà có thể tìm ra cách tiếp cận tốt nhất trong việc học ngoại ngữ đó như: xem phim, nghe nhạc, tham gia các clb giao lưu văn hóa, thậm chí chơi game.
+ Không có ai hiểu ngôn ngữ bản địa bằng chính người bản địa. Do đó, phụ huynh khuyến khích con nghe, xem các chương trình của quốc gia đó và nếu có thể rất nên kết bạn với người bạn tại quốc gia đó. Mạng xã hội, internet rất hữu ích trong trường hợp này.
+ Quan sát, lắng nghe, để ý khẩu hình, ngữ điệu của người bản địa và tập nói theo, việc mạnh dạn nói theo, phát âm mà không cần hiểu nghĩa là vô cùng hiệu quả.
+ Nghiêm túc trong học tập, có kế hoạch, chiến lược đúng đắn trong học tập thì không có gì có thể cản trở con bạn đến thành công. Cha mẹ cần động viên, khích lệ con mỗi ngày để việc thay đổi trở lên tốt đẹp.
Nguồn: https://giadinh.net.vn/giao-duc/chuyen-gia-giao-duc-noi-gi-khi-tieng-duc-tieng-han-duoc...