Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thầy giáo có “biệt tài” kết nối với học trò

Thầy giáo có “biệt tài” kết nối với học trò
Dùng kẹo, trà sữa, dùng sách cho đến nhiều hoạt động vui chơi để kết nối học trò, thầy Vũ Hoàng Sơn còn là một giáo viên “truyền lửa” nhiệt huyết đến các đồng nghiệp.

Lớp học nhí nhảnh của thầy giáo U40

Mỗi buổi học ngày thứ 2 đầu tuần, lớp 4/6, Trường tiểu học Bình Hòa, Q. Bình Thạnh, TPHCM lại như có hội. Các em chuyền tay nhau hũ kẹo và tự tay lấy ra một vài viên tặng bạn bè, thầy cô kèm một lời chúc yêu thương nào đó. Bạn này tặng bạn kia, tất cả đều có kẹo và nhận được lời chúc đầy tươi vui.

Nếu thứ 2 là ngày yêu thương thì thứ 6 kết thúc tuần học là ngày của cảm ơn. Trước khi ra về, các em sẽ lấy viên kẹo trong hũ tặng cho bạn, cho thầy, cho cô lao công, chú bảo vệ hay cho bố mẹ, ông bà cùng với lời cảm ơn chân thành.

Không gian lớp học tình nghĩa đầy năng lượng. Nhìn độ nhí nhảnh của lớp, ai cũng nghĩ người dẫn dắt phải là một giáo viên trẻ trung mới ra trường. Nhưng trẻ không nằm ở tuổi tác, đó là lớp học do ThS Vũ Hoàng Sơn đã tròn 20 năm vào nghề làm chủ nhiệm.

Và học sinh ở Trường tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái, Q. Bình Thạnh do thầy Sơn phụ trách... trong niềm vui tặng kẹo trao niềm vui ngày đầu tuần

Thầy Sơn chia sẻ, giáo dục cho trẻ về tình bạn, về các mối quan hệ trong cuộc sống rất cần thiết. Việc chia sẻ niềm vui giúp các em hóa giải những bất hòa, mâu thuẫn… thường gặp, nếu không để ý lâu ngày sẽ tích tụ dẫn đến những tiêu cực trong học đường. Không chỉ ở lớp mình chủ nhiệm, mà ngay các trường thầy Sơn tham gia thỉnh giảng, thầy cũng "chăm chút" đến việc tạo môi trường và tâm lý thoải mái nhất cho học sinh.

Học trò của thầy Sơn tặng kẹo cho cô lao công vào ngày thứ 6 cuối tuần - ngày cảm ơn

Đó là chỉ là một trong vô số các hoạt động “ngoài sách vở” mà thầy Vũ Hoàng Sơn tổ chức cho học sinh. Thầy thường lùng sục đặt những cuốn sách hay, tổ chức những giờ đọc sách cho học sinh hay là mua trà sữa… để trò chuyện với học sinh.

Thầy Sơn cung cấp cho học sinh những cuốn sách hay.

Lớp học của thầy cũng có lúc biến hóa đến 360 độ khi thầy trò cùng nhau ăn kem, cắt bánh hay diễn ra các lễ hội vào các ngày lễ như Trung thu, Halloween… Thầy trò cùng nắm tay hát ca, nhảy múa và ông giáo mặc sơ mi, quần tây cũng không ngại "lăn lê bò toài" cùng học sinh cùng đọc sách, nói chuyện vào giờ giải lao.

Ông giáo U40 vui vẻ bên học trò trong những giờ giải lao.

Những hoạt động này với thầy Sơn là một trong những “liều thuốc” hiệu quả trị chứng thiếu tự tin của học trò - với thầy, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất của con trẻ. Chúng ta dạy trẻ rất nhiều kiến thức, kỹ năng nhưng thực tế là trẻ lại rất nhút nhát, thiếu tự tin.

“Các em thường sợ thầy cô khi phát biểu sai. Dần dần, nếu không thay đổi các em sẽ ù lì, ngại bày tỏ ý kiến. Nếu giáo viên tạo môi trường gần gũi, tạo tiếng cười để xóa đi khoảng cách của người “bề trên” thì các em sẽ mạnh dạn để bày tỏ ý kiến”, thầy Sơn nói và nhấn mạnh đến thông điệp ánh mắt của người thầy có thể có thể làm học trò “rụt” xuống hoặc tự tin hơn.

“Truyền lửa” cho đồng nghiệp

Nhiều năm liền là giáo viên Giỏi, thầy Vũ Hoàng Sơn không chỉ tiếp sức về tâm lý, tinh thần cho các học trò nhỏ, mà thầy còn nằm trong đội ngũ giáo viên đi “truyền lửa” cho đồng nghiệp với sự nhiệt tình và học hỏi không ngừng nghỉ.

Từ 10 năm trước, giáo viên trong trường còn xa lạ với việc sử dụng Power Point trong dạy học thì chính thầy Sơn đã... "đứng lớp" chỉ dẫn thầy cô. Tất cả đều do thầy tự mày mò, mua sách về nghiên cứu, lên mạng tìm hiểu. Năm 2011 - 2012, bằng việc tự học, từ mày mò, thầy giành giải 3 cấp Quốc gia về Bài giảng E-learning.

Nhiều năm gần đây, thầy Sơn đứng lớp tại các lớp học dành cho giáo viên do Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục thuộc Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Thầy tham gia với vai trò hướng dẫn giáo viên tạo ra các bài học Elearning. Bài học này ngoài mục đích để giáo viên tham gia các cuộc thi thì còn giúp ích rất nhiều trong xây dựng bài giảng để phục vụ cho hoạt động chuyên môn. Nhiều dự án, lớp học ở các tỉnh thành thầy cũng hăng hái lên đường để hỗ trợ giáo viên tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

ThS Vũ Hoàng Sơn (ngoài cùng bên phải) còn là một trong những giáo viên ở TPHCM "tiếp lửa" cho thầy cô trong cả nước

Cách đây hơn 3 năm, khi tình trạng học sinh thờ ơ với môn Lịch Sử, thầy Sơn đã mày mò và sáng tạo phần mền học Sử như… chơi game đưa đến một “luồng gió mới” trong dạy học Sử.

Phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến" của thầy Sơn bao gồm 28 bài học (toàn bộ chương trình của phân môn Lịch Sử lớp 4, có hệ thống bài tập/trò chơi đa dạng về hình thức và cách làm bài tạo được sự hấp dẫn cũng như kích thích sự tò mò cho học sinh. Đến nay, phần mềm dạy Sử lớp 4 này đã được triển khai đến các trường ở quận Bình Thạnh và nhiều giáo viên các quận ở TPHCM và các tỉnh đưa vào áp dụng.

Bà Du Huê Hường, chuyên viên phòng Giáo dục Q. Bình Thạnh cho biết, phần mềm học Sử lớp 4 của thầy Sơn được nhân rộng tại các trường tiểu học trên địa bàn để học sinh và giáo viên ứng dụng trong dạy học. Phần mềm nầy rất hữu ích, gồm có các đoạn phim, tư liệu, trò chơi được sắp xếp theo các chủ đề phù hợp với từng bài học khác nhau, giúp học sinh có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức của mình kể cả trên lớp lẫn ở nhà.

Phần mềm Học Lịch sử lớp 4 của ThS Vũ Hoàng Sơn cũng là một trong những dự án lọt vào chung kết cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin" cấp Quốc gia năm 2016.

Với quan niệm, dạy học là nghề học hỏi, tìm tòi không ngơi nghỉ và “thừa thắng xông lên”, thầy Sơn đang trong quá trình nghiên cứu thực hiện phần mềm dạy môn Địa lý lớp 4, trọn bộ hai phân môn Sử - Địa.

Với việc dạy học bằng phần mềm, học sinh ngay từ bậc tiểu học sẽ chép đĩa, USB về nhà học trên máy tính, tương tác với thầy cô qua mạng. Giáo viên sẽ cung cấp mã code của lớp cho học sinh, học sinh vào xem từng bài giảng, tự nghiên cứu và đọc đặt câu hỏi để giáo viên trả lời.

Thầy thầy Sơn, chính giáo viên phải mạnh dạn đổi mới, trao quyền chủ động học tập, khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm chủ kiến thức, công nghệ thay cho việc thầy nói trò nghe. Bởi quan điểm của thầy, thành tích cao nhất của người giáo viên chính là nụ cười, là sự trưởng thành của học sinh.

Hoài Nam

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây