Tân sinh viên và những “cạm bẫy” phòng trọ đầu năm học
- Thứ bảy - 17/09/2016 11:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Nghìn lẻ một” khó khăn khi tìm phòng trọ
Biết tin đỗ đại học thông qua điểm chuẩn của trường, Ánh (tân SV ĐH Kinh tế Quốc dân) đã lên Hà Nội tìm phòng. Tuy nhiên, mất 3 ngày lang thang khắp những con đường, ngõ hẻm gần trường, Ánh vẫn không tìm được căn phòng ưng ý.
Ánh chia sẻ: “Phòng trọ đẹp, gần trường có giá quá đắt, nếu rẻ lại xa trường, trong khi em không có phương tiện đi lại. Vì quá mệt mỏi, nản chí, em đã gọi điện theo một số tờ rơi phòng trọ dán trên những bức tường hoặc cột điện gần trường”, .
Khi gặp người đăng thông tin và cũng chính là môi giới phòng trọ, Ánh bị yêu cầu đặt cọc 300.000 đồng, cam kết hỗ trợ cô bạn tìm được phòng. Sau khi nộp tiền, Ánh đồng ý và được dẫn đi xem 4 - 5 phòng trọ gần trường mình sắp theo học. Song, Ánh không hài lòng nên không chọn được phòng nào để thuê. Người môi giới hẹn sang ngày hôm sau dẫn Ánh đi xem tiếp nhưng gọi điện thì không liên lạc được. Vậy là Ánh mất luôn 300.000 đồng mà vẫn không thuê được phòng.
Thêm vài ngày tìm kiếm, Ánh cũng chọn được căn phòng sạch sẽ, khang trang và gần trường với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, vì chủ quan, chiếc laptop bố mẹ vừa sắm cho Ánh đã “không cánh mà bay” ngay ngày đầu tiên cô dọn đến.
“Em để laptop ở bàn, ra ngoài đi mua sắm ít đồ với mẹ. Không ngờ, thừa lúc buổi tối vắng người qua lại, trộm cạy cửa vào lấy mất. Thấy hai mẹ con thẫn thờ tiếc nuối, mấy người cùng xóm trọ qua hỏi thăm và kể rằng ở đây an ninh kém nên chuyện mất trộm diễn ra khá thường xuyên”, Ánh ngậm ngùi kể lại.
Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của các tân sinh viên, nhiều chủ nhà trọ tranh thủ tăng giá hoặc gài vào hợp đồng những điều khoản bất lợi cho SV. (ảnh minh họa)
Dựa vào nhu cầu người thuê cao dịp đầu năm học, bà chủ chỗ Ngọc (năm thứ hai, trường ĐH Công đoàn) từng thuê tăng giá phòng bằng cách ghép thêm người.
Ngọc kể lại: “Bà chủ bảo em phải cho ở ghép, nếu không đồng ý thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng. Vì em ngại ở với người lạ nên phải cắn răng nộp thêm tiền. Điều này do em đã không thỏa thuận hợp đồng trước khi ký, nên nếu chuyển đi ngay thì mất trắng số tiền đã nộp”.
Cố gắng ở 6 tháng như thời hạn hợp đồng, Ngọc mới chuyển đi. Oái oăm thay cho Ngọc, vì ngày trước không đọc kỹ hợp đồng, nên cậu bị trừ hết số tiền đặt cọc (500.000 đồng).
“Nguyên nhân bà chủ đưa ra chỉ là cái bóng đèn, cửa nhựa hỏng và em “trót” đóng đinh làm bẩn tường. Trong khi, lúc em mới chuyển đến, cái bóng đèn và cửa nhựa đã “dặt dẹo” và cũ lắm rồi”, Ngọc than thở.
Cẩn trọng ngay từ đầu
Hiện nay, Hội sinh viên nhiều trường đại học đã thành lập “ngân hàng nhà trọ” nhằm cung cấp địa chỉ thuê trọ giúp sinh viên trường mình có nơi ở ưng ý. Hiền (năm thứ tư, trường ĐH Kinh tế Quốc dân) gợi ý cho những bạn chưa có kinh nghiệm nên chọn “ngân hàng nhà trọ” để nhận sự hỗ trợ, tránh tình trạng mất tiền môi giới cho “cò” và bị chủ nhà trọ ép giá.
Với những bạn tự tìm phòng trọ, Hiền khuyên tân sinh viên không nên đặt trọn niềm tin vào môi giới, cần xem xét kỹ lưỡng và tham khảo ở nhiều nơi.
Các tân sinh viên không nên chọn ở những khu trọ quá hẻo lánh, vắng vẻ. (ảnh minh họa)
Ngoài ra, Hiền cũng mong các bạn nữ nên ở những phòng trọ khép kín chung hoặc gần chủ, để được yên tĩnh học hành và an toàn hơn trong những ngày đầu bỡ ngỡ.
“4 yếu tố đầu tiên các bạn chọn phòng trọ: sạch sẽ không ẩm ướt, an ninh tốt, sự thuận tiện tới trường và nguồn nước đảm bảo. Nước bẩn không chỉ làm cho quần áo chúng ta hỏng mà còn nguy hại đến sức khỏe nữa.
Bên cạnh đó, xóm trọ thường nằm ở trong các ngõ ngách nhưng các bạn đừng tìm phòng trọ ở ngõ ngách sâu quá. Việc đến những phòng trọ đã hoặc đang có nhiều người thuê hơn là những phòng trọ ở địa điểm hẻo lánh, vắng vẻ cũng giúp chúng ta đảm bảo an toàn”.
Hiền cũng cho rằng, khi đến nơi, các bạn tân sinh viên phải gặp trực tiếp chủ trọ để hỏi cụ thể về giá phòng, diện tích sử dụng, điều kiện sinh hoạt, giá điện – nước hằng tháng, giờ giấc đóng cửa (nếu ở chung) hoặc hình thức tự quản (nếu không sống chung với chủ)… để tránh những nuối tiếc về sau.
“Sau đó, các bạn cũng nên khéo léo hỏi ý kiến thêm của các bạn đã trọ ở xóm đấy để có được phản ánh khách quan. Khi chuyển đến, mình cũng chốt ngay số điện, nước tránh phải trả thêm chi phí của người sử dụng trước đó”, Hiền bổ sung.
Thùy Dương (SN 1991, cựu SV trường ĐH Luật Hà Nội) thì mong các bạn tân sinh viên lưu ý thương thảo hợp đồng thuê trọ trước khi kí kết.
Dương chia sẻ: “Các bạn cần phải chú ý kỹ những điều ghi rõ trên hợp đồng trước khi ký, như giá phòng, giá điện, nước, thời gian thuê, cách thức thanh toán tiền, trách nhiệm của một trong hai bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, quy định về tăng giá, giới hạn phạm vi sử dụng nhà...
Đặc biệt, các bạn nên đề nghị trong bản hợp đồng có trách nhiệm cụ thể nếu thiệt hại về đồ đạc xảy ra. Chủ nhà cần đảm bảo về chất lượng cơ sở vật chất, nếu thiệt hại do mình gây ra thì chúng ta sẽ phải chịu những trách nhiệm gì. Ví dụ vòi nước, cửa nhà tắm hỏng, ... thì chi phí sửa chữa thay lắp này sẽ ghi rõ trong hợp đồng do bên nào thanh toán”.
Theo Dương, các vấn đề tài chính cần cân nhắc cẩn thận và đầy đủ để đưa ra thống nhất trong hợp đồng.
Hoài Thư