TPHCM: Cấm dạy thêm trong nhà trường, giải quyết “hệ lụy” thế nào?
- Thứ năm - 01/09/2016 18:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại buổi làm việc với Ban văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM ngày 31/8, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, giáo viên nào vi phạm quy định về dạy thêm học thêm có thể bị kỷ luật với mức cao nhất là đuổi việc.
Như vậy có thể nói, sau thời dùng dằng, gửi văn bản cho các trường yêu cầu ngưng dạy thêm trong nhà trường rồi lại đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét lại quyết định này, ngành giáo dục thành phố đã không thể “níu kéo” việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Ngành giáo dục đối diện với thực tế là việc dạy thêm, học thêm bên trong nhà trường sẽ bị cấm tuyệt đối để có những phương án phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết việc chấm dứt việc dạy thêm, học thêm bên trong nhà trường thời điểm này sẽ sẽ dẫn đến ba vấn đề: Cấm trong nhà trường sẽ nở rộ ở bên ngoài; chất lượng của nhà trường và ảnh hưởng đến nguồn thu của trường học, đời sống của giáo viên khi không tổ chức dạy thêm, học thêm.
Về quản lý trung tâm bên ngoài, theo ông Hiếu, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và quy định 21 của thành phố đã nói rất rõ trách nhiệm cấp phép nội dung ở bậc THCS là do Phòng GD-ĐT các quận huyện cấp phép, còn việc cấp phép dạy thêm, học thêm nội dung bậc THPT thì do Sở GD-ĐT cấp phép và quản lý.
Tiêu cực ở các trung tâm bên ngoài nếu có thì là do giáo viên đang dạy ở các cơ sở công lập ra tham gia dạy thêm bên ngoài. Còn các trung tâm không có yếu tố này thì các đơn vị họ thực hiện theo cơ chế thị trường.
Theo Thông tư 17, hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý giáo viên, thông báo rõ cho giáo viên biết ai được dạy học trò mình ở bên ngoài và ai không được. Về phía giáo viên cần thực hiện vai trò của mình, trung thực trong việc báo cáo với lãnh đạo để nhà trường xem xét.
Đây là yếu tốt quan trọng để thực hiện chủ trương của thành phố là chấm dứt tình trạng giáo viên o ép học sinh đi học thêm.
Việc quản lý địa bàn, ông Hiếu nói, cũng theo Thông tư 17, trách nhiệm thuộc về về UBND quận/huyện, phường/xã. Để tổ chức dạy thêm phải có xác nhận của UBND phường, xã về địa điểm có đảm bảo an ninh, trật tự cùng các điều kiện an toàn.
Chất lượng giáo dục trong nhà trường khi không tổ chức dạy thêm học thêm sẽ có bộ phận học sinh ảnh hưởng trực tiếp. Với học sinh yếu kém thì nhà trường có trách nhiệm tổ chức phụ đạo, học sinh giỏi thì được tập trung bồi dưỡng.
Còn đa số học sinh đại trà, đặc biệt là học sinh cuối cấp cần cho việc thi cử sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhất là học sinh lớp 9 do điều kiện chưa thể xét tuyển theo địa bàn mà các em phải dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên Sở yêu cầu các trường ưu tiên cho học sinh cuối cấp học hai buổi. Tiếp đến là học sinh đầu cấp, không chỉ để học văn hóa mà giúp các em ổn định tâm lý làm quen với trường mới và các hoạt động của nhà trường.
Việc điều chỉnh, giảm tải nội dung chương trình đã thực hiện trong các năm qua để học sinh bớt bị áp lực. Hiện ngành giáo dục thành phố cũng đang thực hiện đề án Bộ cho phép xét tốt nghiệp THPT. Khi đó việc dạy học và tổ chức đánh giá sẽ thuận lợi, phù hợp hơn. Ông Hiếu nói, như năm vừa rồi, hiệu trưởng các trường rất bức xúc, kỳ thi hai trong một nhưng đề phân hóa rất “ác liệt”.
Về nguồn thu của nhà trường và đời sống giáo viên, ông Hiếu thừa nhận chắc chắn bị ảnh hưởng. Có thể nói dạy thêm, học thêm là một hoạt động thu thêm phục vụ cho các trường phổ thông hiện nay. Một ví dụ là trường phổ thông lớn nhỏ gì cũng chỉ được biên chế hai bảo vệ, nhiều trường phải hợp đồng thêm. Nếu không có nguồn thu thì chắc chắn bảo vệ hợp đồng phải nghỉ việc, chỉ hai bảo vệ trong trường học là rất khó khăn, căng thẳng cho nhiều trường.
Còn giáo viên thì không chỉ giáo viên dạy thêm mới có thu nhập tăng thêm. Nguồn chi cho giáo viên trực tiếp dạy thêm chiếm khoảng 60% nguồn thu, còn lại là cho đội ngũ nhân viên, giáo viên không tham gia dạy thêm và dành cho các phúc lợi chung của nhà trường như các hoạt động chuyên môn và hoạt động hè.
Sở GD-ĐT TPHCM đã lường đến các vấn đề phát sinh khi thực hiện việc cấm dạy thêm, học thêm bên trong nhà trường và đưa ra các giải pháp ban đầu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng các giải pháp cần cụ thể hơn cũng như ngành cần tiên lượng được hiệu quả của những giải pháp để có những bước đi phù hợp hơn.
Vì thực tế việc học thêm hầu hết xuất phát nhu cầu chính đáng của người học, từ chương trình học và thi cử còn nặng nề. Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, lãnh đạo Sở cần quyết liệt hơn trong việc kiến nghị với Bộ GD-ĐT làm sao để giảm tải phải tránh việc “bỏ thì thương, vương thì tội”, phải cắt hẳn phần nào quá nặng nề, hàn lâm, đã lạc hậu, ít tính thực tiễn. Còn nếu không giảm tải nổi thì với thời lượng học trên lớp như hiện nay chỉ đáp ứng được cho những em học lực khá trở lên, chất lượng giáo dục sẽ thế nào?
Cạnh đó, Sở cần quan tâm cũng như có những giải pháp liên quan đến vấn đề thu nhập của giáo viên và nguồn thu của nhà trường. Bởi đây là điều rất đáng trăn trở, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và cũng như việc có thể dồn tâm sức cho giáo dục của đội ngũ.
Nhất là khi thành phố còn có quy định “triệt” thêm một nguồn thu chính đáng của nhà trường là là các trường cũng không được cho các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm văn hóa ngoài giờ… thuê mướn phòng ốc từ năm học này.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)