TOP 5 ngành nghề điểm đầu vào cao chót vót nhưng nhiều khả năng khó xin việc trong những năm tới
- Thứ năm - 14/07/2022 03:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thập kỷ 2020 - 2030 chứng kiến sự thay đổi không ngừng của xã hội, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế và cuộc cách mạng 4.0. Nếu trước đây, việc tìm ngành học chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chí phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân thì giờ đây, việc chọn ngành nghề tương lai còn phải bắt kịp thời đại và xu hướng. Có những ngành nghề dù đầu vào điểm chuẩn “cao ngất” nhưng giờ đây lại trở thành những ngành có tỷ lệ thất nghiệp rất cao.
Ngành sư phạm
Ngành sư phạm là một trong những ngành học từng có điểm chuẩn cao "chót vót" nhiều năm trở lại đây. Ngoài đầu vào yêu cầu học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi, ngành sư phạm có điểm chuẩn dao động từ 25 - 27 điểm. Ví dụ, ĐH Sư phạm TP.HCM, ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn 26,25 cho cả hai khối A01 và A00 vào năm 2021.
Sư phạm dư thừa nhân lực do các chính sách đãi ngộ khi theo học khiến số lượng sinh viên của ngành này tăng vọt.
Tuy vậy, đây là khối ngành đang được Bộ GD-ĐT cảnh báo về tình trạng thừa nhân lực. Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp. Rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm đúng ngành, phải chuyển sang các công việc khác.
Nguyên nhân có thể là bởi số lượng học sinh đang giảm do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong khi các cơ sở giáo dục lại mở ra chưa hợp lý. Hơn nữa, ngành sư phạm là khối ngành được miễn giảm hoàn toàn học phí, khiến số lượng thí sinh thi vào ngành này khá nhiều dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực đang báo động.
Ngành kế toán, kiểm toán
Kế toán là ngành nghề có tính ổn định cao bởi đây là bộ phận không thể thiếu trong bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào. Cách đây vài năm, ngành kế toán, kiểm toán cần khối lượng nhân sự lớn là bởi sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phát triển. Cũng vì điều này, điểm đầu vào của ngành luôn đứng ở top cao. Năm 2021, điểm chuẩn ngành kế toán của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 27.65, trường Đại học Thương mại là 26.2…
Ngành kế toán kiểm toán có thể bị thay thế bởi công nghệ.
Dù có điểm chuẩn khá cao nhưng hiện nay, nhóm ngành này cũng chứng kiến sự dư thừa lao động, thiếu việc làm. Theo thông tin của Bộ GD&ĐT công bố từ năm 2016, ngành kế toán, kiểm toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Nguyên nhân là bởi sinh viên đổ xô vào chọn ngành học này và việc ồ ạt mở chương trình đào tạo của các trường trong mấy năm trước dẫn tới việc nhân lực bị dư thừa. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 200 trường đào tạo ngành kế toán, kiểm toán.
Ngoài ra, kế toán - kiểm toán là một trong số những nhóm ngành có khả năng bị thay thế trong tương lai bởi công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ sẽ làm thay đổi vai trò của kế toán, kiểm toán viên trong hoạt động nghề nghiệp vì hầu hết các quy trình sẽ được tự động hóa, máy móc có thể thu thập và xử lý thông tin nhanh và chính xác hơn các nghiệp vụ kế toán truyền thống.
Ngành lịch sử
Lịch sử là một phần không thể thiếu của xã hội, nhân loại và một dân tộc hay bất kỳ quốc gia nào. Đây cũng là một trong số những nhóm ngành có điểm chuẩn cao, Điểm chuẩn xét theo học bạ là 9.20 điểm của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm chuẩn năm 2018 của trường Đại học Quy Nhơn, dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là 23.25 điểm.
Dù là ngành quan trọng nhưng ngành lịch sử lại không có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo đuổi ngành học lịch sử lại khiến nhiều sinh viên ra trường khó tìm việc làm vì trên thực tế, cơ hội việc làm của ngành lịch sử không nhiều. Cụ thể, cử nhân lịch sử là những người nghiên cứu, phân tích, đánh giá các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, sau đó chia sẻ kiến thức và thông tin chính xác có được cho cộng đồng.
Đa số sinh viên theo học ngành này đều có ý định học thêm một nghiệp vụ sư phạm để theo nghề dạy học, tuy nhiên sư phạm lại cũng là một trong số những nhóm ngành có khả năng thất nghiệp tương đối cao. Nhiều cử nhân, thạc sĩ ngành lịch sử phải chấp nhận làm những công việc trái ngành nếu không muốn thất nghiệp.
Ngành công nghệ môi trường
Ngành công nghệ môi trường là ngành ứng dụng khoa học môi trường, hóa học xanh, quan trắc môi trường, sử dụng các thiết bị điện tử để theo dõi, mô hình hóa và giữ cho môi trường tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ít bị ảnh hưởng do những tác động tiêu cực của con người. Đây là ngành đòi hỏi sự kết hợp của nghiên cứu và ỹ thuật, các kiến thức chuyên ngành này gồm có công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh, lý và hóa học.
Có quá ít doanh nghiệp hoạt động trên ngành công nghệ môi trường.
Thực tế, ngành công nghệ môi trường là ngành rất quan trọng với đời sống của con người về lâu dài, vấn đề môi trường cũng là vấn đề nhức nhối và được công chúng quan tâm nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng thị trường lao động dành cho ngành công nghệ môi trường lại không nhiều. Hầu như sinh viên cũng đặt ra câu hỏi: Học ngành này ra mình sẽ đảm nhiệm công việc nào?
Vì vậy, nhiều người tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường thất nghiệp sau khi ra trường và phải cố gắng tìm những công việc trái ngành nghề. Thậm chí, các công ty, doanh nghiệp môi trường cũng không có nhiều để đáp ứng được nhu cầu công ăn việc làm của khối lượng sinh viên ngành môi trường mà chỉ được biết đến như những đơn vị cung ứng dịch vụ tư vấn, xử lý chất thải nhỏ lẻ.
Ngành tâm lý học
Thực tế, xã hội ngày càng phát triển với nhịp sống nhanh chóng khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như stress, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, trầm cảm... Những năm trở lại đây, vấn đề tâm lý học đã bắt đầu được chú trọng nhiều hơn. Đây cũng là ngành học tạo được hứng thú khi nghe qua, nhưng đa phần thí sinh cũng như phụ huynh thường đắn đo và dễ bỏ qua ngành học này vì thiếu thông tin và lo sợ về khả năng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Tính chất công việc của ngành tâm lý học chưa chiếm được niềm tin của khách hàng.
Với yêu cầu là một ngành học mang tính chất lý thuyết khá cao, trong khi lại không có tính đồng nhất hay phương pháp cụ thể, rõ ràng nên ngành tâm lý học có đầu vào điểm chuẩn khá cao. Năm 2021, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM có điểm chuẩn ngành Tâm lý học với các tổ hợp môn B00, C00, D01, D14 dao động từ 25.9 đến 26.6 điểm.
Tuy vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành tâm lý học lại không nhiều. Dù nhiều người gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng ngại mở lòng và cũng không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý nên không có nhiều công việc tâm lý học phù hợp trên thị trường hiện tại. Chưa kể, việc mang nặng tính học thuật khiến càng những người có vấn đề về tâm lý cảm thấy không tin tưởng và ảnh hưởng thị trường việc làm của nghề này.
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/top-5-nganh-nghe-diem-dau-vao-cao-chot-vot-nhung-n...
Tin tức 24h