Phụ huynh lo con nghỉ hè trước, thi sau “rơi” kiến thức: Kỳ quặc!
- Thứ hai - 17/05/2021 12:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sợ quên kiến thức là điều… kỳ quặc!
Ngay sau khi Hà Nội có quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm (từ ngày 15/5) và chờ bài kiểm tra học kỳ II đến khi đi học trở lại, nhiều phụ huynh lại tỏ ra lo lắng, rằng các con sẽ “đánh mất” kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Tuy nhiên, kỳ thi đến sau liệu có thực sự nặng nề đến vậy?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm Hà Nội) - chia sẻ: “Nhiều phụ huynh rất “lạ”, chuyện gì cũng có thể “kêu gào”. Thời điểm dịch bệnh như hiện tại, sau khi nhà trường cho học sinh nghỉ, vì không đi đâu chơi được, các con rất có thể cả ngày chỉ cắm cúi chơi games, lướt web… Vậy thì, lúc này phụ huynh hoàn toàn có thể nhắc các con: “Con hãy học bài đi, bởi vì còn một kỳ thi học kỳ trước mắt”. Điều đó hơn hẳn việc để các con thoải mái chơi, vô lo vô nghĩ. Vì sao các phụ huynh không chịu hiểu rằng, đây cũng sẽ trở thành một “cái cớ” để trẻ tập trung học hành hơn là lao vào các trò chơi vô bổ. Bố mẹ thì bận, các con ở nhà cả ngày chỉ dành toàn bộ thời gian vào tivi, điện thoại…”.
Để học sinh học online lâu hơn, sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt và sức khỏe.
“Nhiều phụ huynh “đòi hỏi” tổ chức kỳ thi online, nhưng không phải môn học nào cũng có thể áp dụng, chẳng hạn như môn Ngữ văn. Điều đó sẽ gây khổ sở cho cả cô và trò.
Có những phụ huynh còn than rằng, bây giờ cho học sinh nghỉ, mấy ngày nữa đi thi thì quên sạch kiến thức. Tôi lại càng lấy làm lạ! Vậy học sinh đi học chỉ để thi thôi sao? Vậy sau này học sinh học hết lớp 12 là quên hoàn toàn kiến thức, hay tốt nghiệp đại học là cũng không còn nhớ gì nữa hay sao? Như vậy thì đi làm việc như thế nào? Nhắc đến vấn đề quên kiến thức là điều kỳ quặc nhất mà tôi từng được nghe.
Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương cho rằng, điều một số phụ huynh lo ngại, học sinh nghỉ hè trước rồi thi sau bị "rơi" kiến thức, là điều kỳ quặc.
Học tập phải nhớ sâu kiến thức, năm học sau phải kế thừa kiến thức của các năm học trước, chứ đâu phải kết thúc một năm học là xong” - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho rằng: “Thi trực tuyến không phải chỉ phụ thuộc vào cơ sở vật chất của nhà trường, mà phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất của phụ huynh trang bị cho mỗi học sinh. Mà học sinh trang bị để học trực tuyến đã khó chứ chưa nói đến thi.
Bên cạnh đó, học sinh cũng chưa thể tự giác 100%, nếu phụ huynh sát sao với con thì không sao, nhưng nếu để các con một mình, sẽ có thể xuất hiện những “chiêu trò”, khó kiểm soát được. Điều này cũng khá phức tạp. Nếu chia nhỏ lớp học, mỗi lượt thi chỉ khoảng 25-30 học sinh, giáo viên vẫn có thể kiểm soát được các con, nếu yêu cầu các con phải bật camera hoàn toàn. Và hình thức này chỉ triển khai được với bài thi trắc nghiệm, còn thi tự luận thì không thể.
Theo Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa, không phải môn nào cũng có thể thi online.
Một số địa phương tính đến phương án cho học sinh làm bài tập, bài luận…, nhưng cũng chỉ áp dụng được với các môn như Công nghệ, Hóa học, Vật lý… còn với Toán và Ngữ văn mà giải tự luận thì rất khó để sắp xếp”.
“Bản thân nhà trường, giáo viên cũng rất mong cho các con thi xong mới nghỉ hè, bởi như hiện nay, sau khi đủ điều kiện quay trở lại trường, chúng tôi cũng phải tổ chức cho các con học trực tiếp để dò lại kiến thức rồi mới thi. Cũng rất vất vả. Nhưng trước tiên, phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn sức khỏe lên hàng đầu, và phải đảm bảo chất lượng của bài thi học kỳ, không thể vội vàng”, bà Hoàng Thị Thu Trinh bày tỏ.
Kết quả năm học này sử dụng khi vào năm học mới
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) bày tỏ: “Trước hết, phải xác định, mục đích của bài kiểm tra học kỳ để làm gì? Một là đánh giá kết quả học tập của học sinh trong năm qua như thế nào, sau đó, xem xét điều kiện để học sinh có thể học lên lớp cao hơn sau một kỳ nghỉ hè. Vậy, giữa bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, phải làm như thế nào? Có thể cho học sinh kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo hoàn cảnh thực tế ở mỗi địa phương.
Nếu chủ trương cho học sinh học tập thoải mái, thì bây giờ đang bước vào giai đoạn có thể cho nghỉ hè, đảm bảo chương trình năm học mà cũng là tạo cơ hội cho mắt của các con được nghỉ ngơi. Học trực tuyến thực tế cũng rất vất vả.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trước tiên, phải xác định mục đích của bài thi học kỳ.
Hơn nữa, đến đầu năm học mới, mới cần sử dụng kết quả của năm học hiện tại, xem học sinh có được lên lớp hay không. Chính vì vậy, theo tôi, việc cho học sinh nghỉ hè luôn rồi tổ chức thi học kỳ sau là hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, đến đầu năm học sau, tổ chức kỳ thi để xác định kết quả cũng được. Như vậy, có thể đánh giá trình độ học sinh ngay trước thềm năm học mới, không sợ một số trường hợp nghỉ hè xong là “rơi rụng” kiến thức nữa. Trong khoảng 2-3 tháng tới đây, học sinh được nghỉ hè, nhưng chính vì chưa tổ chức thi học kỳ, nên càng khuyến khích ý thức tự học, tự ôn tập của học sinh”.
Đối với ý kiến “cho con có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa thì thi xong rồi nghỉ” của một số phụ huynh, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Trong giai đoạn này, học sinh có được nghỉ hè cũng không thể đi chơi, đi du lịch ở đâu như các năm học khác. Vậy nên, hiện tại, dù có nghỉ hè, học sinh vẫn có thời gian ôn tập, bồi dưỡng thêm kiến thức trong hè, để đến giai đoạn sau, có thể làm tốt bài kiểm tra. Trong khi đó, phụ huynh học sinh cũng cần có trách nhiệm, sát sao cùng các con để duy trì việc học thường xuyên”.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/phu-huynh-lo-con-nghi-he-truoc-thi-sau-roi-kien-thuc-ky-quac...