Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu: “Nên mạnh dạn thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn”
- Thứ bảy - 24/09/2016 06:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với PV Dân trí về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho biết, ông ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo TS. Hùng, phương án cho thi trắc nghiệm các môn nhằm đảm bảo tính khách quan, chống gian lận, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,…
TS. Trần Mạnh Hùng nêu thêm quan điểm, ngoài những môn đã được Bộ GD-ĐT cho thi trắc nghiệm như trong phương án, thì Bộ nên xem xét, mạnh dạn cho thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn. “Cấu trúc đề thi của môn Văn giống như môn Ngoại ngữ, khi có một phần trắc nghiệm và một phần tự luận. Trong đó, phần thi trắc nghiệm nghiêng về kiểm tra nội dung kiến thức đã học, còn phần tự luận để phát huy khả năng phân tích, hiểu biết, quan điểm, trí tuệ của thí sinh”, TS. Hùng nêu ý kiến.
Theo TS. Hùng, trong các môn thi thì môn Ngữ Văn việc chấm thi là “cực” nhất. Như môn Toán đã có đáp án sẵn nên không mất quá nhiều thời gian để chấm. Còn ở môn Văn, có nhiều thí sinh có thể làm bài nhiều trang giấy nên chấm thi rất mất thời gian. “Việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngữ Văn nhằm làm giảm bớt thời gian làm bài của thí sinh và việc chấm thi cũng nhanh hơn. Bên cạnh đó, chấm thi nhanh có kết quả sớm cũng là để các trường chủ động hơn trong việc xét tuyển sinh”, T.S Hùng chia sẻ.
Về công tác tổ chức, thanh tra thi, theo TS. Trần Mạnh Hùng, ngoài đoàn thanh tra của Bộ thì Bộ chỉ cần thành lập một Tổ kiểm tra thanh tra ủy quyền (báo cáo trực tiếp với Bộ), có thể trường ĐH này kiểm tra chéo trường kia để nhắc nhở, khuyến cáo trong các khâu chuẩn bị thi… để đỡ mất thời gian cũng như những vấn đề phát sinh khác.
Với công tác coi thi, chấm thi, Bộ nên huy động lực lượng giảng viên ĐH, CĐ của tỉnh nào thì chấm thi tại tỉnh đó. Theo TS. Hùng, hiện nay hầu như tỉnh nào cũng đã có trường Đại học hoặc Cao đẳng, do đó, việc huy động lực lượng tại chỗ để coi và chấm thi cũng góp phần làm giảm chi phí trong việc tổ chức thi.
Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu cho rằng, có lẽ tỉnh nào cũng muốn làm nghiêm trong công tác tổ chức thi, nhưng nếu mở rộng quá nhiều điểm thi thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, phạm vi của mỗi tỉnh không quá rộng, nên đưa hết thí sinh tập trung về trung tâm của tỉnh đó, chứ không nên đưa xuống các huyện sẽ khó kiểm soát, trừ những địa bàn quá đặc biệt như có đảo, miền núi. “Việc tập trung thí sinh về một địa bàn thứ nhất là có không khí thi, thứ hai là tạo sự nghiêm ngặt hơn trong việc coi thi”, TS. Hùng nêu quan điểm.
Trong tháng 10, nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia
Về công tác tuyển sinh, theo TS. Trần Mạnh Hùng, vừa qua, nhiều trường “tốp trên” lấy điểm bằng với ngưỡng của Bộ GD-ĐT đưa ra (như 15 điểm) khiến các trường “tốp dưới” gặp khó, trong đó có nhiều thí sinh ảo. Do đó, để tránh thí sinh ảo, các trường “tốp trên” nên xác định điểm chuẩn từ đầu, ngay thời điểm nộp hồ sơ và phải cao hơn ngưỡng của Bộ.
“Các trường tốp trên đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng của Bộ thế nào là tùy vào mỗi trường, để từ đó thí sinh nào thấy mình phù hợp thì nộp hồ sơ. Còn lấy mức điểm bằng ngưỡng của Bộ thì khi thí sinh nộp hồ sơ, trường lấy từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu, việc thí sinh có điểm chỉ bằng ngưỡng của Bộ mà không trúng tuyển, dẫn đến hồ sơ ảo là khó tránh khỏi”, TS. Hùng chia sẻ quan điểm.
TS. Trần Mạnh Hùng cũng kiến nghị, ngay trong tháng 10, Bộ GD-ĐT nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, kể cả tuyển sinh CĐ, ĐH để các trường cũng như phụ huynh, học sinh chủ động, chứ để gần sát thời gian diễn ra kỳ thi mới cụ thể thông tin thì dễ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các thành phần này.
Huỳnh Hải