Nỗi lo sau lá phiếu "rất tiếc bé không trúng tuyển": Đau đáu câu hỏi gửi con vào đâu?
- Thứ hai - 12/09/2022 11:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nỗi lo sau lá phiếu "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển"
Từ ngôi trường mầm non Hoàng Liệt khang trang đi sâu vào con ngõ nhỏ là căn nhà của bà Nguyễn Thị Khôi (60 tuổi, trú tại ngõ 2, nhà số 63, thôn Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp Luật, bà Khôi cho biết mình là mẹ đẻ của chị Nguyễn Thị Hằng. Khi biết thông tin cháu ngoại mình không trúng tuyển vào trường mầm non Hoàng Liệt, bà cảm thấy rất buồn và lo lắng.
Bà Khôi cho biết, gia đình mình ở trên đất này bao nhiêu đời nay, bất kể thông báo đóng góp gì, gia đình bà và các con cũng tham gia đầy đủ. Đặc biệt, trường mầm non Hoàng Liệt cách nhà ông bà không xa, nếu cháu ngoại được học tập tại ngôi trường này thì hàng ngày ông bà sẽ thay nhau đưa đón cháu, đỡ đần được cho vợ chồng con gái rất nhiều.
Sau khi cháu ngoại "trượt" suất vào trường mầm non Hoàng Liệt, Bà Nguyễn Thị Khôi cho biết hiện gia đình vẫn chưa có phương án nào khác.
Gia đình bà Nguyễn Thị Khôi đã sinh sống tại phường Hoàng Liệt từ nhiều thế hệ.
Bản thân ông bà trước làm ruộng, không có lương hưu, kinh tế của gia đình con gái cũng không dư giả là mấy, chỉ nghĩ tới việc không có tiền cho cháu đi học khiến bà Khôi không cầm được nước mắt. Gia đình cũng đã nghĩ tới phương án cho cháu ở nhà thêm một năm nữa với ông bà, đợi sang năm cháu 5 tuổi sẽ đang ký học trường mầm non Hoàng Liệt dù biết phương án này cũng không phải là tốt.
“Học trường tư thì bố mẹ cháu không có tiền, còn nếu ở nhà thì cháu sẽ rất thiệt thòi, vì ông bà ở nhà cũng chỉ biết trông nom, chăm sóc và cho chơi loanh quanh trong nhà, do vậy không thể tiếp thu được nhiều kiến thức bằng các bạn được đi học”, bà Khôi lo lắng.
Cùng chung tâm trạng hoang mang, chị Nguyễn Thu Hằng (32 tuổi, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết bản thân đã "mất ăn, mất ngủ" trước ngày bốc thăm cho con. Với tỷ lệ “chọi” cao (80 cháu đăng ký chỉ lấy 20 cháu) khiến vợ chồng chị càng lo lắng. Do thiếu một chút may mắn, chị Hằng đã không bốc thăm trúng cho con vào học trường công. Việc này càng khiến anh chị đau đầu hơn vì không biết nên cho con nghỉ ở nhà thêm một năm hay đi học trường tư; vì học trường tư, với thu nhập hiện tại của hai vợ chồng thì là cả một vấn đề cần suy nghĩ.
“Vợ chồng mình đều là nhân viên bán hàng, lương tháng được khoảng 6 triệu/1 người; với mức thu nhập đó để trang trải chi phí sinh hoạt, lo cho 2 con ăn học đã đau đầu, nếu đăng ký cho con học trường tư nữa thì thật sự hai vợ chồng mình không biết có gồng gánh được không”, chị Hằng lo lắng cho hay.
Tương tự, chị Ngô Thị Liên (toà HH1C Linh Đàm) cho biết, suốt thời gian nhận được giấy mời tham gia cuộc bốc thăm giành suất học cho con, chị luôn trong trạng thái hồi hộp, lo âu.
Chị Liên tham dự phiên bốc thăm buổi sáng 27/8, cho lứa 3 tuổi đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. Hôm đó, chị dậy sớm thử vận may, tuy nhiên cuối cùng chị không được may mắn như nhiều phụ huynh khác khi không thể bốc thăm được suất học cho con vào trường công.
"Thực sự, tôi rất tiếc và buồn khi chưa được may mắn khi bốc thăm cho con, nhưng vì xác định ngay từ ban đầu là 50-50 rồi nên tôi cũng không bất ngờ lắm", chị Liên cho hay.
Cũng theo chị Liên, không may mắn bốc thăm được cho con giành suất vào trường công chị cũng có chút áp lực khi mà phải đi gửi con ở trường tư tốn kém, trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép. Nhiều gia đình khá giả nhưng cũng có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, không phải nhà nào cũng có thể cho con đi gửi trường tư.
Sau khi cũng tham khảo nhiều nơi, thật may mắn, sau buổi bốc thăm chị xin được cho con vào học trường công lập trái tuyến.
"Con được học trường công thì áp lực chi phí cũng nhẹ đi phần nào, nhưng vì trái tuyến nên việc đưa đón cực kì bất tiện khi mà đứa lớn học một nơi, đứa nhỏ học một nơi", chị Liên nói.
Còn chị Phạm Thị Thuỷ (toà HH1B Linh Đàm) cho biết, phương án bốc thăm là hợp lý trong thời điểm này vì hồ sơ tuyển sinh vượt quá số hồ sơ nhận thì cách bốc thăm là khá bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người.
Tuy bốc thăm trượt cho con nhưng chị Phạm lại khá thoải mái vì 2 bạn nhỏ nhà chị học trường tư từ sớm nên kết quả bốc thăm thế nào chị cũng vẫn vui vẻ.
"Trong vấn đề may rủi tôi thường không may mắn lắm nên dù biết con không trúng tuyển trường công tôi vẫn vui vẻ", chị Thủy nói.
Cần xem xét lại công tác quy hoạch, phát triển giáo dục
Trước sự việc trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, bên cạnh quyền sống thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, đặc biệt là trẻ em.
Bởi vậy đồng thời với việc ghi nhận quyền học tập của trẻ em thì nhà nước, mà cụ thể là chính quyền mỗi địa phương cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ em được thực hiện quyền của mình là quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục.
TS, Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay, từ hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật chuyên ngành thì đều quy định quyền và nghĩa vụ học tập của mọi công dân, đặc biệt công dân là trẻ em thì việc học tập là quyền cơ bản và trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng là phải thực hiện mọi biện pháp, khả năng có thể để đảm bảo tốt nhất quyền học tập của trẻ em, trẻ em được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục.
Để xảy ra tình trạng nhiều địa phương quá tải ở một số điểm trường dẫn đến khó khăn cho phụ huynh và nguy cơ phát sinh tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng, tiếp nhận học sinh đến trường.
Do vậy, quan điểm của Luật sư Cường cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục ở địa phương khi để xảy ra tình trạng thiếu trường lớp. Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, sự phát triển giáo dục, quy hoạch giáo dục phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mật độ dân cư và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.
“Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non ở Hoàng Mai, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau, đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương. Có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em và có tính toán khoa học, hợp lý là những yếu tố quan trọng để phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay”, Luật sư Cường phát biểu.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-lo-sau-la-phieu-rat-tiec-be-khong-trung...
Tin tức 24h