Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nhóm nhà khoa học trẻ lập “phòng thí nghiệm ảo” cho hàng triệu học sinh

Nhóm nhà khoa học trẻ lập “phòng thí nghiệm ảo” cho hàng triệu học sinh
Không cần phòng thí nghiệm, hóa chất hay dụng cụ, các bạn học sinh chỉ cần một máy tính kết nối internet đã có thể tự tay rót dung dịch, thay đổi liều lượng và thu kết quả thí nghiệm trực quan sinh động chỉ với vài cú click chuột tại “Open Classroom”.

Phòng thí nghiệm trực quan, tương tác trên mạng

Vượt qua hơn 300 công trình khác, công trình “Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom” đã xuất sắc trở thành 1 trong 3 công trình đạt giải cao nhất giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục” năm 2017 do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức. Công trình này do nhóm tác giả Nguyễn Hữu Hải và Phạm Thành Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đồng sáng lập. Nhóm tác giả trẻ cũng chiến thắng giải thưởng Ấn tượng và nhận phần thưởng tiền mặt 100 triệu đồng.

Open Classroom được hội đồng giám khảo là các chuyên gia từ Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN đánh giá cao về tính sáng tạo, công phu, khả năng ứng dụng rộng rãi phục vụ giảng dạy, học tập.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hải – đồng sáng lập Open Classroom giao lưu trong Lễ trao giải “Tri thức trẻ vì Giáo dục” tối ngày 9/11 tại Hà Nội.

Nói về động lực xây dựng phòng thí nghiệm ảo, anh Nguyễn Hữu Hải - người đồng sáng lập công trình cho biết, một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt, chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.

Do vậy, những nghiên cứu viên đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận thấy cần có sự đổi mới về phương pháp và nội dung, tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, để xây dựng một môi trường học tập có tính sáng tạo, hiệu quả và phù hợp cho bậc học phổ thông ở Việt Nam.

Với phương châm đó, hai nhà khoa học trẻ Nguyễn Hữu Hãi và Phạm Thành Nam đã trao đổi ý tưởng, cùng nhau phát triển một nền tảng hỗ trợ dạy và học hoàn toàn mới có tên gọi “Open Classroom”.

Khác với hầu hết những môi trường cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến hiện nay (các bài giảng tài liệu, clip, slide), phòng thí nghiệm ảo cho phép người dùng học tập thông qua tương tác chứ không chỉ cung cấp thông tin một chiều.

Chỉ cần truy cập vào website của Open Classroom, một học sinh hoàn toàn có thể làm các thí nghiệm tương tự mọi lúc, mọi nơi như tại phòng thí nghiệm ở trường học. Chọn hóa chất, thay đổi liều lượng và quan sát kết quả thu được.

Phòng thí nghiệm ảo trực quan, tương tác Open Classroom

“Khác với các hệ thống giáo dục trực tuyến hiện có, Open Classroom tập trung vào yếu tố thực hành và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đảm bảo học đi đôi với hành. Mỗi bài học là một khám phá, mỗi khóa học là một hành trình, mỗi thí nghiệm là một trò chơi sáng tạo. Thông qua học tập tương tác, học sinh có cảm hứng học tập, dễ dàng nắm bắt nội dung bài học và khám phá tri thức mới. Về nguồn nội dung”, anh Phạm Thành Nam - đồng sáng lập cho biết.

Sử dụng nhiều công nghệ mới nhất

Từng có thời gian học tập, tham khảo kinh nghiệm tại nước ngoài, hai nhà khoa học trẻ xây dựng phòng thí nghiệm ảo Open Classroom bằng việc khai thác kho tàng tri thức từ các nền giáo dục hàng đầu thế giới và các tổ chức khoa học quốc tế có uy tín. Qua đó, mang đến một môi trường dạy và học chất lượng tiên tiến, tiếp cận với nền giáo dục của các quốc gia phát triển (châu Âu và Mỹ).

Open Classroom hỗ trợ tất cả các trình độ từ lớp 1 đến lớp 12 với hầu hết các môn học: toán học - khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ (STEM), khoa học xã hội, ngoại ngữ, nghệ thuật, kỹ năng sống và bao gồm nhiều vấn đề thiết thực như: giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...

Ngoài ra, phòng thí nghiệm ảo này cung cấp các công cụ giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các bài học và chia sẻ kiến thức, giúp phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em và giúp các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách.

Anh Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh, môi trường thực hành rất quan trọng để học sinh phát triển kỹ năng, tuy nhiên thực tế ở không ít các trường học hiện nay, nhà trường và giáo viên chưa cung cấp đủ môi trường cho học sinh thực hành, thí nghiệm. Do đó, công trình của nhóm hướng đến việc cung cấp nền tảng hỗ trợ giáo dục truyền thống. Bắt đầu nghiên cứu cách đây gần 2 năm, đến nay nhóm đã gây dựng khối lượng dữ liệu khổng lồ gồm hàng nghìn bài học, hàng nghìn thí nghiệm đa dạng phong phú đáp ứng yêu cầu cho hàng triệu học sinh, giáo viên.

Open Classroom sử dụng nhiều công nghệ mới nhất hiện nay như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tại ảo, điện toán đám mây và áp dụng các tiêu chuẩn kết nối hiện đại.

“Đặc biệt, chúng tôi giữ độc quyền công nghệ siêu máy tính nano, duy nhất trên thế giới, được sử dụng rất hiệu quả cho máy giải toán tự động. Open Classroom không phải là một ứng dụng đơn thuần, mà là một nền tảng cho phép phát triển các ứng dụng giáo dục trên nó (mỗi thí nghiệm hoặc bài học tương tác là một ứng dụng)”, anh Hải chia sẻ.

Giây phút được vinh danh.

Học sinh có thể sử dụng Open Classroom trên nhiều thiết bị khác nhau, trên tất cả các hệ điều hành và trình duyệt phổ biến. Open Classroom cũng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, ba ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha) và hỗ trợ các ngôn ngữ viết.

Để đạt thành quả hôm nay, nhóm nghiên cứu đã “ăn, ngủ” cùng sản phẩm và cùng vượt nhiều khó khăn. Có thể kể đến là quá trình khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế/ thực trạng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông Việt Nam, nghiên cứu mô hình tiên tiến thế giới, các công nghệ mới nhất…

Đội ngũ các tri thức trẻ sáng tạo miệt mài xây dựng phòng thí nghiệm ảo Openclassroomm phục vụ giáo dục.

Niềm hạnh phúc của nhóm tác giả trẻ không chỉ là giải thưởng mà còn là phản hồi rất tích cực từ phía học sinh, giáo viên, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và các phụ huynh.

Ra mắt công trình từ tháng 10/10/2017, nhóm dự định tiếp tục cung cấp nền tảng giáo dục miễn phí, tiếp nhận phản hồi và phát triển thêm nhiều tính năng mới cho sản phẩm. Nhóm hi vọng nhận được sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, các ban ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân để có thể triển khai sâu rộng công trình phục vụ cho ngành giáo dục, đặc biệt là hơn 22 triệu học sinh Việt Nam.

Lệ Thu

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây