Ngành học HOT ở Việt Nam: Luôn "khát" nhân sự những năm tới, ra trường đi đâu cũng được săn đón
- Thứ tư - 27/07/2022 13:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu. Sự phát triển vượt bậc của Internet, kỹ thuật số và các ứng dụng như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy… là không thể phủ nhận. Chưa kể, tiềm năng của công nghệ 4.0 là vô hạn và con người mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ sức mạnh của chúng.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ số là áp lực về sự lộng hành của tin tặc và khủng bố mạng. Trong khi hành lang pháp lý chưa kịp thay đổi phù hợp với thời đại, Việt Nam đã có đến hơn 60 triệu người dùng Facebook - xếp thứ 7 trên toàn thế giới. Tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ dưới dạng virus, mã độc, vũ khí mạng...
An ninh mạng đang là vấn đề nhức nhối trong bối cảnh hiện nay.
Tuy vậy, các ngành nghề liên quan đến an ninh mạng ở nước ta lại chưa thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Không chỉ ở Việt Nam, các vị trí công việc bảo vệ an ninh mạng trên toàn thế giới chưa được “lấp đầy” ước tính lên đến hàng triệu, do sự khan hiếm nhân lực có trình độ đạt yêu cầu.
Điều này chứng minh an ninh mạng là lĩnh vực đang được săn đón, vô vàn tiềm năng phát triển trong tương lai và thu nhập cao. Trong khi đó lại chưa có nhiều người biết đến ngành nghề cực kỳ triển vọng này trên thực tế.
An ninh mạng là hoạt động bảo vệ máy tính, máy chủ, thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công nguy hiểm. Nó còn được gọi là bảo mật công nghệ thông tin hoặc an toàn thông tin điện tử. Kỹ sư an ninh mạng là người bảo vệ mạng máy tính khỏi những kẻ xâm nhập, bao gồm những kẻ tấn công có chủ đích hay phần mềm độc hại, bảo vệ tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu, thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng như lưu trữ, chuyển tiếp, vận dụng.
Khi tin tặc ngày càng nhiều, vấn đề bảo mật được coi trọng hơn bao giờ hết.
Việc bảo vệ các dữ liệu, thông tin cá nhân khi sử dụng các ứng dụng, website là vô cùng quan trọng và vấn đề ưu tiên hàng đầu của các user (người sử dụng). Chính vì vậy, có thể nói kỹ sư an ninh mạng là vị trí không thể thiếu ở bất kỳ công ty công nghệ nào. Kỹ sư an ninh mạng (IT Security Senior Executive - Automobiles) là người giám sát mạng máy tính về các vấn đề bảo mật, điều tra các vi phạm bảo mật và các sự cố an ninh mạng khác, cài đặt các biện pháp bảo mật và vận hành phần mềm để bảo vệ hệ thống và cơ sở hạ tầng thông tin, sửa các lỗ hổng đã phát hiện để duy trì tiêu chuẩn bảo mật cao, thực hiện thử nghiệm thâm nhập, nghiên cứu các cải tiến về bảo mật…
Khi tuyển dụng vị trí này, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đưa ra những yêu cầu cơ bản như: Ứng viên tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kỹ sư Máy tính hoặc các ngành IT, có các chứng chỉ như CCNP, MCSE, CISM, am hiểu về các khái niệm tường lửa, proxy, SIEM, Antivirus và IDPS… Khi được tuyển vào làm ở bộ phận an ninh mạng, các kỹ sư có thể đảm nhiệm các vai trò như chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu, an ninh mạng, chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, kỹ sư phân tích an ninh mạng, chuyên viên quản trị hệ thống, kỹ sư bảo mật, chuyên viên phản hồi sự cố, lập trình viên phát triển phần mềm bảo mật…
Với nhu cầu bảo mật ngày càng cao, an ninh mạng đã không chỉ còn là vấn đề riêng của các công ty công nghệ thông tin mà các lĩnh vực khác như ngân hàng, giáo dục, dịch vụ online, thương mại điện tử, khách sạn, hàng không, quốc phòng, y tế... cũng đều cần tuyển dụng vị trí này để đảm bảo vận hành tổ chức. Các công ty và tổ chức cần phải không ngừng nỗ lực để tự bảo vệ mình bằng các biện pháp an ninh mạng hiệu quả.
Kỹ sư an ninh mạng đang là ngành nghề hot vì tính cấp thiết của nó với xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực của ngành này còn đang rất thấp. Vậy nên, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành an ninh mạng sẽ tìm được cơ hội việc làm ở rất nhiều lĩnh vực và vị trí khác nhau cùng mức thu nhập hấp dẫn.
Theo khảo sát, các vị trí Kỹ sư an ninh mạng (IT Security Senior Executive - Automobiles) được đề nghị mức lương cơ bản từ 11 - 15 triệu/tháng không yêu cầu kinh nghiệm. Con số này sẽ tăng lên tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của các kỹ sư. Nếu đã có trên 5 năm kinh nghiệm và ứng tuyển vào vị trí Giám đốc phòng an ninh mạng tại một doanh nghiệp, mức lương có thể dao động từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng/tháng.
Ở Việt Nam, các trường đại học đã và đang không ngừng hoàn thiện chương trình giảng dạy chuyên ngành an ninh mạng để chất lượng giảng dạy tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Những trường có chương trình chuyên đào tạo ngành an ninh mạng tại nước ta phải kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc Gia TP. HCM…
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nganh-hoc-hot-o-viet-nam-luon-khat-nhan-su-nhung-n...
Tin tức 24h