Nặng trĩu nỗi lo năm học mới
- Thứ bảy - 03/09/2016 18:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), tiền quỹ lớp năm học 2016-2017 bất ngờ tăng lên 1 triệu đồng/học sinh/năm, gấp đôi so với năm học trước.
Đóng trước tiền ngày nhà giáo
Nghe cô giáo thông báo mà bà N.T.N, có con đang học lớp 12, hoảng hốt. “Gia đình khá giả thì có thể không sao nhưng với gia đình thuần nông như nhà tôi thì phải tằn tiện lắm mới đủ tiền đóng. Đó là chưa kể bao nhiêu khoản tiền khác nữa. Giờ nhà trường đã yêu cầu thì chúng tôi phải chấp hành thôi” - phụ huynh này chia sẻ.
Đầu năm học mới, các khoản thu đang là gánh nặng của phụ huynh. Ảnh: ĐÌNH THI
Cùng chung hoàn cảnh, ông T.H.C, có con đang học lớp 11, cho biết dù thấy mức thu quỹ lớp như vậy quá cao nhưng ông chỉ muốn con mình học tốt, được thầy cô quan tâm nên giáo viên đã thông báo thì dù muốn hay không cũng phải đóng. Khi họp phụ huynh, giáo viên cũng thông báo quỹ lớp dùng để chi tiêu các hoạt động chung, nếu cuối năm còn dư sẽ tổ chức cho học sinh đi dã ngoại hoặc liên hoan.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Diêu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết tiền quỹ lớp để chi tiêu các khoản như: photocopy đề thi, tài liệu, giấy kiểm tra cho học sinh; lau dọn nhà vệ sinh; khen thưởng; quà cho giáo viên 20-11… Tuy nhiên, tùy tình hình của mỗi lớp mà thu số tiền khác nhau, có lớp tiền quỹ chỉ vài trăm ngàn đồng. Theo cô Diêu, nếu những khoản chi tiêu này để cho học sinh tự túc thì số tiền lớn hơn rất nhiều.
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai khẳng định các trường không được phép thu ngoài quy định. Khi phóng viên nêu một số khoản trong quỹ lớp như tiền quà cho giáo viên ngày 20-11, tiền hiếu hỉ..., lãnh đạo này cho biết sẽ kiểm tra lại bởi các khoản này ngoài quy định, cần phải loại bỏ.
Thay đổi xoành xoạch
Tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chị Trần Thị Thanh Lan gượng cười nhìn con gái xúng xính ướm thử đồng phục lớp 1. Chị có 2 con đang học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và lớp 1 Trường Tiểu học Thăng Long. Riêng 1 bộ đồng phục và sách vở đã tốn cả triệu đồng. Vừa đi họp phụ huynh cho con nhỏ về, chị Lan cứ băn khoăn không hiểu sao mọi năm, tiền BHYT chỉ gần 400.000 đồng, năm nay tăng lên 544.000 đồng mà cô giáo không nói lý do.
“Cháu lớn học lớp 6 chưa được mời họp. Không biết còn khoản thu nào nữa. Vợ chồng tôi chịu khó thay phiên nhau đưa đón các con về nhà ăn cơm trưa để đỡ tốn thêm khoản bán trú” - chị Lan nói.
Chị Nga cũng có con đang học Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi kể rằng mỗi năm, các con chị phải góp tiền mua đồng phục học sinh gồm: đồ cộc, đồ dài, đồ thể dục, đồ mùa đông. Đồ của chị vẫn mới mà em không dùng lại được vì quần áo năm sau mẫu mã lại khác so với năm trước. Bố mẹ tiếc tiền nhưng không mua cho con thì không được. Chưa hết, tùy theo từng trường, năm nay lại thay đổi bìa vở, hộp đựng bút, mua lượng lớn bút chì… mà giá tiền mỗi món cũng không hề rẻ.
“Sao ngành giáo dục thay đổi nhiều quá, không áp dụng như thời xưa để các cháu lớp sau dùng lại sách vở của lớp trước!” - một phụ huynh ở TP Bảo Lộc thắc mắc.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc, cho hay các khoản thu đang là gánh nặng của phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, BHYT bắt buộc phải đóng vì theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, tại các xã Đại Lào, Lộc Châu và cả phường Lộc Tiến… của TP Bảo Lộc, việc thu tiền phí BHYT đạt mức rất thấp. Có nhiều trường đưa vào mục tiêu thi đua của năm nhưng cũng chưa tới 70%.
“Chúng tôi đang vận động hỗ trợ các em thuộc diện nghèo, khó khăn và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện tối đa cho con em tới trường, tránh bỏ học giữa chừng” - bà Hương nhấn mạnh.
Dừng cấp sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số Ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ của trung ương, những năm học qua, tỉnh Đắk Lắk có thêm chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm động viên, khuyến khích các em đến trường. Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách khó khăn, năm học 2016-2017, tỉnh tạm dừng chính sách này khiến nhiều trường vùng sâu, vùng xa có nhiều học sinh chưa đủ sách vở, đồ dùng học tập. Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, mặc dù chính sách đặc thù của địa phương không còn nhưng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 có hiệu lực. Theo đó, nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế với mức 100.000 đồng/tháng/học sinh để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Dự kiến, toàn tỉnh có 42.000 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86, với kinh phí khoảng 17-18 tỉ đồng. |