Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


“Không nên đưa tiếng Nga hay tiếng Trung làm ngoại ngữ bắt buộc”

“Không nên đưa tiếng Nga hay tiếng Trung làm ngoại ngữ bắt buộc”
Đó là quan điểm của thầy Nguyễn Quốc Hùng trước thông tin đưa tiếng Nga và Tiếng Trung vào giảng dạy vào diện ngoại ngữ thứ nhất có tính bắt buộc từ năm 2017.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng. (Ảnh: Thanh Hùng).

Là người nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, theo ông nên xác định trọng dạy ngoại ngữ hiện nay là gì?

Tôi cho rằng vẫn nên đặt trọng tâm là phổ cập tiếng Anh qua hệ thống giáo dục phổ thông như chúng ta đã làm khoảng 30 năm nay. Nhìn tổng thể, chưa có thứ tiếng nào khác quan trọng hơn và có nhu cầu cao hơn, đặc biệt là nhu cầu là công cụ giúp chúng ta hội nhập dễ dàng hơn.

Còn các ngoại ngữ khác, chúng ta cũng cần phát triển, nhưng chỉ nên chú trọng đầu tư cho những khu vực, đối tượng có nhu cầu lớn. Ví dụ Trường Đại học Hà Nội từ nhiều năm nay có rất nhiều khoa ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Ý, Tây Ban Nha,… hàng năm mỗi khoa vẫn có hàng trăm người học. Hoặc những trường đào tạo y, bác sĩ Đông Y,... nên quy định học tiếng Trung,…

Theo ông có nên chọn tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất (bắt buộc) còn các thứ tiếng khác là ngoại ngữ thứ hai?

Nếu thêm một vài ngoại ngữ khác vào trường phổ thông, và quy định tiếng Anh là bắt buộc, còn các thứ tiếng khác là tự chọn thì đương nhiên học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc.

Nhìn lại trong 30 vừa qua, chúng ta chỉ phát triển một ngoại ngữ và học sinh cũng chỉ học một ngoại ngữ vậy mà kết quả cho đến nay vẫn rất thấp. Thậm chí, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua có có tới 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Như vậy trong giai đoạn hiện nay, nếu bắt buộc học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc thì sẽ là gánh nặng đè lên vai học sinh và phụ huynh.

Tôi thiết nghĩ đến hai hướng: Một là chỉ có một ngoại ngữ là tiếng Anh và học sinh bắt buộc phải học ngoại ngữ này, như hiện nay.

Hai là, mỗi trường phổ thông đều dạy một số ngoại ngữ, ví dụ Anh, Pháp, Nga, Trung hoặc Anh, Pháp, Nhật,.... và học sinh được tự chọn ngoại ngữ mình ưa thích, không có ngoại ngữ nào là bắt buộc.

Điều bắt buộc duy nhất chỉ là phải học một ngoại ngữ.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng tiếng Nga hiện nay rất ít. Có khảo sát từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam từ năm 2001 cho thấy chỉ có 0,3% học sinh chọn học tiếng Nga. Vậy đặt ra mục tiêu là ngoại ngữ bắt buộc thì ai sẽ tự nguyện học thì có khả thi?

Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt tiếng Nga hay tiếng Trung,... là ngoại ngữ bắt buộc. Bởi thực sự nhu cầu xã hội cũng không nhiều tới mức để bắt buộc toàn bộ học sinh, sinh viên phải học.

Có ý kiến cho rằng nên linh hoạt trong việc dạy học ngoại ngữ như không nhất thiết buộc học sinh theo học các lớp tiếng Anh của Đề án. Thay vào đó người học có thể được gia đình đầu tư học ở ngoài và chỉ cần cuối cấp học, các em đạt được các tiêu chí yêu cầu đầu ra. Liệu có nên xem xét điều này, thưa ông?

Đây là vấn đề rất lớn, tôi chỉ xin phát biểu ý kiến cá nhân. Ở một số nước tiên tiến có thể làm như vậy, nhưng nhìn lại nước ta, với điều kiện kinh tế chung còn thấp, điều kiện sống của các vùng miền còn khó khăn. Có nơi quá khó khăn, năng lực dịch vụ giáo dục còn sơ đẳng. Cùng đó, các cơ sở đào tạo tiếng Anh ngoài nhà trường, các trung tâm dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn,... Vậy liệu có bao nhiêu người làm được việc đó. Chưa kể, nếu không quản lý tốt, không đấu tranh được với hiện tượng tiêu cực như mua bán chứng chỉ thì cuối cùng con em chúng ta liệu có biết tiếng Anh không, hay chỉ giỏi tiếng Anh…trên giấy tờ.

Đấy là chưa kể muốn làm được phải xây dựng được một cơ chế chặt chẽ: Ai công nhận chứng chỉ, Bộ hay Sở, hay trường? Đơn vị nào được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ? Ban bố quy định chương trình đào tạo cho các đơn vị đào tạo,… Như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho người học trên mọi miền đất nước.

Về việc học ngoại ngữ tự chọn, theo ông, cần có cách nào để đảm bảo được rằng các học sinh chọn ngoại ngữ 2 là theo nhu cầu tự nguyện chứ không phải bắt buộc?

Một khi các nhà trường thực sự dạy nhiều thứ tiếng, học sinh sẽ đăng ký môn học theo nguyện vọng của mình. Tôi nghĩ không có quy định nào mang tính bắt buộc được.

Ông có góp ý gì cho việc dạy tiếng Anh trong thời gian tới có hiệu quả?

Nhìn vào kết quả dạy-học thấp, chúng ta cần một cuộc điều tra tổng thể có tính chất quốc gia để xác định những yêu tố gây ra tình trạng đáng buồn này.

Cá nhân tôi nhìn thấy một số nguyên nhân rõ ràng. Đầu tiên là sự lựa chọn giáo trình cho học sinh học chưa chính xác, vượt khả năng tiếp thu của học sinh. Không kể các trường công học theo giáo trình của Bộ, các trường khác đặc biệt là các trường tư, mỗi trường chọn một giáo trình theo ý mình. Vấn đề ở chỗ là sự lựa chọn có thể không thích hợp với trình độ học sinh như quá khó vì chủ đề khó và xa lạ; quá nhiều từ vựng, nặng ngữ pháp. Rồi nhiều điểm không thích hợp với Việt Nam kể cả tiêu điểm văn hóa hay nhiều loại hình bài tập không thích hợp, như giáo trình tiếng Anh chọn cho lớp 1 mà có đủ cả các bài tập nghe, nói, đọc, viết trong khi học sinh chưa biết đọc, biết viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Với quyết định công nhận 44 tiêu chí đánh giá giáo trình tiếng Anh vào cuối năm 2015 của Bộ GD-ĐT cũng là cơ sở để chúng ta làm cơ sở.

Việc thứ hai cần xem lại là trình độ giáo viên. Theo các khảo sát của Đề án 2020, trình độ giáo viên còn thấp, đặc biệt trong khu vực tiểu học. Trong vài ba năm nay với quy định trình độ chuẩn cho giáo viên một số bộ phận giáo viên đã khởi sắc hơn. Do đó, cần tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên theo sáu bậc năng lực và bồi dưỡng nhiều hơn về phương pháp giảng dạy, đặc biệt phương pháp dạy trẻ học ngoại ngữ.

Cuối cùng cần giải quyết những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vốn còn nhiều. Chưa ai khảo sát, thống kê những hiện tượng ấy ở các cấp, nhưng trên thực tế ai cũng biết là có. Những hiện tượng này rõ ràng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dạy-học.

Xin cảm ơn ông!

Theo VNN

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây