Khơi gợi tính ham đọc sách ở con trẻ
- Thứ bảy - 08/10/2016 20:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi vẫn nhớ thời mình đi học, sách báo còn hiếm nên ai cũng nâng niu, trân trọng. Nhiều cuốn sách đã cũ, bìa xộc xệch vẫn được mọi người giữ gìn, cho nhau mượn sách báo để đọc rồi cùng nhau bàn luận.
Đã qua lâu rồi cái thời ai cũng yêu sách báo, giờ mọi người chỉ cảm thấy phấn khích khi đổi đời điện thoại, Ipad xịn, đi ăn uống nhậu nhẹt, chém gió chứ mấy ai chịu "ngồi thiền" mà đọc sách. Chúng ta cũng không thể có cái nhìn khắt khe với lớp trẻ hiện giờ khi các em thờ ơ với văn hóa đọc. Người lớn chúng ta mải miết với mạng xã hội, với đủ thứ clip giật gân, say sưa quên ăn quên ngủ với đủ trò game thì làm gì có thời gian "vận động" con đọc sách. Ai cũng có lý do bao biện rằng mình đã quá mệt mỏi với công việc kiếm cơm hàng ngày, thời gian rỗi còn lại phải làm những thứ mình thích nhất. Phụ huynh nhiều người thương con suốt ngày phải cắm đầu vào sách vở ở trường nên khi con về đến nhà, con cứ việc dùng máy tính, điện thoại thả ga.
Sách vở ở trường đã quá nặng nề, không ai muốn mình là con mọt sách mà mọi người muốn sử dụng quỹ thời gian còn lại để vui chơi, mua sắm, ăn uống giao lưu cùng người thân, bè bạn. Vì vậy đọc sách đã trở thành thú vui tao nhã của người già, người về hưu hoặc những ai thực sự rảnh rỗi chứ người trẻ thì ngại đọc sách lắm. Bệnh lười đọc này không thể đổ thừa cho việc học hành quá bận rộn. Tôi thấy nhiều em có thể lướt mạng, chơi game tối ngày không biết mệt nhưng cầm sách lên đọc vài trang là ngủ gật. Nhiều em thấy sách quá tẻ nhạt, không bì nổi với những trò chơi hấp dẫn trên mạng. Thà sống ảo, tung tẩy trên facebook còn hơn là ôm sách đọc. Thời này chắc hiếm có bạn trẻ nào ngồi nghiền sách thâu đêm như thế hệ 7X, 8X chúng tôi, không đọc hết cuốn sách là bứt rứt khó ngủ.
Thói quen đọc sách báo của mọi người sau mấy chục năm đã thay đổi. Phương tiện giải trí quá nhiều, mở ti vi kênh nào, khung giờ nào cũng sẵn sàng có phim truyện, game show hấp dẫn. Đa số mọi người đều dùng điện thoại thông minh có thể lướt mạng bất cứ lúc nào mình thích. Nhiều người nói tôi đọc tin tức trên điện thoại đủ mệt rồi còn đọc sách làm gì nữa.
Phải là những người thực sự yêu sách mới có thể dành quỹ thời gian hàng ngày để đọc sách. Tôi là người ham mạng như bất kì bạn trẻ nào, thôi thì cùng lúc mở mấy trang tin đọc triền miên và nhớ vài cái tít giật gân, rồi hăng say chém gió trên mạng xã hội. Tôi cũng mê sách, mỗi dịp đi nhà sách là tiện tay khuân dăm bảy cuốn về đọc dần. Ấy thế mà nhiều cuốn vẫn cứ mới tinh vì tôi còn bận lên mạng hóng tin giật gân, hễ vào mạng là say sưa hết cả buổi. Mình còn ham thế, trách gì được con khi chúng cứ hết giờ học là năn nỉ ỉ ôi bố mẹ cho chơi máy tính, chơi điện thoại.
Bây giờ chính tôi cũng phải hô khẩu hiệu đọc sách, mình quyết tâm dẹp máy tính sang một bên, chuyên tâm đọc hết một quyển sách mình thích, mình từng ao ước khi chưa có, tại sao mua về rồi lại không đọc. Bớt đi ham hố “chém gió” trên facebook mà để thời gian đó ngó nghiêng sách vở cùng con, rồi cùng con đọc truyện thiếu nhi, dạy con cách miêu tả thiên nhiên, các con thú nuôi gần gũi xung quanh. Khi tôi cùng đọc truyện cổ tích với con, đố con truyện này kể về nhân vật nào, kết thúc ra sao để khơi gợi trí tò mò, ham đọc của con. Thói quen đọc báo giấy cũng được tôi duy trì khá nhiều năm nay, con thấy mẹ cứ rảnh việc nhà là ôm báo đọc say sưa nên cũng nhiễm được tính ham đọc. Cứ có chuyện gì hay trên báo hay những chi tiết hấp dẫn trong sách là tôi lại bàn luận cùng chồng con. Có lẽ cách giản đơn này, ai cũng có thể áp dụng được nếu muốn con trẻ ham đọc sách.
Nhiều khi tôi phải áp dụng nhiều chiêu dụ dỗ con đọc sách cùng mẹ, ngoài bộ truyện tranh Đô rê mon mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mê mẩn thì tôi còn mua cho con sách văn học thiếu nhi để con có thêm vốn từ cần thiết cho môn học tiếng Việt ở cấp tiểu học. Đọc sách giúp trẻ con có trí tưởng tượng bay bổng, có sự đồng cảm từ những trang sách nhân văn khiến con sống nhân hậu, biết giúp đỡ bạn bè, người thân trong gia đình. Đó là những lợi ích thiết thực mà những cuốn sách mang lại.
Đọc nhiều sách báo khác nhau cho tôi thêm nhiều vốn sống, vốn hiểu biết từ những việc nhỏ nhất như nấu ăn, chăm sóc trẻ, hiểu tâm lý các con, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Những cuốn sách văn học nghệ thuật còn mang đến cho tôi tình yêu cuộc sống, biết vươn lên trước khó khăn bề bộn đời thường...
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!