Học nghề phổ thông để cộng điểm xét tốt nghiệp: Liệu có còn cần thiết?
- Thứ ba - 04/10/2016 18:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những năm trước đây, học sinh các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 muốn được tốt nghiệp đều trải qua kỳ thi do Sở GD&ĐT của các địa phương và Bộ GD&ĐT tổ chức gồm 6 môn học. Ngoài các môn bắt buộc thì các môn tự chọn có thể thay đổi từng năm. Các kỳ thi tốt nghiệp thường rất nghiêm túc nên học sinh rất sợ rớt. Buộc lòng các em phải đi học nghề để được cộng điểm nhằm phục vụ nhu cầu xét tốt nghiệp THCS và THPT.
Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Còn những năm gần đây việc xét tốt nghiệp với các lớp cuối cấp đã không còn căng thẳng như trước nữa nhất là đối với học sinh lớp 9. Bởi kể từ năm học 2005 - 2006, học sinh lớp 9 không còn phải thi tốt nghiệp THCS như trước nữa. Theo đó, để được công nhận tốt nghiệp THCS, các em chỉ cần tham gia đầy đủ các kì thi kiểm tra học kì và cuối năm có học lực và hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên là được công nhận tốt nghiệp. Lúc này câu hỏi nhiều người đặt ra: học nghề phổ thông ở năm lớp 8 để được cộng điểm vào xét tốt nghiệp THCS liệu có cần thiết nữa không?
Tuy biết, học nghề là điều tốt, giúp học sinh biết được một số kĩ năng để vận dụng vào cuộc sống. Nhưng học nghề theo cách “áp đặt về số lượng” và “chọn giùm nghề cho học sinh” như các trường đang làm hiện nay nhất là các trường ở huyện thì có nhiều điều phải bàn. Thứ nhất, về chỉ tiêu: đó là tất cả học sinh lớp 8 dù cho là học sinh giỏi, khá hay trung bình; dù thích hay không thích đều phải học nghề. Thứ hai, học sinh nam và nữ đều học nghề giống nhau. Thứ ba, nói đến học nghề thì theo nhu cầu của người học mà ở đây là học sinh. Nhưng các em nào có được chọn nghề mình yêu thích. Điều này đã được nhà trường “chọn giùm với điều kiện thực tế của trường”.
Chính vì vậy các nghề mà học sinh được học thường rất nghèo nàn, chủ yếu là điện, tin học (vì phù hợp với cơ sở vật chất của trường). Còn những nghề khác thích hợp với học sinh nhất là nữ như: làm bánh kem, nấu ăn, cắm hoa… thì không có. Nên đôi khi học sinh nữ cũng phải học nghề điện, điều này khiến nhiều em không thích nhưng cũng phải học vì sự áp đặt của nhà trường.
Đó là chưa kể thời gian học. Thường các em học vào đầu tháng 9 năm học mới đến gần cuối tháng 4 năm sau sẽ thi. Thời gian học là hơn 7 tháng. Với chừng ấy thời gian, học sinh có thể đi học các lớp sơ cấp nghề 3 hoặc 6 tháng là có thể đi làm kiếm tiền được. Nhưng bỏ công sức, chi phí đi học chừng ấy thời gian để được cộng 2 điểm với loại giỏi và thấp nhất trung bình được 1 điểm (phần lớn học sinh có thi nghề là đều đậu, thấp nhất là xếp trung bình, rất hiếm khi có học sinh thi nghề mà hỏng - trừ khi học sinh không thi thôi) để xét tốt nghiệp khi mà chỉ cần học sinh lớp 9 đạt kết quả trung bình cuối năm là tốt nghiệp. Vì vậy, việc học nghề phổ thông nhất là đối với học sinh lớp 8 hiện nay có còn cần thiết như khoảng 10 năm về trước?
Bên cạnh, học sinh còn phải tốn một khoản chi phí để đóng cho trường (gọi là tiền học nghề). Trong khi việc học nghề ở trường phổ thông có rất ít hiệu quả nếu không nói là rất hình thức. Bởi có nhiều học sinh, nhất là các em nữ học xong mà biết lắp đặt được hệ thống điện dù cho đơn giản.
Chưa hết, khi lên cấp 3 học THPT đến năm lớp 11, các em lại “được học nghề” một lần nữa. Nhằm chuẩn bị việc xét tốt nghiệp ở năm lớp 12. Trong khi đó, từ năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi về việc xét tốt nghiệp THPT. Đó là, học sinh lớp 12 muốn được xét tốt nghiệp phải tham gia kì thi THPT quốc gia với 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Với cách tính điểm như sau: học sinh tính điểm trung bình cộng của 4 môn đã đăng ký tham gia kì thi THPT Quốc gia.Sau đó, lấy kết quả này cộng với điểm trung bình ở lớp 12 và chia đôi, rồi cộng điểm ưu tiên, kể cả điểm nghề (nếu có). Với cách tính điểm như trên thì cơ hội để học sinh được tốt nghiệp là rất cao. Không cần phải cộng với điểm nghề cũng có thể đậu tốt nghiệp. Vậy việc bắt tất cả học sinh lớp 11 (kể cả học sinh giỏi, khá) phải học nghề một lần nữa (trước đó các em đã học ở lớp 8) có thật sự cần thiết và hợp lí?
Biết rằng học nghề là cần thiết, trong tình hình “thừa thầy, thiếu thợ” như ở nước ta hiện nay. Nhưng đó là học nghề khi học sinh vào đời, muốn kiếm việc làm, nuôi sống bản thân. Còn việc mất khoảng 6, 7 tháng học nghề để chỉ phục vụ xét tốt nghiệp cuối cấp trong tình hình quy định để học sinh được công nhận tốt nghiệp có nhiều thay đổi, theo hướng ngày càng tạo điều kiện để các em được tốt nghiệp như hiện nay thì nên chăng việc học nghề phổ thông cần có sự thay đổi? Thậm chí bỏ luôn việc học nghề này để tiết kiệm chi phí, công sức và cả thời gian cho học sinh?
Trung Thạnh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!