Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Hiệu trưởng bị “tố” thực hiện sai quy trình hàng trăm triệu tiền tự nguyện

Hiệu trưởng bị “tố” thực hiện sai quy trình hàng trăm triệu tiền tự nguyện
Nhiều giáo viên Trường Mầm non Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) vừa đồng loạt ký đơn gửi đến báo điện tử Dân trí tố cáo Hiệu trưởng nhà trường lạm quyền, thu một số khoản sai quy định và thực hiện sai quy trình hàng trăm triệu đồng tiền tự nguyện trong chi phí sửa chữa nhà trường.

Tạm ứng quỹ công 250 triệu đồng

Trong đơn, các giáo viên nêu rõ, từ ngày Hiệu trưởng Trường Mầm non Láng Thượng là bà Nguyễn Thị Giang nhậm chức (từ tháng 6/2017), nhà trường xảy ra một số sự việc.

Cụ thể, hiệu trưởng lạm quyền, tự ý triển khai các công việc trong nhà trường. Trong đó, có việc sửa chữa xây dựng mới mái hiên và sửa chữa nhiều hạng mục khác trong nhà trường... với tổng số tiền hàng trăm triệu nhưng tất cả đều do hiệu trưởng tự quyết, không cần cấp trên phê duyệt theo quy định, không bàn bạc thông qua Hội đồng nhà trường.

Tại buổi tổ chức Đại hội công nhân viên chức mới đây, Hiệu trưởng nhà trường không tổ chức họp trù bị trước để cho tất cả CBGVNV trong nhà trường được thảo luận và thông qua quy chế dân chủ cũng như quy chế chi tiêu nội bộ. Vì vậy, ngày đại hội chính thức, cán bộ giáo viên họp từ 8h sáng đến 19h tối vẫn chưa thống nhất xong quy chế. Đến thời điểm hiện tại,thì qui chế dân và qui chế chi tiêu nội bộ vẫn chưa được thống nhất

“Đồng chí Hiệu trưởng có giải thích với chúng tôi, hiện nay đã có quy định mới, không cần họp trù bị toàn trường trước ngày đại hội, chỉ cần họp thông qua Hội đồng nhà trường. Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng tôi có mặt trong Hội đồng nhưng vẫn không được biết sự thay đổi này vì ban giám hiệu không có thông báo trước”, một giáo viên bức xúc nói.

Đơn thư của một số cán bộ, giáo viên Trường mầm non Láng Thượng (Hà Nội) "tố" hiệu trưởng thực hiện sai quy trình hàng trăm triệu đồng

Ngoài ra, việc sửa chữa bảo dưỡng điều hòa, bảo dưỡng quạt, sửa chữa quạt trần, bảo dưỡng rèm cửa được phản ánh không đảm bảo chất lượng. Chỉ một vài tuần sau khi bảo dưỡng, điều hòa của lớp nhỡ 1, lớp nhỡ 3, lớp nhỡ 4 và lớp lớn 4 bị hết ga, chảy nước, không sử dụng được. Giáo viên phải phản ánh lên BGH và được yêu cầu lớp nào hỏng thì tự gọi thợ sửa nhưng phải có tờ trình và hóa đơn đỏ để nhà trường thanh toán.

Việc thau rửa bể nước của nhà trường cũng gây thắc mắc. Theo tập thể giáo viên này, vào khoảng tháng 8 hàng năm, nhà trường đều thực hiện việc súc bể nước ngầm. Trong thời kì hiệu trưởng cũ, việc súc rửa này chỉ từ vài triệu đồng nhưng cuối tháng 7 vừa qua, việc súc rửa bể nước lên tới gần 19 triệu đồng.

Đặc biệt, theo phản ánh của những giáo viên này, Hiệu trưởng nhà trường đã tạm ứng quỹ công lên đến 250 triệu. “Việc này đã được đoàn kiểm tra công vụ của quận Đống Đa (gồm đại diện của Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục, Thanh tra quận...) phát hiện ra vào ngày 1/11/2017, ngay sau khi có phản ánh của giáo viên. Vào chiều cùng ngày, Hiệu trưởng đã trả lại toàn bộ số tiền trên để nhập quỹ.

Cho dù hiệu trưởng tạm ứng số tiền đấy vì việc công hay tư thì cũng không được phép bởi đã là quỹ công, khi rút ra phải được thông qua hội đồng nhà trường”, một giáo viên cho hay.

Sai quy trình khi sử dụng tiền tự nguyện

Bên cạnh đó, đại diện nhóm giáo viên đứng đơn tố cáo cũng cho hay, năm nay tiền tự nguyện của phụ huynh học sinh đóng góp được hơn 100 triệu đồng. Theo sổ sách từ nhà trường, hiện tại số tiền này đã được tạm ứng để làm mái tôn hiên với con số 100 triệu đồng.

“Theo chúng tôi được biết, khi làm mới công trình có giá trị lớn thì cần thông qua hội đồng nhà trường, có hồ sơ đấu thầu và đặc biệt nếu có sử dụng tiền tự nguyện thì phải tuân thủ theo các quy trình được quy định tại Quyết định 51/2013/QĐ-UBND”, một giáo viên cho hay.

Số tiền tự nguyện hơn 100 triệu đồng đã được tạm ứng sửa chữa mái tôn hiên

Cụ thể theo các giáo viên này, ở Điều 11 của Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 22/11/2013 về thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, về nguyên tắc thu: Thứ nhất, trường hợp ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị, các trường được huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh; Bên đóng góp không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.

Thứ hai, quy trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp phải qua 4 bước. Bước 1: Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Bước 2: Lập Kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó, kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình,... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí.

Bước 3: Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp (Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản và chỉ được tiến hành vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.

Bước 4: Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Khoản thu này phải đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được mua sắm, sửa chữa phải hạch toán tăng tài sản và sử dụng trong nhà trường (thực hiện hạch toán và khấu hao tài sản theo đúng quy định hiện hành).

Như vậy, theo tập thể giáo viên đứng đơn, đối chiếu với quy trình 4 bước trên đây, Hiệu trưởng nhà trường đều vi phạm vì không thực hiện đúng theo quy định.

Cũng theo phản ánh, vào cuối tháng 10/2017, đồng chí Chủ tịch công đoàn, Ban thanh tra nhà trường xin đồng chí hiệu trưởng cho kiểm tra kho quỹ theo kế hoạch hàng tháng do chính hiệu trưởng đề ra, nhưng hiệu trưởng không đồng ý với lý do đang bận.

Ngày 3/11/2017, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với Hiệu trưởng Nguyễn Thị Giang về những vấn đề trên đây. Hiệu trưởng hẹn 16h chiều sẽ làm việc nhưng khi phóng viên đến, hiệu trưởng cho biết mình bận họp, yêu cầu để lại giấy tờ tại bảo vệ và sẽ làm việc lúc nào có thể sắp xếp được lịch.

Theo phản ánh của một số giáo viên trong trường, cuộc họp này được triệu tập khẩn và diễn ra trước lịch hẹn với phóng viên 15 phút (tức lúc 15h45). Tại cuộc họp này, Hiệu trưởng cho biết sẽ trả lại tiền tự nguyện của năm học 2017-2018 cho phụ huynh học sinh.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Giang cũng lý giải về việc thau rửa bể nước là do trước đây, bảo vệ nhà trường trường kiêm nhiệm thực hiện nên tiết kiệm chi phí. Còn hiện nay, việc thau rửa thuê đơn vị bên ngoài, thau rửa công nghiệp, khử trùng... nên chi phí cao.

“Việc thau rửa này không ai giám sát, nghiệm thu nên chúng tôi không biết thực hư thế nào. Bản thân đồng chí bảo vệ cũng khẳng định mình không hề được giao cho việc giám sát mặc dù hiệu trưởng đã công bố trước cuộc họp như thế”, một số giáo viên nói.

"Về quy trình sửa chữa nhà trường, trao đổi qua điện thoại với tôi, cô Hiệu trưởng cho biết, mình có thông qua một số thành viên BGH nhưng sai sót của tôi là đã không thông qua hội đồng nhà trường và tôi sẽ rút kinh nghiệm", một giáo viên cho biết thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Mỹ Hà

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây