Hà Nội yêu cầu học sinh ký cam kết không dàn hàng ngang khi tham gia giao thông
- Thứ ba - 06/09/2016 22:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiếp tục thí điểm dạy bơi
Cụ thể, văn bản số 3301/SGD&ĐT- HSSV của Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên tuyên truyền về giáo dục an toàn giao thông (ATGT) qua đài truyền thanh vào đầu hoặc cuối giờ tan học, qua pano, băng rôn, khâu hiệu… trong các giờ ngoại khoác hoặc sinh hoạt tập thể…
Ngay từ đầu năm học, phải tổ chức triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
Về phía học sinh cũng phải cam kết thực hiện việc điều khiển các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không dàn hàng ngang khi tham gia giao thông.
Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Phối hợp với các lực lượng chức năng, tổ chức xã hội triển khai hiệu quả các chuyên đề về giáo dục ATGT.
Các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học. Chú ý tuyên truyền các phương pháp phòng chống đuối nước khi đi các phương tiện giao thông đường thủy cho học sinh.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT đồng thời thống kê cụ thể các phương tiện học sinh tham gia giao thông đến trường, báo cáo kết quả thống kê về Sở GD&ĐT trước ngày 26/9/2016.
Khó vì phụ huynh không phối hợp
Ghi nhận của PV Dân trí trong những ngày đầu tiên sau khi khai giảng tại Hà Nội, nhiều học sinh vẫn vô tư phóng xe máy, xe máy điện nhưng đội mũ bảo hiểm. Sau giờ tan học, học sinh tràn vào những ngõ ngách cạnh trường lấy xe và phóng như bay trên đường. Nhiều học sinh đi xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm vẫn vô tư kẹp 3, dàn hàng ngang trên đường gây cản trở giao thông.
Anh Xuân Hùng (KĐT Linh Đàm) chia sẻ: “Tôi nghĩ trên giấy tờ, phụ huynh cứ kí cam kết nhưng một mặt vẫn giao chìa khó xe máy cho các con. Các con lén gửi ở nhà dân, khi hết giờ có thể lấy xe ra về thì khó xử lý lắm. Nếu phụ huynh kiểm soát ngay từ đầu, cùng với nhà trường, mọi chuyện mới kiểm soát được dễ dàng”.
Trước đó, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh cũng cho biết, với những học sinh tái vi phạm ATGT nhiều lần, nhà trường có thể buộc thôi học.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức thì cho hay, mặc dù ngành giáo dục Hà Nội nhiều năm nay đã quan tâm sát sao và chỉ đạo các trường về việc đảm bảo an toàn giao thông trong nhà trường và khi tham gia ngoài xã hội, tuy nhiên rất khó khăn vì phụ huynh đứng ngoài cuộc.
Hiện trường này có gần 2 nghìn học sinh. Trong đó, khoảng 70% học sinh đi xe đạp điện. Số còn lại chưa đầy 30% đi xe đạp hoặc các phương tiện khác. Khi nhà trường làm việc với các đơn vị và tổ chức cạnh trường để phối hợp không cho học sinh gửi xe máy nhưng họ chỉ cam kết được vài hôm rồi thả lỏng.
“Riêng trường tôi có nhiều biện pháp để hạn chế như: Hạ hạnh kiểm học sinh từng mức tùy theo vi phạm, mời cha mẹ học sinh đến làm việc... Tuy nhiên, đôi khi nhà trường thấy đơn độc bởi sự vào cuộc thờ ơ của nhiều cha mẹ học sinh và một số cơ quan, đơn vị cạnh trường học không phối hợp. Trong khi nhà trường đang yêu cầu các em chấp hành nhưng cha mẹ đến đón học sinh lại đi đầu trần thì không được”, ông Bình nói.
Mỹ Hà