Gian nan vượt núi đến ngôi trường có 46 giáo viên đều là thầy giáo
- Thứ bảy - 18/11/2017 11:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gian nan đường vào trường "nhiều không"
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng có đủ quyết tâm để bắt đầu cuộc hành trình đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Dù đã được các thầy giáo “nắn gân” trước nhưng tôi không thể mường tượng được hết khó khăn, nguy hiểm của cung đường này.
“Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ, nằm thành vòng cánh cung trên tuyến biên giới Việt – Lào. Không có con đường nào có thể đi đến cả 6 điểm trường này được, trong đó điểm trường chính và điểm trường Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 phải di chuyển trên 2 cung đường ngược nhau. Trường có 46 giáo viên, tất cả đều là nam. Với cung đường đến trường như vậy, có lẽ tổ chức cũng không nỡ phân công giáo viên nữ vào đây công tác”, thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nói.
Đến điểm trường chính phải xuất phát từ trung tâm xã Tri Lễ vòng xuống ngã ba xã Châu Thôn rồi men theo đường núi, vượt qua chặng đường gần 20km dốc cao, vực sâu. Khoảng gần 10km đầu đường có vẻ dễ đi bởi mới đây, 1 công trình thủy điện đang được triển khai, người ta sử dụng máy móc san ủi nền đường để phục vụ thi công. Vậy nên, các thầy cũng được “hưởng xái”, dẫu chỉ là đường đất. Đó là ngày nắng thôi, nếu trúng vào ngày mưa, các thầy cũng phải phát khóc với những con dốc trơn lầy như đổ mỡ này.
“Có những đoạn dốc dài hơn 100m thôi mà có hôm phải mất 1 tiếng mới qua được. Đường này không ai dám đi một mình, cứ phải đợi nhau đông đủ rồi mới bắt đầu hành quân bởi có những lúc bùn đất quết bánh xe kẹt cứng, quấn xích sắt vào lốp cũng không thể di chuyển được, lúc đó chỉ có cách xúm nhau lại đẩy hoặc gánh từng xe qua dốc”, thầy Nguyễn Hồng Hiệp nói.
Tôi được phân công ngồi sau xe thầy Lô Văn Sơn. Thầy Sơn có 20 năm đi dạy thì đến 17 năm công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Xe vượt qua dốc Đỏ là hết đoạn đường mới được san ủi, chuyển sang “đường ngựa đi”.
“Nói là đường ngựa đi bởi trước đây đồng bào Mông hay dắt ngựa ra huyện bán, ngựa đi mãi thì thành đường thôi. Trước đây, xe máy chưa vào được thì phải đi bộ, cứ cuốc bộ ròng rã nửa ngày đường mới đến trường. Giờ xe máy vào được tận điểm trường lẻ nhưng nhanh “được” thay xe mới lắm. Lâu nhất thì 3-4 năm là phải thay một chiếc xe, còn xích líp, săm lốp và phanh thì thay liên tục. Đường này chỉ đi xe số 1, số 2 thôi, số 3, số 4 thì “để dành”, thầy Sơn hài hước nói.
Con đường như sợi chỉ vắt ngang qua những quả núi, chỉ vừa đúng 1 chiếc xe máy qua. Xe ì ạch leo dốc, khi ì ì đổ đèo, khi chui qua bãi lau trổ hoa trắng xóa, lúc lại luồn qua những rừng tre đan chằng chịt hai bên. Tôi ngồi sau lắm lúc không dám mở mắt ra, tim đánh lô tô trong lồng ngực vì sợ thầy Sơn lạc tay lái.
Xe đang leo dốc, đột ngột một tảng đá núi hiện ra, như một tay đua thiện nghệ, thầy Sơn khẽ lách người một cái, chiếc xe vượt qua mỏm đá rồi đổ dốc. Đôi bàn tay thầy Sơn xiết vào tay lái, gân nổi chằng chịt, tôi ngửi thấy mùi cao su cháy trong khi chiếc xe như trôi tuột xuống dốc.
“Các khó nhất là giữ tốc độ. Xe chạy số 1, vít ga mỏi cả tay mới lên được dốc. Đến đỉnh dốc phải đổi số để đổ xuống, nếu lỡ chớn có thể lao qua dốc, ngã ngay. Dù nghề cầm bút, cầm phấn nhưng nhìn bàn tay 46 thầy giáo ở đây cứ như tay thợ rèn cầm búa quai sắt ấy, toàn vết chai”, thầy Nhàn vẫy vẫy cánh tay cho đỡ mỏi khi dừng xe lấy sức. Hơn 50 tuổi, chặng đường đến trường này nhiều lúc cũng quá sức đối với thầy. Những cơn đau nhức vai, cổ tay đã kéo đến thường xuyên hơn.
Đi đường núi, tai nạn xảy ra như cơm bữa. Chân tay các thầy đầy những vết sứt sẹo. Cũng cung đường này, thầy Lương Trung Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4, hiện đã chuyển công tác về Trường Tiểu học Tri Lễ 2) bị ngã gãy chân, phải đóng đinh cố định 1 thời gian khá dài. Còn chuyện “vồ ếch”, hỏng xe thì xảy ra như cơm bữa, nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội, bùn đỏ ngập nửa bánh xe.
Đoạn qua suối Nậm Tột chưa có cầu, dân bản bắc hai chiếc cầu bằng gỗ, cử người gác thu tiền. Thầy giáo hay cán bộ vào bản công tác cũng vậy thôi, cứ qua một lần cầu phải trả 5 nghìn. Tính ra mỗi tháng các thầy cũng mất 40 nghìn “phí” cầu đường nên đóng hẳn cả năm, vừa đỡ lích kích, vừa “lợi” hơn bởi lẽ, với cung đường này, các thầy giáo còn phải kiêm luôn “xe ôm” cho những đoàn khách vào thăm trường.
Đường hiểm trở khó đi nên bình thường, nên cuối tuần, nếu thời tiết thuận lợi các thầy về nhà một lần, cứ chiều thứ 6 về, 5h sáng thứ 2 lại vượt núi vào trường. Đợt nào mưa gió kéo dài thì đành chịu, phải ở lại trong trường.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vòng vèo qua những con dốc, những khúc cua tay áo, chúng tôi cũng đến được điểm trường chính Trường Tiểu học Tri Lễ 4, đóng trên địa bàn bản Mường Lống. Ngồi trong căn nhà công vụ thưng ván gỗ của các thầy, tôi vẫn chưa hết hoàn hồn về chặng đường vừa trải qua, hai thái dương căng hết cỡ vì phải gồng mình suốt gần 20 cây số. Tôi đồ rằng, nếu có cuộc thi lái xe đường núi, có lẽ các thầy giáo nơi đây sẽ giành giải quán quân khi mỗi tuần được "luyện" trên cung đường này!
“Đi mãi cũng quen thôi. Vất vả, hiểm nguy rồi cũng lùi lại phía sau khi phía trước là các em học sinh đồng bào Mông đang chờ”, thầy Sơn nói…
Hoàng Lam
(Còn nữa)