Đôi điều tản mản về lòng tự trọng của học sinh cấp ba
- Chủ nhật - 09/10/2016 09:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi chia sẻ những dòng dưới đây như là ước mong nhỏ về nền giáo dục cấp ba, mà tôi khi 16 tuổi, sẽ vui mừng biết bao khi được nhận.
Lòng tự trọng, tinh thần ham học hỏi, và tình yêu thương chính là những hành trang căn bản nhất để học sinh cấp ba định hướng tương lai của mình (nguồn ảnh: Studentsfirst).
Chương trình cấp ba hay có thay đổi, và thường là mối quan tâm lớn của nhiều chuyên gia, các bậc phụ huynh, và học sinh. Có điều những tranh luận đó thường về hình thức, nội dung, và quy chế thi cử, thay vì nhìn lại xem học sinh khi tốt nghiệp cấp ba sẽ là người như thế nào, để từ đó xây dựng chương trình học, tạo môi trường, và hình thức thi cử phù hợp.
Vậy nên, tôi chia sẻ những dòng dưới đây như là ước mong nhỏ về nền giáo dục cấp ba, mà tôi khi 16 tuổi, sẽ vui mừng biết bao khi được nhận. Tôi không mong muốn gì hơn được nhìn thấy mình và bạn bè mình trong ngày tốt nghiệp cấp ba, những cá nhân có lòng tự trọng, tinh thần ham học hỏi, và biết yêu thương.
1. Tại sao lại là giáo dục cấp ba?
Mỗi cấp học khác nhau đều quan trong theo cách riêng của nó, nhưng với tôi cấp ba là bậc học đặc biệt quan trọng. Bởi khi tốt nghiệp cấp ba, cá nhân không chỉ có biết bao lối đi, lựa chọn, mà còn thực sự chịu trách nhiệm về mình, có quyền quyết định những bước ngoặt cuộc đời.
Từ lớp mẫu giáo đến cấp hai, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, mỗi cá nhân đều có quyền và mong muốn được đi học, rồi lên lớp, cứ từ từ rồi vào cấp ba. Nhưng sau cấp ba, cá nhân có thể học lên đại học, để trang bị cho mình kiến thức và công cụ để học chuyên sâu nghiên cứu, hoặc đi học nghề, trung cấp, cao đẳng, tuỳ theo nguyện vọng cá nhân và thực lực. Ví dụ, nếu cá nhân sau khi học hết cấp ba, biết đọc, viết, lý luận, và những kiến thức kĩ năng căn bản, nhận thấy mình muốn làm đầu bếp, thì có thể đi học nghề tại các trường nấu ăn, thay vì đi học đại học.
Bởi vậy, học sinh tốt nghiệp cấp ba có rất nhiều lựa chọn, và không có con đường nào là bắt buộc hay hoàn toàn tốt hơn con đường nào. Bên cạnh có nhiều lựa chọn, học sinh tốt nghiệp cấp ba bỗng nhiên có các quyền và cơ hội để tự ra quyết định về cuộc đời mình. Công dân 18 tuổi ở Việt Nam có quyền bầu cử, ở nhiều nước phương Tây còn ra ở riêng tự lập. Kết hôn, đi làm, hay đi học, cá nhân đều có thể tự quyết định lối đi riêng cho mình.
2. Tại sao lại là lòng tự trọng, tinh thần ham học hỏi, và tình yêu thương?
Bởi đó là công cụ, và hành trang căn bản nhất để học sinh cấp ba, khi lần đầu tự đi trên con đường mình chọn, có thể bước đi tự tin và đường hoàng. Cá nhân có lòng tự trọng, mới tôn trọng luật pháp, tôn trọng người khác, và tôn trọng những giá trị của bản thân.
Tinh thần ham học hỏi sẽ giúp mỗi cá nhân không ngừng trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm, để trở thành người thợ lành nghề, hay người uyên bác, hay đơn giản là người biết lắng nghe.
Cuối cùng, năm 18 tuổi, nếu cá nhân không có tình yêu thương, thì với ít ỏi trải nghiệm và quá nhiều lựa chọn bày ra trước mắt, cá nhân sẽ khó chọn được con đường đúng đắn cho mình. Có yêu thương mình, yêu thương gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh, thì người ta mới có động lực phấn đấu và vượt qua những khó khăn, thử thách, để làm người lương thiện.
3. Nền giáo dục cấp ba có thể làm gì?
Nền giáo dục làm được nhiều thứ, và có nhiều cách để giúp học sinh phát triển những phẩm chất quý giá đã nêu. Trong giới hạn chia sẻ này, tôi chỉ tập trung vào xây dựng lòng tự trọng cho học sinh. Cá nhân sẽ ý thức và trân trọng lòng tự trọng, khi họ được tôn trọng, dù trong những giao tiếp và sự việc nhỏ nhất thường ngày.
Có lẽ sẽ không ai muốn mình bị đem ra so sánh với người khác, dù ở nhà, ngoài đường, ở trường lớp, hay bất kì nơi đâu. Vậy nên, việc giáo viên đọc điểm kiểm tra trước lớp, hay phụ huynh cầm bảng điểm và xếp hạng cả lớp về sau mỗi buổi họp, có lẽ không nuôi dưỡng lòng tự trọng của học sinh.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên, sau 11 năm đi học, có ngày tôi nhận một phong thư nhỏ màu đỏ có tên mình, bên trong là bảng điểm cá nhân và một thiếp nhỏ cũng màu đỏ viết tay của cô hiệu trưởng. Tấm thiệp chỉ có mấy dòng, gồm lời khen ngợi về những môn học tốt, lời gợi ý đến trao đổi với thầy cô những lớp chưa tốt lắm để hiểu hơn về phương pháp học tôi chưa tiếp xúc ở Việt Nam, và kết thúc bằng một câu ngắn “Cố lên nhé, những ngày đầu sẽ khó khăn hơn một chút, nhưng không có gì là không thể”. Tôi vỡ oà vì thấy mình được tôn trọng, và từ ngày đó, tôi vẫn cứ mong đợi những phong bao nhiều màu, cả thẩy là 15 chiếc trong suốt hai năm học, tôi cất cẩn thận như một lời khẽ nhắc về lòng tự trọng của mình.
Ngoài việc được tôn trọng, cá nhân nên được tạo cơ hội để hiểu hơn về những giá trị mình được nhận và được mọi người tôn trọng những giá trị ấy. Những câu chuyện về người thật việc thật, về cô lao công chăm chỉ làm việc, bên cạnh lời ngợi ca bác sĩ cứu người, và hạn chế những lời ám chỉ như thể nghề cao quý duy nhất trên đời là bác sĩ kĩ sư giáo viên, có lẽ sẽ giúp học sinh hiểu hơn về muôn màu cuộc sống.
Tôi tin rằng, bạn tôi lớp học thêm, sẽ không phải ở lại cuối cùng và đi bộ một quãng xa để lên xe xích lô bố chở về, nếu không vì bị trêu có bố đạp xích lô. Chắc chắn rằng cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn khi bạn bè và thầy cô xung quanh thay vì hoặc mỉa mai hoặc thương hại hoàn cảnh bạn, thì ngợi ca giá trị về tình yêu thương và hy sinh người bố vẫn ngày ngày chắt chiu cho con đi học bằng bạn bằng bè.
Những cá nhân có lòng tự trọng, tinh thần ham học hỏi và tình yêu thương sẽ đường hoàng chọn con đường mình đi và đóng góp lớn lao cho xã hội theo cách riêng của mình. Bởi họ biết giá trị của mình, những người quanh mình, và những người khác đâu đây trong xã hội mình. Chỉ có trong một xã hội như thế, mỗi cá nhân mới trọn vẹn nắm lấy cơ hội và quyền của mình, và trao cho người cạnh mình cơ hội để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
* Những ý kiến sau đây là chia sẻ cá nhân của tác giả, tại thời điểm viết bài, dựa trên những kinh nghiệm học tập tại Việt Nam và nước ngoài, và những quan sát, trao đổi với bạn bè học tập tại Việt Nam.
Nhung Lê
Sinh viên Toán và Kinh Tế trường Wellesley, Mỹ