Đề thi minh họa môn Hóa: Học thế nào để luyện tốc độ làm bài nhanh chóng?
- Thứ năm - 06/10/2016 19:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Áp lực thời gian
Là người từng tham gia giải nhiều đề thi giúp học sinh, Đình Quang nhận xét: Đề thi minh họa 2017 gồm 40 câu, thời gian làm bài là 50 phút và được sắp xếp từ dễ đến khó. Các phần lý thuyết và bài tập đan xen nhau, cụ thể có 25/40 câu lý thuyết và 15/40 câu bài tập tính toán. Trong đó lý thuyết khó có 2 câu và bài tập khó có 3 câu. Số lượng câu rất dễ và số lượng câu rất khó đều giảm so với đề thi năm 2015 và 2016, tuy nhiên học sinh cũng khó đạt được điểm cao vì thời gian làm bài bị cắt ngắn chỉ còn lại 50 phút.
Trong đề thi có 1 câu về đồ thị hóa học, 2 câu về ứng dụng hóa học vào đời sống nhưng ở mức cơ bản. Số lượng câu vô cơ và hữu cơ khá cân bằng, cụ thể có 22 câu vô cơ và 18 câu hữu cơ. Đề thi có khoảng 6 câu ở mức độ tương đối khó nhằm phân loại thí sinh xét tuyển thi đại học. Các câu bài tập chủ yếu được giải dựa theo việc vận dụng 4 phương pháp giải hóa cơ bản là phương pháp trung bình (3 câu), phương pháp số đếm (3 câu), bảo toàn electron (4 câu) và bảo toàn khối lượng (4 câu). Vì vậy các em học sinh không nhất thiết phải học quá nhiều phương pháp phức tạp vì mất thời gian mà đi thi chưa chắc đã có.
Vấn đề quan trọng nhất của đề thi năm nay chính là áp lực về mặt thời gian. Trong vòng 50 phút học sinh phải giải 40 câu trắc nghiệm. Lời khuyên với các em học sinh nói chung đó là cần nắm vững lý thuyết và rèn luyện tốc độ làm bài nhanh chóng, tránh trường hợp khi đi thi bị thiếu thời gian.
Đối với các em chỉ xét tốt nghiệp thì nên dành thời gian để làm kỹ 25 câu trắc nghiệm đầu tiên, không nên dành quá nhiều thời gian cho các câu khó. Còn các em muốn xét tuyển đại học thì cần làm cẩn thận, chính xác các câu dễ và luyện tốc độ giải thật nhanh vì đề thi không quá khó sẽ khiến mức điểm cao là tương đối nhiều.
Chỉ cần nắm vững lý thuyết hóa học và các phương pháp rất cơ bản là có thể giải 30 câu trắc nghiệm dễ dàng, vì vậy các em cần đầu tư thời gian để học kỹ lý thuyết, về lý thuyết các em nên tham khảo sách giáo khoa và sách công phá hóa.
Điểm chú ý quan trọng ở đây là kiến thức thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ có một số nhỏ câu là có thêm kiến thức lớp 10 và 11. Tuy nhiên do đặc thù của môn hóa nên các em cũng cần dành thời gian tìm hiểu thêm các kiến thức lớp 10 và 11, nhưng trọng tâm nhất vẫn là vào chương trình lớp 12.
Cập nhật một thông tin khác là kỳ thi năm 2017 mỗi em sẽ có một đề thi riêng, đề thi khác nhau. Các em không thể trao đổi đáp án sau khi thi xong, cũng như không thể đọ xem đề của ai là dễ hơn hay khó hơn. Có thể sẽ có đề thi nhiều vô cơ hơn, có thể có đề thi nhiều hữu cơ hơn. Điều này các em cũng nên để ý.
Ôn kĩ lý thuyết và các phương pháp giải Hóa cơ bản
Trước cách thức ra đề như trên đây, theo Hoàng Đình Quang, thứ nhất học sinh cần học thật kỹ lý thuyết và ôn tập các phương pháp giải hóa cơ bản. Thứ hai, làm thật cẩn thận và chính xác các câu dễ và trung bình: Vì chỉ có 40 câu mà phân loại cả đại học, cao đẳng và tốt nghiệp nên nếu em học giỏi và làm được các câu khó nhưng sai các câu dễ thì em cũng có thể sẽ trượt đại học.
Thứ ba, quen dần với áp lực thời gian: Các em nên tìm những đề thi có 40 câu trắc nghiệm và thời gian 50 phút để rèn luyện cho quen với cách làm đề thi mới.
Thứ tư, nếu các em có thể thì nên học thêm môn ngoài các môn thi truyền thống vì có trường sẽ lấy điểm toán + lý + hóa hoặc toán + hóa + sinh, nhưng cũng có trường sẽ lấy điểm toán +KHTN (lý + hóa + sinh). Bởi vậy nếu các em bỏ 1 môn trong tổ hợp KHTN thì có thể các em sẽ có ít cơ hội vào các trường đại học khác.
Ví dụ trường A lấy điểm toán + lý + hóa nhưng trường B lấy điểm toán + KHTN. Như vậy em sẽ khó có cơ hội đỗ được trường B nếu điểm sinh học thấp.
Thứ năm, ôn tập sớm và học hết chương trình sớm: Cố gắng có ít nhất 3 tháng để luyện đề, và nhớ là năm nay sẽ thi vào tháng 6/2018 chứ không phải tháng 7 như mọi năm nên thời gian ôn tập của các em sẽ bị rút ngắn.
Mỹ Hà (ghi)