Bộ GD&ĐT giải đáp “nóng” về áp dụng thi trắc nghiệm năm 2017
- Thứ hai - 12/09/2016 15:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là những câu hỏi “nóng” mà giáo viên, học sinh đặt ra trước dự thảo phương án thi 2017 và Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn giải đáp. Cụ thể như sau:
Học sinh thay đổi như thế nào về cách học khi một số môn thi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm?
Bộ GD&ĐT: Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận.
Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ). Như vậy, hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.
Khi chuyển từ thi tự luận sang thi TNKQ thì sách giáo khoa có cần phải thay đổi không?
Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hoá những nội dung giáo dục được quy định trong chương trình, cung cấp tri thức nền tảng, hệ thống, toàn diện và được lựa chọn theo các quy luật sư phạm; hướng dẫn hoạt động học, hỗ trợ hoạt động dạy. Vì vậy, không có sách giáo khoa nào biên soạn riêng cho thi tự luận hay cho thi TNKQ.
Dù là thi theo hình thức tự luận hay TNKQ thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Gần mười năm nay các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức TNKQ nhưng giáo viên và học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa hiện hành để dạy-học và vẫn cho kết quả tốt, điều đó cho thấy việc dùng sách giáo khoa hiện hành không ảnh hưởng gì đến việc thi theo hình thức TNKQ hay tự luận.
Thi trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm môn Toán có kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của thí sinh không?
Bộ GD&ĐT: Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức TNKQ có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ.
Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.
Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.
Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội là bài thi tích hợp hay bài thi tổ hợp? Việc làm và chấm điểm các môn thi thành phần như thế nào? Thí sinh có phải làm cả hai bài thi này không?
Bộ GD&ĐT: Các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác.
Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.
Thay đổi cấu trúc bài thi TNKQ có thể dẫn đến thay đổi mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này có gây khó khăn cho thí sinh khi làm bài? Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện như thế nào?
Bộ GD&ĐT: Mặc dù cấu trúc bài thi TNKQ có thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) nhưng hình thức câu hỏi TNKQ và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây.
Vì vậy, sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh khi làm bài thi TNKQ. Về cơ bản mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần.
Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm. Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.
Để được vào ĐH, CĐ, thí sinh có phải thực hiện 2 kỳ thi như trước kia hay không?
Bộ GD&ĐT: Qua 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhờ đảm bảo được độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt nên hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển sinh riêng, giảm áp lực thi cử và tốn kém.
Năm 2017, các trường lựa chọn 4 phương thức tuyển sinh: 1) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; 2) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; 3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; 4) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Khi Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả trung thực, khách quan như phương án thi/tuyển sinh 2017 đã dự kiến thì phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào kết quả Kỳ thi để tuyển sinh. Chỉ có một số ngành năng khiếu sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu và một số trường/ngành có yêu cầu cao sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được tổ chức theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, luyện thi tràn lan hay gây ra các bức xúc, khó khăn cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để thí sinh biết.
Việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ như thế nào?
Bộ GD&ĐT: Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình. Phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác... Thí sinh theo dõi trang tuyển sinh của các trường để nắm thông tin, định hướng ôn tập và nộp đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề yêu thích.
Hồng Hạnh (ghi)