586 học sinh vùng lũ bỏ học vì nhà nghèo
- Thứ ba - 30/08/2016 14:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Thái Kim Khải – Trưởng Phòng Giáo dục huyện An Phú cho biết, hai năm nay ngành giáo dục huyện có phần thuận lợi hơn trong công tác vận động học sinh đến trường, cũng như công tác kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Đạt được kết quả này, ngoài việc thầy cô tích cực trong công tác huy động học sinh đến lớp, công tác bám sát học sinh để “giữ chân” các em thì yếu tố tự nhiên lũ nhỏ cũng góp phần vào hai kết quả nêu trên. Tuy nhiên, với những bà con trồng lúa, sống nghề câu lưới thì lũ cạn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc canh tác của bà con nông dân.
Cụ thể, trong công tác huy động trẻ đến lớp đầu năm nay, Phòng Giáo dục xây dựng kế hoạch: Đối với khối Mẫu giáo hiện đã vượt kế hoạch đặt ra, hiện có 4.452 cháu (Sở giao 4.300 HS), vượt 103,53% so với kế hoạch. Bậc tiểu học, Sở giao 18.700 HS, hiện huy động 17.131 HS/620 lớp. Còn ở bậc THCS, hiện có 9.221 HS đến lớp/251 lớp (chỉ tiêu 9.660 HS), đạt tỷ lệ 95,4%. Theo ông Khải, các số liệu này cập nhật hôm 22/8, do vậy số HS đến lớp hiện nay đã tăng lên nhiều.
Đầu năm học 2016 - 2017, công tác huy động HS đến lớp trên địa bàn huyện An Phú đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên do địa phương này là huyện nghèo lại nằm ở vùng tâm lũ nên hàng năm tỷ lệ HS bỏ học so với cả nước còn khá cao
Ông Phan Kim Khải – Trưởng Phòng giáo dục huyện An Phú chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại công tác huy động HS ra lớp xem như đạt kế hoạch. Nhiệm vụ tiếp theo không chỉ đòi hỏi các thầy cô giáo nỗ lực trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học mà còn kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Vì hiện nay, huyện An Phú là một huyện nghèo của An Giang, cộng với đặc thù địa phương là vùng tâm lũ, do vậy việc các cháu bỏ học còn chiếm tỷ lệ rất cao so với toàn tỉnh”.
Theo Phòng giáo dục huyện An Phú thống kê: năm học 2012 – 2013, tổng số học sinh bỏ học cấp tiểu học và THCS là 713 HS; năm 2013-2014 tổng số học sinh bỏ học hai cấp này là 863 HS, trong đó bậc THCS là 631 HS; năm học 2014 -2015, số học sinh bỏ học tiếp tục tăng lên 989 HS, trong đó bậc THCS chiếm đến 703 HS. Trong năm học mới đây, 2015 – 2016, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tiểu học còn 162 HS, tỷ lệ chiếm 0,86%, THCS còn 424 HS, chiếm tỷ lệ 4,77%.
Theo thống kê Phòng Giáo dục huyện An Phú về việc học sinh bỏ học ở bậc tiểu học và THCS, có các nguyên nhân, như: gia đình không cho đi học, nhà nghèo, HS phải lao động sớm, nhà xa, học kém và các nguyên nhân khác… Nhưng trong đó nguyên nhân nhà nghèo, lao động sớm, gia đình không cho đi học chiếm tỷ lệ khá cao.
Cụ thể ở bậc tiểu học, tổng số HS bỏ học 162 thì nguyên nhân HS bỏ học vì nhà nghèo đến 35 HS, bậc THCS 85 HS/424HS bỏ học. Và nguyên nhân các em phải lao động sớm chiếm tới 65 em (bậc THCS). Cũng ở cấp học này số HS bỏ học vì lí do học kém, chán học là 62 HS. Trong khi các nguyên nhân khác chỉ từ 0 – 10 trường hợp.
Trong năm học mới 2016 – 2017, Phòng Giáo dục huyện An Phú tiếp tục chỉ đạo Hiệu trưởng các trường và giáo viên tích cực “bám sát” học sinh của mình để nắm được hoàn cảnh, học lực của các em, từ đó có kế hoạch “giữ chân” HS một cách cụ thể. Chẳng hạn với học sinh học kém, giáo viên bố trí dạy kèm; học sinh khó khăn thì báo với lãnh đạo trường, các tổ chức đoàn thể để vận động giúp các em vượt qua khó khăn yên tâm đến lớp.
Thầy Nguyễn Thiện Hoàn – Phó Hiệu trưởng trường tiểu học A Khánh An cho biết: Ở vùng này, không chỉ trường A Khánh An mà còn nhiều trường khác có chung đặc điểm là tỷ lệ học sinh nghèo, học sinh dân tộc, HS Việt Kiều chiếm tỷ lệ khá cao. Do vậy công tác huy động đến lớp đã khó, nhưng công tác "giữ chân" các em còn khó hơn. Như trường tôi có gần 300 em học sinh ở đất Campuchia sang đây học, khi các em nghỉ học muốn qua đất bạn tìm hiểu, vận động các em thì phải kết hợp nhiều đơn vị mới đi được. Nhưng trong đó vai trò của Hội phụ huynh học sinh nhóm học sinh Việt Kiều là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, Trưởng phòng giáo dục huyện An Phú lo lắng nhất là tình trạng học sinh bỏ học vì lao động sớm và theo cha mẹ đi làm ăn xa. Với hai nguyên nhân này, một mình ngành giáo dục địa phương “xoắn tay” vào thì việc ngăn chặn tình trạng HS bỏ trường, bỏ lớp như hiện nay là vô cùng khó khăn.
Nguyễn Hành