20/11 không trọn vẹn của thầy cô ở vùng lũ Nam Trà My: "Học sinh mất mát, vui sao được"
- Thứ năm - 19/11/2020 13:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đợt bão lũ lịch sử ở miền Trung xảy ra hồi cuối tháng 10 vừa qua đã gây ra những tổn thất nặng về về cả vật chất lẫn tinh thần. Tại nhiều trường học nơi đây, các thầy cô và ngành giáo dục vẫn đang tất bật dọn bùn đất, khôi phục lại khuôn viên, vận động học sinh trở lại trường để ổn định lại công tác tổ chức dạy và học.
Không tổ chức mít-tinh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam như mọi năm
Thầy giáo Trần Thanh Quốc - Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My cho biết năm nay trường không tổ chức mít-tinh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) như mọi năm. Với những gì đã trải qua, việc cần thiết bây giờ là động viên các em học sinh vượt qua khó khăn, ổn định tình hình để yên tâm dạy và học.
“Chúng tôi dự định chỉ làm lễ tôn vinh với quy mô nhỏ nhằm tuyên dương, động viên những thầy cô có thành tích trong giảng dạy năm học vừa qua bởi nếu không làm gì chắc hẳn các cô cũng sẽ có chút chạnh lòng”, thầy Quốc chia sẻ.
Thiên tai ập đến là điều không ai mong muốn, nhưng thầy Quốc cũng như tất cả thầy cô giáo vùng lũ giờ đây chỉ mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ và chung tay của toàn xã hội, giúp đỡ gia đình các em học sinh gặp nạn sớm vượt qua được khó khăn, mất mát để yên tâm học tập.
Thầy Hiệu trưởng cho biết, năm nay nhà trường không mít tinh hoành tráng nhân ngày 20/11 và hy vọng nhận được sự chung tay giúp đỡ của xã hội đối với những học sinh gặp khó khăn, nhất là trong đợt mưa lũ vừa qua.
Rất nhiều học sinh của trường là nạn nhân của trận mưa lũ, sạt lở đất kinh hoàng
Vừa qua, câu chuyện em Hồ Thị Điệp - học sinh lớp 11, trường THPT Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) quỳ sụp bên nấm mồ bố mẹ được đắp tạm khiến nhiều người không khỏi xót xa. Ngôi nhà của em Hồ Thị Điệp cũng bị xóa sổ hoàn toàn sau trận sạt lở đất kinh hoàng ở Trà Leng và bố mẹ em là nạn nhân trong vụ sạt lở đó. Thầy giáo Quốc cho biết, nhờ sự động viên, hỗ trợ của các thầy cô và các đoàn thể, hiện em Điệp đã quay trở lại trường học tập, thế nhưng nỗi đau ấy chắc chắn sẽ còn in hằn mãi trong ký ức của cô học trò nhỏ.
Giờ đây, những em học sinh bị mất mát trong đợt mưa lũ vừa qua đã quay trở lại trường học, nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.
Thầy Quốc cho biết thêm, em Hồ Thị Điệp chỉ là 1 trong số những học sinh của nhà trường phải chịu nỗi mất mát trong đợt mưa lũ vừa qua. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 20 gia đình có con em đang theo học tại trường bị xóa sổ toàn bộ nhà cửa trong đợt mưa lũ vừa qua. Còn các gia đình bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau thì rất nhiều.
Dù bão lũ đã đi qua, nhưng khi kể lại giây phút đưa học sinh về bản, giọng thầy Quốc nghẹn lại vì thương học trò. “Mỗi lần nhắc lại là một lần xót xa, đau đớn lắm”, người thầy nói.
Những ngày cuối tháng 10/2020, khi thông tin các vụ sạt lở liên tiếp xảy ra ở Nam Trà My , thầy Quốc và các thầy cô trong trường thấp thỏm cùng các em học sinh để nghe ngóng thông tin. Khi các em học sinh không liên lạc được với người thân, rất nóng lòng muốn trở về làng bản, gia đình, các thầy cô phải cố kìm nén lại cảm xúc, động viên, phân tích cho các em về sự nguy hiểm nếu băng đường, vượt núi trở về vào thời điểm đó.
Cuộc họp khẩn của Ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô để đưa các em về bản, nơi xảy ra sạt lở đất.
“Giọt nước mắt các em rơi, các thầy cô cũng chỉ biết ôm học trò khóc rồi động viên, nhưng chúng tôi không thể để các em đi một mình về bản. Sau khi thống nhất, một đoàn gồm 6 thầy cô cùng các em đi về nơi sạt lở, nơi người thân các em đang ở đó để nắm bắt tình hình. Đoạn đường 40 cây số, chúng tôi phải đi mất nửa ngày”, thầy Quốc nhớ lại.
Trên hành trình đưa các em trở về gia đình, nhiều điểm sạt lở xe không thể đi được và phải khiêng qua. Rồi khi không thể đi xe được nữa, thầy và trò xắn quần băng rừng, lội suối không biết mệt mỏi, chỉ mong nhanh chóng đến được đích. “Trên đường đi lòng chúng tôi nóng như lửa đốt, chỉ cầu mong sự bình an sẽ đến với gia đình các em học sinh”, thầy Quốc tâm sự.
Hành trình di chuyển của các thầy cô đưa các em về bản phải trải qua bao khó khăn, nhưng tất cả chẳng là gì, miễn sao gia đình các em được an toàn.
Đoàn đưa các em về bản do thầy Quốc dẫn đầu vừa đặt chân đến nóc Ông Lục (Trà Leng) - nơi có gia đình học sinh đang sinh sống gặp nạn trong vụ sạt lở đất. Nơi đây chỉ thấy những tiếng khóc và tiếng người hò nhau tìm kiếm.
Khi ấy, thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Quốc hỏi học sinh Hồ Thị Điệp rằng: Nhà con ở đâu? Điệp đưa tay chỉ về khu vực đổ nát đầy bùn đất nhưng chẳng thấy nhà đâu. Khi ấy tất cả mọi người trong đoàn tim như ngừng đập, chân tay bủn rủn, nước mắt trực trào.
Điệp chạy thẳng về khu đất nơi ngôi nhà thân yêu của mình ở đó. Thấy Điệp về, những người trong làng khóc nghẹn, chỉ tay vào hai nấm mồ được đắp tạm và nói: Bố mẹ con nằm đó. Cô học trò nhỏ đổ sụp xuống gào khóc trong tuyệt vọng. Các thầy cô nghẹn lại, thầy Hiệu trưởng tiến lại gần và nói: “Điệp ơi là Điệp! Đứng dậy đi con”. Rồi thầy trò ôm nhau khóc.
Chứng kiến cô học trò nhỏ đổ sụp xuống nấm mồ cha mẹ, các thầy cô giáo xót xa vô cùng.
Mất mát, đau thương đó không gì có thể diễn tả được. Thương cô học trò nhỏ, thầy Quốc bày tỏ sẽ đỡ đầu cho Điệp, để Điệp vượt qua nỗi đau, yên tâm học tập. “Khi đó lời tôi nói xuất phát từ tâm can của người làm cha, làm thầy chứ không đơn thuần chỉ là lời nói động viên. Và giờ đây, không chỉ riêng tôi đâu, tất cả các thầy cô trong trường, kể cả bác lao công hay bảo vệ đều đỡ đầu Điệp, để cô bé yên tâm học tập, hướng tới tương lai”, thầy Quốc nghẹn ngào tâm sự.
Sau sự cố ấy, thầy Quốc đã đề nghị chuyển em trai của Điệp ra học cùng trường với chị để chị em gần nhau hơn. Còn với hai người anh đang học đại học cũng được các thầy cô, chính quyền quan tâm hỗ trợ, động viên để các em chuyên tâm cho việc học.
4 anh em nhà em Hồ Thị Điệp vượt qua sự mất mát, đau thương hiện đã quay lại trường học.
Sau chuyến đi đó, thầy Quốc cùng các giáo viên của nhà trường còn tổ chức nhiều buổi thăm hỏi, động viên tới các gia đình học sinh gặp nạn. Mỗi lần tới tận gia đình các em là một lần thầy cô ở trường Nam Trà My cảm thấy nhói lòng vì cuộc sống khó khăn nơi các em học sinh sinh sống.
“Các em học sinh ở Trà Leng, Trà Vân nghèo lắm. Khi đến tận nơi chúng tôi rất sốc, không cầm được nước mắt và cũng khâm phục ý chí, nghị lực của các em. Dù không có ăn nhưng vẫn cố gắng vươn lên để đi học, vì tương lai phía trước và để thoát nghèo”, thầy Quốc chia sẻ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/2011-khong-tron-ven-cua-thay-co-o-vung-lu-nam-tra-my-...