Thi Hoa hậu, có gia thế dễ đăng quang?
- Thứ sáu - 02/09/2016 16:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không ít Hoa hậu, Á hậu Việt Nam đã rơi vào mệt mỏi, khủng hoảng trước suy đoán, đồn thổi về chuyện gia thế “chống lưng” cho thành tích. Tuy nhiên, có một sự thật rằng phía sau xuất thân “trâm anh thế phiệt” bao giờ cũng là nền tảng về văn hóa, tri thức và định hướng hình ảnh mang tính lâu dài.
Gia thế có nhiều lợi thế!
Hoa hậu Giáng My, Ngô Phương Lan, Hà Kiều Anh đều xuất thân trong gia đình “trâm anh thế phiệt”. Ảnh: TL
Điểm lại, trong lịch sử cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn nhất cả nước, những cô gái đăng quang thường có gia thế vững vàng. Ví dụ, Hoa hậu Hà Kiều Anh là cháu ngoại ông Vương Quốc Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, là cháu nội ông Hà Văn Lâu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Bố mẹ cô là những kỹ sư, doanh nhân nổi tiếng. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng, bố là giáo sư ngôn ngữ học, mẹ là soạn giả từ điển ngôn ngữ. Ngoài ra, những Hoa hậu khác như: Giáng My, Ngọc Khánh, Ngô Phương Lan, Jennifer Phạm, Hoa khôi Trần Ngọc Lan Khuê… đều có nền tảng gia đình tốt, ông bà, bố mẹ là những trí thức, doanh nhân thành đạt.
Tuy vậy, sau khi đăng quang ngôi vị, những người đẹp của gia thế “khủng” luôn trở thành tâm điểm của những suy đoán, đồn thổi chuyện mua giải, “chống lưng”… và nhiều trường hợp, những thông tin thất thiệt ấy cứ đeo bám họ cho đến những năm tháng sau này. Vậy gia thế mang lại lợi thế gì cho những người đẹp?
Về câu chuyện này, Th.S tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ, trong quy chế các cuộc thi sắc đẹp sẽ không có quy định kiểu gia thế tốt thì được ưu tiên mà hoàn toàn công bằng với các thí sinh. Tuy nhiên, những cô gái có gia thế tốt sẽ có nhiều lợi thế. Ví dụ, cô gái nào xuất thân trong gia đình tri thức thường được định hướng, đầu tư giáo dục tử tế. Nhiều người còn được gia đình phát hiện, bồi dưỡng tài năng rất sớm. Bên cạnh đó, là yếu tố di truyền. Các học giả trên thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng của nền tảng sinh học di truyền trong sự hình thành nhân cách, tài năng. Hoa hậu Đền Hùng Giáng My là một ví dụ. Cô ấy sinh ra trong gia đình có bố là đạo diễn, mẹ là giảng viên nên thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật, đồng thời được định hướng rất sớm. Cô ấy có tài vẽ tranh, đàn hát và còn thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như gia đình có điều kiện thì việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, cơ hội trải nghiệm, thần thái quý phái đài các cũng nổi trội hơn hẳn”.
Còn nhớ, ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992, lúc đó Hà Kiều Anh mới 16 tuổi nhưng đã có câu trả lời ứng xử thông minh bậc nhất. Trước câu hỏi: “Người đoạt vương miện Hoa hậu lần này, theo bạn đã là người đẹp nhất nước ta chưa?”, cô bình tĩnh trả lời: “Theo em, Hoa hậu toàn quốc lần này chắc chắn là người đẹp nhất cuộc thi, nhưng có thể chưa phải là người đẹp nhất cả nước. Vì còn có nhiều cô gái, trong đó có nhiều người đang ngồi xem ở đây cũng rất xinh đẹp, nhưng vì một lý do nào đó mà chưa đến với cuộc thi”. Bấy giờ, cả khán phòng đã vỡ òa trước sự ứng đối thông minh nhưng cũng rất khiêm nhường của cô gái 16 tuổi.
Tương tự, người đẹp Ngô Phương Lan trước khi được biết đến với ngôi vị Hoa hậu Thế giới người Việt, thời còn là học sinh tiểu học, cô từng được Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng Bằng khen vì thành tích học tập xuất sắc ở New York (Mỹ). Lên trung học, cô đỗ tú tài toàn phần của Trường quốc tế Pháp, sau này tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế tại ĐH Geneve với luận văn được đánh giá rất cao về đề tài văn hóa lịch sử. Phía sau sự thông minh của Hoa hậu Hà Kiều Anh hay phong thái đài các của Hoa hậu Ngô Phương Lan là một nền tảng kiến thức, văn hóa tốt bắt đầu từ gia đình.
Nghèo thì khó có “cửa”?
Bên cạnh nhiều người đẹp đăng quang Hoa hậu xuất phát từ gia đình gia thế thì cũng có những cô gái hoàn cảnh gia đình khó khăn chinh phục được vương miện như các Hoa hậu: Bùi Bích Phương, Phan Thu Ngân, Đặng Thu Thảo… nhưng con số ấy không nhiều. Lý giải điều này, Th.S Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: “Một vẻ đẹp đăng quang hội tụ rất nhiều yếu tố, từ nhan sắc, thần thái, học vấn, ứng xử… và đương nhiên, tất cả những yếu tố ấy cần được bồi đắp trong cả một quá trình từ nhỏ đến lớn chứ không phải đi thi mới cần bồi đắp. Do vậy, những cô gái nghèo ít được học hành, bố mẹ bận làm ăn không dạy dỗ chuẩn mực, đời sống cực nhọc, thiếu thốn khiến thần thái không được rạng rỡ, hài hòa… sẽ khó có “cửa” đăng quang”.
Trong số những gương mặt kể trên, Hoa hậu Bùi Bích Phương xuất phát trong gia đình khó khăn, bố là bộ đội xa nhà, mẹ một mình nuôi các con ăn học, nhưng cô may mắn được dạy dỗ cẩn thận, sớm có tinh thần tự lập, đoạt học bổng du học rất sớm. Còn Hoa hậu Phan Thu Ngân, sau nhiều năm sống ở xóm lao động nghèo, ánh hào quang vụt đến, cô đã nhanh chóng “theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi rơi vào nhiều biến động, bi kịch... Riêng Hoa hậu Đặng Thu Thảo – với xuất phát điểm thấp – cô đã nỗ lực “bằng năm, bằng mười” về mọi khía cạnh để có được hình tượng thiện cảm như hiện nay.
Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa kết thúc, cái tên vướng nhiều lùm xùm nhất là thí sinh Nguyễn Thị Thành, cô gái Bắc Ninh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giữa thời điểm dư luận đang ca ngợi Thành biết vượt khó, chinh phục ước mơ thì cô khiến cho công chúng thất vọng vì vướng vào tố cáo lùm xùm với BTC xung quanh việc thẩm mỹ răng. Việc cô có bị “giật dây” như BTC đã ngầm nhắc đến hay không, nhưng nếu như Nguyễn Thị Thành tham gia cuộc thi với tâm thế nhẹ nhàng, có bản lĩnh hơn thì cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ chứ không phải trở thành “cú phốt” đáng buồn. Để rồi giờ đây, hễ nhắc đến Nguyễn Thị Thành là nhắc đến sự gian lận, thậm chí là sự ảo tưởng về khả năng trong hành trình chạm đến vương miện.
Ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1996, người đẹp Hồng Yến (người Bến Tre) được mệnh danh “đệ nhất mỹ nhân”. Xuất thân trong gia đình lao động, từ nhỏ gần như chỉ biết đến ruộng đồng, kênh rạch nên cô gái này luôn ngắc ngứ trước những màn ứng xử. Dù được mọi người bổ trợ kiến thức “cấp tốc”, chăm chỉ lắng nghe, lấy bút ghi lại, nhưng cuối cùng Hồng Yến vẫn thất bại. |