"Rổ sạn" phim Việt làm ngành y dậy sóng: HIV nhẹ hơn COVID-19 nên chỉ cần cách ly 2 ngày?
- Thứ tư - 25/11/2020 22:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lửa Ấm là bộ phim truyền hình được giới thiệu đưa tới những góc nhìn mới về nụ cười, nước mắt, máu và sự hy sinh của những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các bác sĩ. Tuy nhiên, bộ phim này lại đang khiến cả ngành y và cư dân mạng Việt bức xúc, tức giận bởi liên tục bị sai chuyên môn ngành y.
Gần đây nhất, trong tập 36, 37 của bộ phim Lửa Ấm có tình tiết cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế người tai nạn giao thông đầy máu đến bệnh viện. Bệnh nhân bị tai nạn này có kết quả xét nghiệm máu nhiễm HIV. Bác sĩ Thủy (Thúy Hằng) hốt hoảng hỏi Hoàng: “Hoàng, em có vô tình tiếp xúc với máu bệnh nhân không?" Cuối cùng, Hoàng (Mạnh Quân) nhận được kết luận của bác sĩ là đã bị phơi nhiễm HIV.
Phía CDC Hà Nội (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) đã phải lên tiếng: "Đó là cách tuyên truyền sai, bởi vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV/AIDS là bị phơi nhiễm. Việc tuyên truyền sai có thể khiến nhiều người không dám cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông nữa..."
Đại diện CDC Hà Nội tiếp tục chỉ ra lỗi sai thứ 2: "Theo cảnh trong phim, sau khi chìa ra kết quả của bệnh nhân dương tính với HIV, các bác sĩ trao đổi với nhau và cho rằng, nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV rồi nên phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng. Tất cả các bác sĩ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều dậy sóng sau câu nói này.
Có lẽ do truyền thông dịch COVID-19 mạnh quá và COVID-19 phải cách ly 14 ngày còn HIV nhẹ hơn nên trong phim mới có yêu cầu cách ly 2 ngày như vậy. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này.
Một số chi tiết hoảng hốt của người nhà khi nhân vật Hoàng có nguy cơ phơi nhiễm HIV khiến những người làm chuyên môn như chúng tôi vô cùng bức xúc và không hiểu sao đoàn phim có thể tuyên tuyền vấn đề nhiễm HIV sai lầm như vậy. Mới có phơi nhiễm đã hoảng hốt rồi cách ly 2 ngày... sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV."
Đại diện CDC Hà Nội nhấn mạnh: "Đồng thời, phơi nhiễm HIV không chết và có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay, hay người nghiện nhiễm HIV sau khi lấy máu, biết sẽ đi cai nghiện tập trung đã giật xi-lanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ, nhưng đều không bị nhiễm HIV."
Đại diện của đơn vị sản xuất Lửa Ấm đã có phản hồi chính thức về những sai sót này: "Vừa qua, trên báo chí có phản ánh 1 tình huống trong bộ phim Lửa Ấm đang phát sóng trên VTV1 có thể dẫn đến những hiểu lầm về hoạt động trong ngành Y tế.
Từ phía đơn vị sản xuất, khi thực hiện sản xuất và phát sóng bộ phim Lửa Ấm, chúng tôi không hề mong muốn bộ phim sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực hoặc những thông tin sai lệch về ngành nghề, cụ thể ở đây là ngành Y tế. Chính vì vậy, trong suốt quá trình từ phát triển kịch bản cho đến quay phim tại hiện trường, chúng tôi đã rất cẩn trọng và luôn có sự tư vấn chuyên môn từ nhóm tư vấn bao gồm các bác sỹ, chuyên gia đang hoạt động trong ngành Y Tế (do Vụ Truyền thông & Thi đua khen thưởng, Bộ Y Tế chỉ đạo), đối với từng tình huống, lời thoại liên quan đến hoạt động chuyên môn trong ngành Y tế".
Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc lại với nhóm chuyên gia tư vấn này với tình huống cụ thể đã được phản ánh trong phim và sẽ sớm đưa ra phản hồi."
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Lửa Ấm xuất hiện sai lầm về các kiến thức y khoa. Ở tập đầu tiên,Thủy khiến người xem "ngã ngửa" khi đọc nhầm "truyền Natriclorua 0,9%" thành "truyền Natriclorua 0,9 phần ngàn".
Ở tập 2, phim khiến không chỉ những người trong ngành y mà tới các khán giả bình tường cũng phải bức xúc vì phân cảnh cấp cứu bệnh nhân quá qua loa, sơ sài. Người bệnh đang trong nguy cấp nhưng những bác sĩ lại bình tĩnh đứng quanh với ống nghe để ngay ngắn trong túi.
Chưa kể việc Thủy đeo khẩu trang không đúng cách - kéo khẩu trang xuống dưới cằm sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm chéo. Một cư dân mạng cho biết thêm: "Các bạn nhìn vậy nhưng thật thì dân y mình nhìn qua là họ biết ngay trang phục của từng vị trí: Bác sĩ, y tá, điều dưỡng, thư ký, hộ lý... Theo hình trong phim thì như thế này ạ.
Đầu tiên, bác sĩ đeo khẩu trang như kia là không đúng rồi. Có thể bỏ hẳn hoặc đeo vô không sao, nhưng đeo như kia thực sự không ổn, sai cách đeo và làm lây nhiễm chéo. Thứ 2, mẫu áo blouse kia không phải của bác sĩ. Mẫu áo blouse của bác sĩ khác hoàn toàn. Ống nghe khoác trên cổ như kia cũng không đúng cách luôn nhưng thôi bỏ qua được.
Áo xanh dương là màu áo của hộ lý, nên phân cảnh này để hộ lý bóp bóng là sai quy trình cấp cứu, và nguy hiểm hơn là đứng sai vị trí bóp bóng. Bức ảnh với bối cảnh bài trí phòng cấp cứu quá nhiều lỗi, với các tủ đồ và trang thiết bị không đúng... (chưa nói đến bệnh nhân cũng có vài lỗi nhưng có thể bỏ qua được)."
Lửa Ấm hiện đang được phát sóng lúc 21h từ thứ 2 tới thứ 6 trên kênh VTV1.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ro-san-phim-viet-lam-nganh-y-day-song-hiv-nhe-hon-cov...