Quách Thu Phương: "Với chuyện của Nam trong Hương Vị Tình Thân, tôi không nghĩ bà Xuân nông nổi"
- Thứ hai - 02/08/2021 21:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quách Thu Phương được mệnh danh là “giai nhân màn ảnh Việt” bởi nhan sắc vừa dịu dàng lại vừa đài các, kiêu sa. Chị từng ghi dấu ấn lớn với khán giả qua vai diễn Lan trong phim Của Để Dành.
Tái xuất màn ảnh nhỏ sau hơn 20 năm vắng bóng, Quách Thu Phương vẫn tiếp tục khẳng định được sức hút lớn của mình khi tham gia hai bộ phim gây sốt Đừng Bắt Em Phải Quên và Hương Vị Tình Thân.
Trong "Hương Vị Tình Thân", bà Xuân luôn tự hào khi có hai quý tử vừa đẹp trai vừa ưu tú.
Nhân vật bà Xuân trong Hương Vị Tình Thân của Quách Thu Phương hiện đang khiến cư dân mạng bàn luận hăng say mỗi khi phim phát sóng.
Dù đang bận rộn với lịch quay liên tục, nữ diễn viên vẫn bớt chút thời gian để chia sẻ với khán giả về những tranh cãi xoay quanh bà Xuân. Bên cạnh đó, Quách Thu Phương còn bật mí cho khán giả những bí quyết khi nuôi dạy con cái của mình.
Bà Xuân cũng không phải lo nghĩ chuyện tiền nong vì có chồng là người thành đạt.
- Chị có thể chia sẻ cho khán giả biết những biện pháp được đoàn Hương Vị Tình Thân thực hiện để đảm bảo an toàn cho diễn viên khi quay phim mùa dịch không?
Vì phim Hương Vị Tình Thân đang chạy sóng nên đoàn vẫn phải tiếp tục quay, không thể dừng được. Vì dịch bệnh phức tạp nên ai cũng phải có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Ngoại trừ các diễn viên đang quay thì những người khác đều phải đeo khẩu trang.
- Bà Xuân, bà Sa (NSƯT Thu Hạnh) và bà Bích (NS Tú Oanh) phải nhận khá nhiều "gạch đá" của cư dân mạng. Khi đi quay, các chị có thường chia sẻ với nhau về những bình luận hay tin nhắn "ném đá" mà mình nhận được?
Đó là một đề tài vui mà chúng tôi thường chia sẻ với nhau mỗi khi đi quay chung. Chúng tôi vừa thấy vui, hài hước lại vừa cảm kích bởi mọi người xem và quan tâm thì mới có thái độ như vậy. Chúng tôi còn đùa với nhau rằng cư dân mạng đang ví bộ ba của mình là "ba mụ phù thủy". (Cười lớn)
- Chị có sợ thời gian tới sóng gió của bà Xuân gây ra cho Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường) sẽ bị khán giả "ném đá" nhiều hơn?
Thật sự tôi không sợ người khác ghét mình. Thậm chí, khi đọc bình luận của mọi người, tôi còn thấy vui, có lúc cười phá lên vì thích thú nữa. Trong Hương Vị Tình Thân phần 2, khán giả sẽ lại tiếp tục ghét bà Xuân thôi. Thậm chí, sự ghét bỏ còn tăng lên chứ không hề giảm đi.
Tuy nhiên, đây là điều chúng tôi đều đã lường trước được ngay từ khi cầm kịch bản, cân nhắc từ câu thoại, bộ quần áo tới phụ kiện. Có những phân đoạn lời thoại không hề có trong kịch bản bởi chúng tôi đã tự thảo luận và sáng tạo.
Sau khi làm xong, chúng tôi lại nói với nhau rằng: "Thế này sẽ phải nhận "gạch đá" từ khán giả thôi." Nhưng vì tính cách nhân vật đã đi như vậy thì phải làm như thế.
Nhưng tôi mong người xem dù yêu thích phim cũng nhớ giữ sự tỉnh táo, đừng bị cuốn quá mức rồi nhầm lẫn giữa phim và đời. Và cho dù chúng ta phẫn nộ tới đâu thì cũng nên dừng ở những lời lẽ văn minh.
- Bên cạnh "gạch đá", có nhiều người lại cho rằng phản ứng tâm lý của bà Xuân cũng là điều dễ hiểu. Bởi bà ấy đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào 2 cậu con trai ưu tú của mình. Còn quan điểm của chị thì sao?
Tôi thật sự tôn trọng suy nghĩ của những người này. Bởi họ xem rất kỹ, không chỉ quan sát vai diễn bà Xuân mà còn quan sát cả những nhân vật khác nữa. Họ đã suy nghĩ đúng chiều của nhân vật và tìm ra điểm đáng cảm thông của bà ấy.
Thế giới của bà Xuân bị thu hẹp trong một vòng tròn rất nhỏ, chỉ có chồng và con cái. Ngoài thế giới đó ra, bà Xuân không còn gì khác. Vậy nên khi sự việc xảy ra, thế giới của bà Xuân như sụp đổ. Cũng vì sự sụp đổ đó mà suy nghĩ của bà ấy có chút tiêu cực, có thể không còn tỉnh táo, không còn đủ lý trí nữa.
Tôi từng chia sẻ mỗi nhân vật dù xấu hay đẹp thì đều ẩn chứa một thông điệp nào đó. Và trong mỗi vai diễn mà nghệ sĩ thể hiện đều sẽ có một phần nào đó thật sự xuất hiện ở ngoài đời. Vấn đề là chúng ta có dám nhìn thẳng và thú nhận rằng mình có điều đó hay không mà thôi.
- Từ câu chuyện của bà Xuân, chị nghĩ sao về quan điểm mỗi người phụ nữ nên có sự nghiệp của riêng mình?
Tôi nghĩ rằng mỗi người phụ nữ không nên bó buộc mình vào một thế giới nhỏ như bà Xuân. Bởi khả năng của con người là vô cùng, ngay cả chính mình cũng không biết hết được khả năng của bản thân. Tôi không đồng tình với việc chỉ ở nhà chăm chồng, chăm con.
Tôi mong muốn chị em phụ nữ có được sự độc lập. Khi độc lập, người ta sẽ tự tin về mọi mặt. Khi đi ra ngoài xã hội, được trau dồi nhiều kiến thức, sự hiểu biết tăng lên, quan hệ rộng ra thì cách nhìn của họ sẽ khác, không còn bị bó hẹp trong thế giới nhỏ bé đó nữa. Khi nhìn mọi thứ, họ sẽ trở nên bao dung, vị tha và cũng đơn giản hơn.
- Vậy chị nghĩ sao về hành động người mẹ tự tử để ép buộc con cái nghe theo ý mình?
Nếu đứng dưới góc nhìn của khán giả, tôi cho rằng đó là sự bất lực của người mẹ. Họ đã đi đến bước đường cùng và bất lực nên mới phải dùng hành động tự tử. Nhưng lựa chọn như vậy thì họ vô tình lại làm tổn thương những người xung quanh và cả chính mình. Hành động này không chỉ gây đả kích mà còn dẫn tới vị thế cùng cực, bất lực trong gia đình của người mẹ đó.
- Gần đây, chị Hoàng Yến có đăng tải hình ảnh hậu trường cảnh bà Xuân căng thẳng tới tìm bà Nguyệt. Cư dân mạng đồn rằng: " Bà Nguyệt cướp chồng bà Xuân nên không khí cuộc gặp gỡ mới căng như dây đàn." Chị nghĩ sao về tin đồn này?
Tôi thấy cũng vui và hay mà. (Cười) Chúng ta làm sao biết được trước tình huống phim đúng không nào?
Tôi nghĩ rằng khi phim phát sóng, mỗi người sẽ lại có cách suy nghĩ và cảm nhận về diễn biến phim khác nhau. Tôi thấy nhiều người phân tích tình tiết của phim rất logic và thuyết phục, cứ giống như là thật vậy. Theo tôi, mọi người có thích và xem say sưa mới đưa ra những phán đoán đó. Mọi người hãy cứ vui và tin vào phán đoán của mình rồi tìm đáp án chính xác trong Hương Vị Tình Thân nhé!
- Nếu Nam cũng trở thành con dâu nhà họ Hoàng, chị nghĩ bà Xuân sẽ đau đầu vì Thy (Thu Quỳnh) hay Nam hơn?
Hiện tại, phim vẫn đang quay, chính các diễn viên cũng không biết chắc nhân vật của mình sẽ có kết thúc như thế nào nên cũng khó để trả lời. Nhưng tôi nghĩ rằng người khiến bà Xuân đau đầu là 2 cậu con trai. (Cười)
Tuy nhiên, tôi thấy câu chuyện ở Hương Vị Tình Thân rất nhân văn. Ban đầu, bà Xuân phản đối Thy nhưng sau đó biết Thy có bầu thì vui vẻ chấp nhận ngay bởi bà ấy cũng từng như vậy. Thế giới của bà Xuân ngoài gia đình cũng chỉ có thêm mấy bà bạn thân nên chấp nhận con của bạn thân về làm dâu nhà mình cũng dễ hơn.
Còn Nam, bà Xuân nhận định đó là một cô bé tốt. Nhưng mẹ Nam là một vấn đề rất lớn, với sự ích kỷ của một người mẹ thì bà Xuân khó mà chấp nhận được người thông gia như vậy.
Bà Xuân là người cả tin, xốc nổi, không có chính kiến nên dễ bị giật dây. Tuy nhiên ở vấn đề của Nam, tôi không nghĩ bà ấy quá nông nổi. Bà ấy đã nhìn nhận thấu đáo rất nhiều yếu tố từ xuất thân tới tính cách... Chỉ có điều bà ấy đánh đồng tất cả mọi chuyện lên và Nam chính là nạn nhân của việc đó.
- Nếu đứng ở bên ngoài nhìn nhận, chị có mong mỏi cô gái nào trong Hương Vị Tình Thân trở thành con dâu mình?
Thy hay Nam cũng đều có những nét tính cách riêng. Nhưng nếu đặt địa vị tôi là một khán giả, tôi cũng sẽ giống như nhiều khán giả thấy ưng ý Nam. Bởi Nam là một con người chân thành, thật thà, biết yêu thương người khác, xuất thân từ nghèo khó và mất mát nhưng vẫn rất giàu lòng vị tha...
Nếu tôi là một người phụ nữ bình thường ngoài đời và có con trai, tôi cũng sẽ thích Nam.
- Vậy ngoài đời, chị là người mẹ như thế nào khi đối diện với chuyện yêu đương của con cái?
Tôi khác bà Xuân hoàn toàn, suy nghĩ của tôi với vấn đề này rất hiện đại. Tôi có một cô con gái lớn 23 tuổi. Ngay từ khi bé bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu có những tình cảm cảm tính đầu tiên, tôi đã nói với bé rằng:
"Các con nên có những điều đó mới là bình thường. Chỉ có điều, con nên biết mình đang ở độ tuổi gì, nhiệm vụ phía trước là cái gì và giới hạn của mình ở đâu. Đặc biệt, tình cảm này là như thế nào? Ví dụ, tuổi học trò, các con cảm mến nhau là chuyện rất bình thường và mẹ luôn ủng hộ điều đó. Và đến khi trưởng thành nhìn lại, chắc hẳn các con sẽ mỉm cười trước những ngô nghê, đáng yêu trong quá khứ."
Tôi không áp đặt trong chuyện tình cảm của con cái, luôn để con thoải mái và tôn trọng sự lựa chọn của con. Hai mẹ con có thể nói với nhau rất nhiều chuyện, kể cả kiến thức sinh sản. Tôi và con gái giống như hai người bạn vậy. Tôi chỉ dùng những gì mình đã trải nghiệm để phân tích và đưa lời khuyên còn con sẽ là người tự đưa ra quyết định.
Bạn bè của con tôi hay bảo: "Sao mẹ bạn thoải mái thế? Sao mẹ bạn hiện đại thế?". Nhưng tôi thấy khi tôi đặt niềm tin và không cấm đoán thì con lại càng ngoan hơn.
Tôi luôn mong con mình có những tình yêu đẹp, yêu ai cũng được, không nhất thiết người đó phải như thế nọ phải như thế kia. Cái quan trọng nhất phải là con có vui và hạnh phúc trong mối quan hệ đó hay không?
Chỉ cần con vui là được rồi bởi mình không thể sống được với các con cả đời, chỉ có các con sống với nhau mà thôi. Hạnh phúc là của các con nên các con phải tự biết nhìn nhận, đón nhận và tự giữ lấy.
- Chị có dạy con gái phải giỏi nữ công gia chánh và trao đổi với con như thế nào về sự hy sinh trong hôn nhân?
Dù hiện đại tới đâu thì tôi cũng sẽ có điểm giống với những bà mẹ Việt Nam khác. Ngay từ khi con gái mới học lớp 5 - lớp 6, tôi đã bắt đầu dạy bé việc nhà, nấu nướng. Tôi nói với con rằng phải biết những công việc này là để chăm sóc tốt cho bản thân mình trước.
Giờ bé rất giỏi tề gia nội trợ, nấu ăn vừa ngon vừa khéo. Thật sự đây là điều tôi rất hãnh diện và tự hào về con. Hiện con đang du học ở nước ngoài và tôi cực kỳ yên tâm dù hai mẹ con không ở gần nhau.
Còn về đức hy sinh và nhẫn nhịn, tôi nghĩ rằng là điều cần phải có. Sự nhẫn nhịn ở đây là nhẫn nhịn cái tôi của mình xuống bởi điều gì cũng có giới hạn của nó. Có những hoàn cảnh mà cái tôi không được phép quá lớn nếu không sẽ phá hủy nhiều thứ. Cuối cùng, bản thân mình lại là người chịu tổn thương đầu tiên. Chỉ có điều, chúng ta nhẫn nhịn chứ không nhẫn nhục.
Trong cuộc sống tất nhiên cũng phải có sự hy sinh. Không có ai nói rằng mình không phải hy sinh cái này mà lại được cái kia cả. Tôi luôn trao đổi với con từ những gì thực tế nhất.
Ví dụ, mẹ đi làm kiếm tiền để con ăn học thì mẹ phải hy sinh việc được ở gần chăm sóc con. Nhiều khi mẹ muốn ôm con cũng là việc khó khăn. Hay giờ con đi học nước ngoài, con phải tự lập, ốm đau cũng phải tự mình lo cũng là một sự hy sinh... Và tôi cũng khẳng định rằng, trong hôn nhân, không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng phải hy sinh.
- Theo chị, mẹ chồng và nàng dâu sẽ phải học cách yêu thương và dung hòa với nhau như thế nào?
Tôi cũng có một cậu con trai và ngay từ đầu, tôi luôn nói với con rằng con trai - con gái đều như nhau. Và đương nhiên, khi con gái nhà người ta nuôi ngần ấy năm rồi đưa về nhà mình, mình cũng phải yêu thương con dâu giống như con mình vậy.
Tôi luôn tin vào tình yêu thương và phải cho đi thì mới có thể nhận lại, chứ không bao giờ chỉ có một phía cả. Vậy thì nếu có con dâu, mình cứ chủ động yêu thương con dâu trước. Có thể giờ con chưa hiểu thì mình sẽ làm cách nào đó để con hiểu rồi yêu thương lại mình.
Xin cảm ơn và chúc vai diễn của chị thành công hơn nữa!
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/quach-thu-phuong-o-chuyen-cua-nam-trong-huong-vi-tinh...
Hương vị tình thân