Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


NSND Hoàng Dũng, NSƯT Công Lý tiết lộ khoảng thời gian chật vật mưu sinh

NSND Hoàng Dũng, NSƯT Công Lý tiết lộ khoảng thời gian chật vật mưu sinh
Đam mê sân khấu, đam mê ánh đèn, diễn xuất nhưng sân khấu chưa đủ nuôi người nghệ sĩ làm nghề một cách chuyên tâm. “Ông trùm phán xử” - NSND Hoàng Dũng và “cô Đẩu” Công Lý đã phải xoay ra làm đủ nghề để giữ lửa nghệ thuật không bao giờ tắt.

Công Lý - Xuân Bắc - Tự Long và ca khúc "chế" Lụt từ ngã tư đường phố gây ấn tượng tại Gặp nhau cuối năm 2009.

Xuất hiện trên chương trình Cà phê sáng của VTV3, “ông trùm phán xử” - NSND Hoàng Dũng và “cô Đẩu” Công Lý đã có những chia sẻ xúc động về những góc khuất thầm lặng đằng sau ánh đèn sân khấu.

NSND Hoàng Dũng gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội 40 năm từ năm 1977 khi đó còn là đoàn kịch Hà Nội, cho đến khi về nghỉ hưu vào năm 2017. Không thể nhớ hết số vai diễn mà mình đã tham gia trong suốt 40 năm làm nghề vì số lượng quá lớn, NSND Hoàng Dũng từng được mệnh danh là "con dao pha" của nền kịch nghệ đương đại và giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

Chia sẻ về những “khó khăn lớn nhất cũng là vấn đề muôn thuở của người nghệ sĩ”, NSND Hoàng Dũng trầm lắng: “Đam mê sân khấu, đam mê ánh đèn, diễn xuất nhưng sân khấu chưa đủ nuôi người nghệ sĩ làm nghề một cách chuyên tâm.

Nghệ sĩ chúng tôi cũng như những người bình thường khác, phải có trách nhiệm với vợ con, nuôi gia đình, chi trả đủ sinh hoạt phí trong khi đó tiền lương thấp. Một thời gian có câu “nghệ sĩ xuống đường” làm kinh tế. Tôi còn nhớ, sau một vở diễn được giải thưởng, tôi xin nghỉ gần một năm. Nghỉ ở đây nghĩa là tối diễn vở cũ, ban ngày kinh doanh. Cũng may là lúc đó kiếm được tiền. Nhưng sau đó tôi nghĩ cứ thế này mãi thì chán quá, tôi xoay ra tính cách khác để vẫn kinh doanh nhưng quay trở lại làm việc với nhịp độ bình thường”.

NSND Hoàng Dũng: "Sau khi đóng Phan Quân tôi cũng mua được mấy chục ngôi nhà".

“Thời kì được gọi là hoàng kim của sân khấu là lúc không có phương tiện giải trí khác, đời sống kinh tế, văn hoá khó khăn. Còn nhớ khi đó, mỗi khi tôi được tham gia một vở kịch phát trên truyền hình, nghe các anh các chị nói hôm nay phát là tối phải đi xem nhờ, nhà không có TV.

Lúc bắt đầu có TV thì cũng chưa có những sự cạnh tranh khác, mọi người, nhất là người Hà Nội vẫn còn có thói quen đến rạp. Về sau cơ chế thoáng hơn, các phương tiện giải trí ồ ạt vào Việt Nam, sân khấu có sự cạnh tranh rất nhiều, có thời điểm những người làm sân khấu chúng tôi loay hoay không biết khán giả muốn xem gì. Có một nghịch lí, cho đến tận bây giờ, khán giả đi xem kịch nói rằng vẫn thích nhưng buổi tổng duyệt, chiêu đãi thì đông, nhưng cứ bán vé lại vắng, mà khán giả cũng không phải ki bo đâu”, NSND Hoàng Dũng trăn trở.

Nghệ sĩ Công Lý cho rằng, trước đây anh cứ nghĩ rằng "hữu xạ tự nhiên hương", mình cố gắng tác phẩm tốt nhất là được nhưng đến giờ anh mới nhận ra việc quảng bá các tác phẩm nghệ thuật cũng rất quan trọng. “Khi khán giả không biết đến thì làm sao họ đến rạp, các đơn vị kịch nói nhìn chung công tác quảng bá còn hạn chế”, NSƯT Công Lý giãi bày.

“Trong suốt 25 năm làm nghề, cũng như NSND Hoàng Dũng vừa nói, nếu chỉ làm sân khấu thì tôi nói thật là không đủ sống. Ngoài cơm áo gạo tiền thì khó khăn với nghệ sĩ là giữ lửa nghề được lâu dài.

Với cá nhân tôi, tôi không có nghề tay trái, không bán cà phê, không bán hàng qua mạng mà cũng chỉ làm những nghề loanh quanh nghệ thuật để vẫn có thể tồn tại. Tôi đi lồng tiếng, quay phim, diễn kịch, tham gia đóng hài cuối năm,…”, nghệ sĩ Công Lý trải lòng.

Khi nói về nghề, niềm vui ánh lên trong mắt nghệ sĩ Công Lý. Nói về cơ duyên gắn bó mấy chục năm với Nhà hát Kịch Hà Nội, Công Lý tiết lộ: “Không phải có anh Hoàng Dũng ở đây mà tôi mới nói mà sự thực là từ bé xem những vở kịch trên truyền hình tôi đã rất hâm mộ anh Hoàng Dũng nên thời sinh viên, tôi cứ “nhăm nhăm”, tốt nghiệp xong sẽ về Nhà hát Kịch Hà Nội. Nếu Kịch Hà Nội không mời có lẽ tôi sẽ không làm nghề nữa. Chính vì thế, sau đó, dù rất nhiều đoàn kịch nói khác mời chào nhưng tôi vẫn một tình yêu duy nhất.

Khi mới bước chân vào nghề thì hừng hực khí thế, tôi tự hỏi không biết mình giữ lửa nghề đến bao giờ, nhưng thật may là khi về đây, không chỉ riêng anh Hoàng Dũng mà các cô, các chú khác cũng nhen nhóm ngọn lửa cho mình và tôi chắc chắn sẽ không bao giờ tắt lửa nghề”.

Phương Nhung

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây