Vụ HS bị tông gãy chân: Kết quả điều tra “tố” hiệu trưởng gian dối
- Thứ hai - 20/02/2017 20:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân sau tai nạn giao thông ở trường.
Hôm nay (21.2), UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội, sẽ công bố quyết định cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên và bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó trường này vì những vi phạm liên quan đến vụ việc cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4 của trường tiểu học Nam Trung Yên) bị tai nạn gãy chân.
Quyết định cách chức hai lãnh đạo nhà trường được thực hiện sau khi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung có cuộc họp cùng Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Chánh văn phòng UBND Thành phố về vụ việc.
Theo điều tra ban đầu của Công an TP.Hà Nội về vụ tai nạn dẫn tới việc cháu Kiên bị gãy chân, ngày 1.12.2016, bà Tại Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương gọi taxi đưa bà Ngọc đi khám tại Bệnh viện Việt Đức.
Sau khi khám xong, cả hai lên xe taxi di chuyển về trường. Khi qua phố Phủ Doãn, các cô giáo này yêu cầu lái xe dừng lại để mua thuốc cho bà Ngọc.
Tuy nhiên, do đường Phủ Doãn cấm dừng đỗ nên lái xe taxi là ông Trần Quốc Tuấn đã đưa các-vi-dít cho bà Hương và hẹn khi mua xong thuốc sẽ quay lại đón.
Sau khi mua thuốc cho bà Ngọc, bà Hương đã gọi điện cho ông Tuấn đến đón và đi về trường.
Khi xe taxi về đến cổng sau nhà trường, bà Hương điện thoại cho bảo vệ trường ra mở cửa để cho xe taxi đi vào.
Chiếc xe taxi chở bà Hương và bà Ngọc vừa vào đến sân trường thì cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa đã chạy về phía đầu xe và bị xe taxi đâm phải, ngã bệt xuống đất.
Lái xe dừng lại thì Hiệu trưởng Ngọc đi thẳng vào phòng Hội đồng, còn Hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã đỡ cháu Kiên lên.
Do cháu Kiên kêu đau nên bà Hương cùng bảo vệ đưa cháu Kiên lên phòng chức năng của nhà trường để thăm khám. Lái xe taxi sau đó do chưa biết hậu quả cháu Kiên bị gãy chân nên đã đi rời khỏi trường.
Cơ quan điều tra xác định, việc cho xe ô tô taxi do ông Trần Quốc Tuấn điều khiển đi vào sân trường trong giờ ra chơi của các cháu học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên và gây tai nạn là có thật. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương.
Về phần Hiệu phó Nguyễn Thị Hương, cơ quan điều tra làm rõ, bà Hương dù biết số điện thoại của lái xe taxi gây tai nạn, nhưng không cung cấp kịp thời cho cơ quan điều tra, đồng thời có biểu hiện che dấu vụ việc như tiến hành phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1.12.2016. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.
Đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, thời điểm cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn có ngồi trên xe taxi nói trên nhưng không xác nhận xe chở mình gây tai nạn cho học sinh, mặt khác đồng ý với những việc làm sai nói trên của bà Hương.
Cơ quan điều tra đánh giá, bà Ngọc đã không trung thực trong báo cáo, cố tình che dấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc làm của bà Ngọc và bà Hương nêu trên tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng, ngành giáo dục Việt Nam nói chung.
Sáng 1.12.2016, gia đình anh Trần Chí Dũng - phụ huynh của cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4, Trường tiểu học Nam Trung Yên) nhận được điện thoại của giáo viên trường cháu Kiên thông báo, trong lúc chơi ở sân trường cháu Kiên bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo anh Dũng, cháu Kiên nói với bố mẹ, cháu bị gãy chân sau va chạm với chiếc ô tô di chuyển trong sân trường, trên xe có cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô giáo khác. Quá bất ngờ vì sự việc, anh Dũng đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân nhưng nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm. Về phía nhà trường, trong báo cáo gửi Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy về sự việc cháu Kiên, Trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhà trường đã tiến hành phát phiếu khảo sát. Kết quả cho biết, 100% cán bộ, giáo viên và bảo vệ khẳng định, không có xe ô tô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi. Nếu có hiện tượng học sinh ngã là do nô đùa, đuổi nhau chạy quá nhanh, quá mạnh. Trao đổi với báo chí, bà Tạ Bích NgọcNgọc còn khẳng định, mình không biết chiếc xe gây tai nạn, không ngồi trên chiếc xe gây tai nạn. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung các đơn vị liên quan làm rõ sự việc. Hàng loạt giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên sau đó bức xúc cho rằng, kết quả khảo sát 100% cán bộ, giáo viên, bảo vệ không nhìn thấy ô tô là thiếu khách quan, trung thực. |