Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Vỉa hè: Nếu không cho thuê sẽ sinh ra... "bảo kê"?

Vỉa hè: Nếu không cho thuê sẽ sinh ra... "bảo kê"?
“Nếu không ai quản lý, quy hoạch, sử dụng nó và ban hành quy định cho thuê vỉa hè sẽ có lực lượng khác đến bảo kê cho hành động lấn chiếm vỉa hè đó. Nếu không làm theo hướng này, chỉ sau mấy tháng dẹp loạn, vỉa hè sẽ quay lại như cũ”…

Phải có hợp đồng, thu phí thuê vỉa hè

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân", Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, cần hiểu đúng quy định pháp luật, đó là vỉa hè có công năng chính dành cho người đi bộ, ngoài ra, tùy từng nơi còn có thể bố trí không gian phục vụ cho những công năng khác nữa. Trách nhiệm của của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương.

Chuyên gia độc lập Lương Hoài Nam cho rằng, nếu không ai quản lý, quy hoạch, sử dụng nó và ban hành quy định cho thuê vỉa hè sẽ có lực lượng khác đến bảo kê cho hành động lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Hoàng Nam)

Việc Hà Nội kẻ vạch thẳng với bề ngang 2m, liệu có phải chủ nhà được quyền sử dụng 2m đó hay không? Ông Lương Hoài Nam cho rằng, nếu chủ nhà đó có nhu cầu sử dụng thì có thể thuê lại 2m đó, chứ không miễn phí được.

“Nếu không ai quản lý, quy hoạch, sử dụng nó và ban hành quy định cho thuê vỉa hè sẽ có lực lượng khác đến bảo kê cho hành động lấn chiếm vỉa hè đó. Nếu không làm theo hướng này, chỉ sau mấy tháng dẹp loạn, vỉa hè sẽ quay lại như cũ”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, việc giải quyết vỉa hè bị lấn chiếm liên quan tới hai cụm vấn đề: Một là, nền kinh tế vỉa hè bao gồm kinh tế mặt tiền và kinh tế hàng rong. Hai là kết cấu giao thông vận tải.

“Với tư cách một công dân đồng sở hữu vỉa hè, tôi không đồng ý để chính quyền tạm giao mà không thu phí cho ai đó. Bởi đó là của công, một phần sở hữu của tôi. Anh ở nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với chính quyền địa phương và phải trả khoản phí nhất định. Tôi đề nghị làm theo thủ tục hành chính có thu phí, có kẻ ô. Nếu các anh không thu phí thì sẽ có người khác đến thu phí. Còn khi các anh đã ký hợp đồng, diện tích kẻ ô trắng, có thu phí thì sẽ không ai dám đến thu phí nữa. Hãy làm như thế mới giải quyết tận gốc”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Còn việc cho thuê lại hay không đã được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp, mà không ảnh hưởng đến người đi bộ.

Từ vạch trắng ấy đến trước cửa nhà dân là của ai?

Liên quan đến việc kẻ vạch trắng trên vỉa hè, câu hỏi đặt ra: Vậy từ vạch trắng đến trước cửa nhà dân là của ai?

Từ vạch trắng trên vỉa hè đến trước cửa nhà dân là của ai?

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho hay: Theo Luật Giao thông đường bộ, TP.HCM đã ban hành Quyết định 74/2008 quy định cụ thể việc triển khai sử dụng lòng đường. Quy định này đã đưa ra 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Cụ thể: Sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; Hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; Phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; Buôn bán hàng hoá; Hoạt động xã hội; Để xe tự quản trước nhà…

Tuỳ từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè là ưu tiên nhất là dành cho người đi bộ. Về phạm vi sử dụng vỉa hè, vỉa hè có diện tích trên 3m tình từ mép nhà trở ra và cần đảm bảo ngăn nắp sử dụng hợp lý. Công việc này được giao cho UBND các quận huyện quản lý và sử dụng.

Trên cơ sở để xuất của các quận huyện, năm 2009 UBND TP HCM cũng ban hành danh sách các tuyến đường nào được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được đậu xe, được để xe tự quản trước nhà. UBND quận, huyện được kẻ vạch, quản lý, sử dụng tạm thời. Đối với kinh doanh buôn bán không thu phí, chỉ thu phí khi giữ xe công cộng.

“Tôi xin nhấn mạnh, vỉa hè vẫn thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước, các đơn vị chỉ tạm sử dụng”, ông Đường nói.

Còn theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội thì theo quy định thống nhất, vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra nên có quy định kẻ vạch đến đó để hướng dẫn nhân dân để xe máy cho ngay ngắn.

“Hiện nay có 11 quận đã thực hiện theo quy định hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để người dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng kinh doanh mặt phố để người dân kinh doanh thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thành phố đang chỉ đạo đẩy vào trong để tránh việc lấn chiếm”, ông Viện thông tin.

Theo ông Viện thì có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu trên vỉa hè, nhưng cũng có nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Có nhiều đối tượng khác nhau nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng thì cho rằng, nếu như chúng ta thực sự quan tâm đến việc đi bộ sao cho phù hợp thì nên để xe phía ngoài hơn là để xe từ mép tường ra, vì để xe từ mép tường ra, người đi bộ suốt ngày húc vào gốc cây. Khi nào xác định để xe ở ngoài, đi bộ ở trong một cách mạch lạc thì việc đập tam cấp của nhà dân mới có lý. Hơn nữa, để xe sát mép ngoài để người đi xe máy không lao lên vỉa hè được nữa, còn phần trong giữ cho đi bộ thông thoáng.

>>XEM THÊM

Ông Đoàn Ngọc Hải nói về nạn “bảo kê" vỉa hè ở quận 1

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây