Thính giả của loa phường
- Chủ nhật - 12/02/2017 20:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Loa phường trên phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Ai nghe loa phường?
10 năm nay, hầu như ngày nào anh Lê Đình Dũng và các nhân viên của cơ sở tẩm quất khiếm thị Điểm Sáng tại ngõ 94 Ngọc Khánh đều thức dậy vào khoảng 7 rưỡi sáng bởi một phương tiện báo thức không thể cưỡng lại. Đó là 3 chiếc loa của đài truyền thanh phường Giảng Võ treo ngay ban công tầng 2 của cơ sở. Chương trình phát âm lượng mạnh trong khoảng nửa tiếng.
Đến 5h chiều, loa nhắc nhở thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, các gia đình khóa xe máy phòng mất cắp, các cửa hàng nhớ ngắt cầu dao điện trước khi đóng cửa, phòng chống cháy nổ... Vào các dịp đặc biệt có cả ca nhạc. Ví dụ ngày phòng chống ma túy sẽ được nghe hát về tác hại ma túy.
“Loa rất to, nhà mình làm dịch vụ, ảnh hưởng đến khách đang nghỉ ngơi. Thứ hai mình khiếm thị, chủ yếu nghe bằng tai mà chĩa thẳng vào nhà 2-3 cái loa, lúc ấy cảm giác mình vừa mù vừa điếc”, Dũng chia sẻ. Theo Dũng, nhiều khi có một nội dung- chẳng hạn phòng chó dại, chống cúm gia cầm mà loa phường nhắc đi nhắc lại cả tháng. Có khi cùng một nội dung được đọc lại nguyên xi trong một lần phát để đủ thời lượng 30 phút. Trong khi đó, có thông tin gì quan trọng, tổ trưởng dân phố vẫn đến từng nhà thông báo. Với Dũng, loa phường có ý nghĩa năm 1-2 lần khi thông báo cắt điện.
Dù thuê nhà dưới chân cột loa cả chục năm, Dũng khẳng định không thích nghi được với tiếng ồn do loa gây ra. Tuy nhiên anh cũng nhận thấy gần đây, sau khi có ý kiến của Chủ tịch thành phố và dư luận đài báo thì âm lượng loa phường giảm xuống, thời gian phát thưa hơn và không còn lặp lại một thông báo trong một lần phát. Bà Nguyễn Thị Đông ở số nhà 13, ngõ 94, Ngọc Khánh cũng nhận thấy động thái thay đổi đó. Bà có người con làm ca đêm, 5 rưỡi sáng mới về nhà, chả mấy khi có giấc ngủ bù tử tế, vì loa phường. Chồng bà sau tai biến cũng có hai năm cuối đời liệt giường ở tầng một, ngay dưới chân loa phường.
Bà Đông 78 tuổi, dân gốc đất này nhưng không nhớ loa phường có từ bao giờ, chỉ biết trước đây nó từng phát sớm hơn, bắt nhịp cho toàn dân thể dục buổi sáng. Một dạo ngưng phát rồi lại rộ lên. Bà không nghĩ mình có thể ý kiến về số phận loa phường, vì với bà loa là của tập thể chứ không phải của cá nhân hay của xóm. “Tưởng dân người ta yêu cầu có loa phường để nghe tin tức, thành ra chúng tôi không dám yêu cầu xóa bỏ. Giờ thấy đài nói không nên để thì chúng tôi thấy cắt đi cũng được. Thông tin giờ nhiều rồi,” bà nói. Người viết thử đề đạt giải pháp chuyển loa phường luân phiên từ cột điện này sang cột điện khác, bà nói: “Nhà khác cũng như mình thôi. Trừ khi mang loa ra đường còn được…”.
Một hộ dân cách cột điện treo loa phường Giảng Võ vài số nhà tỏ ra nước đôi: “Loa phường có cũng được mà không cũng được”. Thực tế “công dụng” của loa phường chỉ phát huy với vài hộ dân quanh nó. Ở xa một chút, có lắng tai nghe cũng khó mà biết loa nói gì. Lúc đó nó chỉ là một nguồn phát ra tiếng ồn.
Hệ thống loa phường được treo dày đặc trên từng cột điện ở phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
“Bình đẳng trước loa phường”
Dù bạn giàu cỡ nào, dù bạn nổi tiếng hay vô danh, miễn bạn ở cạnh loa phường thì ít nhiều đều chịu tác động của nó.
Họa sĩ Lê Thiết Cương sở hữu căn nhà triệu đô mặt phố Lý Quốc Sư, hơi tiếc nó lại giữa ngã ba. Và hai chục năm nay, anh thường xuyên cập nhật nội dung phát thanh của phường Hàng Trống. Bên cạnh thơ tổ hưu, loa còn quảng cáo cho cả mấy ngân hàng đóng trên địa bàn phường.
Đặc biệt nếu loa phường Giảng Võ thưa phát ngày cuối tuần thì loa phường Hàng Trống cứ đến thứ Bảy lại bật sớm hơn. Sáu giờ sáng, loa đã khua toàn dân dậy quét đường quét ngõ. Điều này khá khó hiểu, chả lẽ trung tâm thủ đô lại thiếu công nhân vệ sinh đến thế?!
“Loa phường rất nhiều kỷ niệm với một bộ phận lớn người Hà Nội. Nhưng đời sống văn minh thì tiếng ồn cũng là một loại ô nhiễm” Ca sĩ Mỹ Linh |
Lê Thiết Cương kiến nghị không nên có loa phường, nếu cần có thể duy trì ở những huyện ngoại thành, như Sóc Sơn. Đây chính là nơi định cư của ca sĩ Mỹ Linh. Ở đây chị nghe... loa xã. Chị ý kiến: “Nên để dân lựa chọn, nhất là thời đại thông tin thế này. Nên giữ cái bảng tin ở phường thì hay hơn”.Nội dung loa xã tất nhiên khác loa phường. Mỹ Linh sẽ biết lúc nào là vụ mùa gì và cần phải phun loại thuốc sâu gì. Điều khiến chị lo lắng là chất lượng phát thanh của loa xã khá kém. Chẳng hạn, chị dẫn lời loa xã mình: “Hôm nay nà mùa hè, thì nà chúng ta sẽ nghe bài chống nở noét trong mùa hè…”.
Ca sĩ Mỹ Linh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Hệ thống loa phường tương đối dày đặc, nhà tôi lại rất gần loa phường. Tiếng loa dội vào rất rõ. Khu vực tôi ở có rất nhiều thành phần gia đình nhưng gần như ai cũng phản ứng loa phường. Nó không mang lại điều gì cần thiết mà gây phiền toái nhiều hơn. Nó gây ô nhiễm tiếng động bền bỉ vào những giờ người ta cần yên tĩnh, cần chia sẻ trong gia đình”.
Lê Thiết Cương nhắc lại một thời hay ho của loa phường. Thời “chả có thông tin gì ngoài loa phường, kể cả nghe nhạc cổ điển cũng qua loa phường”. Anh nhớ khoảng từ tháng 3 đến 30/4/1975, người dân vẫn xúm quanh loa công cộng để nghe tin tức về chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời bao cấp, loa phát huy vai trò cung cấp những thông tin cần thiết, chẳng hạn dự báo thời tiết, trong tình cảnh ít gia đình có máy phát thanh. Công suất loa thời đó cũng không lớn như bây giờ. “Loa ở ngã tư Hàng Thùng- Nguyễn Hữu Huân đặt cạnh một cửa hàng và bọn trẻ con phải kiễng chân đứng trên những kệ hàng để nghe cho rõ,” anh kể.
Nguyễn Quang Thiều không phủ nhận tác dụng của loa phường trong một thời gian nhất định, khi các phương tiện tin tức chưa phát triển. Nhưng theo anh “Có nhiều cách truyền tải chủ trương chính sách của Nhà nước tốt hơn. Lẽ ra cơ quan chức năng phải tự biết phải làm gì với loa phường”.